Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội thảo luận tổ:

Hạn chế tình trạng “dìm giá” trong đấu giá tài sản, cách nào?

Hồng Thái
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 8/11, thảo luận tại tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, các đại biểu Quốc hội Đoàn TP Hà Nội cho rằng, cần thiết phải nâng mức tiền đặt trước trong đấu giá để hạn chế tình trạng “dìm giá”.

Quang cảnh phiên thảo luận tổ của Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội
Quang cảnh phiên thảo luận tổ của Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội

Xuất hiện tình trạng trả giá cao rồi “bùng”

Thảo luận tại tổ, các đại biểu Quốc hội Đoàn TP Hà Nội cơ bản nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản sau hơn 5 năm thi hành Luật Đấu giá tài sản. Việc này  nhằm đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp, phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Đồng thời đổi mới, nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động bổ trợ tư pháp nói chung, trong đó có hoạt động đấu giá tài sản; khắc phục những tồn tại, bất cập của hoạt động đấu giá tài sản để đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Tuy nhiên, Trung tướng Nguyễn Hải Trung - Giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết, thực tế thời gian qua cho thấy vẫn còn tình trạng người đấu giá trả giá cao rồi “bùng” nên gây khó khăn cho các cơ quan tổ chức đấu giá. Vì thế, trong Dự Luật cần nghiên cứu tiếp thu việc quy định phải đặt cọc sau khi đấu giá để ràng buộc trách nhiệm của người tham gia đấu giá.

Theo Trung tướng Nguyễn Hải Trung - Giám đốc Công an TP Hà Nội, thực tế thời gian qua cho thấy vẫn còn tình trạng người đấu giá trả giá cao rồi “bùng” nên gây khó khăn cho các cơ quan tổ chức đấu giá
Theo Trung tướng Nguyễn Hải Trung - Giám đốc Công an TP Hà Nội, thực tế thời gian qua cho thấy vẫn còn tình trạng người đấu giá trả giá cao rồi “bùng” nên gây khó khăn cho các cơ quan tổ chức đấu giá

Nhất trí với báo cáo của các cơ quan soạn thảo và thẩm tra, đại biểu Nguyễn Thị Lan cho rằng, Dự thảo Luật cần quy định rõ hơn về việc đấu giá trực tuyến trên cổng đấu giá tài sản quốc gia để bảo đảm tính khả thi. Trong đó, chú ý việc xây dựng, quản lý, vận hành, bảo đảm các yếu tố kỹ thuật, trách nhiệm của các chủ thể có liên quan.

Trong Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, cơ quan soạn thảo đã sửa đổi, bổ sung một số điểm, khoản của Điều 39. Cụ thể, sửa đổi, bổ sung khoản 1 như sau: Người tham gia đấu giá phải nộp tiền đặt trước. Tiền đặt trước do tổ chức hành nghề đấu giá tài sản và người có tài sản đấu giá thỏa thuận, nhưng tối thiểu là 5% và tối đa là 20% giá khởi điểm của tài sản đấu giá, trừ trường hợp quy định tại khoản 1a Điều này. Tiền đặt trước được gửi vào một tài khoản thanh toán riêng của tổ chức hành nghề đấu giá tài sản mở tại ngân hàng thương mại hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam. Người tham gia đấu giá và tổ chức hành nghề đấu giá tài sản có thể thỏa thuận thay thế tiền đặt trước bằng bảo lãnh ngân hàng.

Trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư hoặc quyền sử dụng tần số vô tuyến điện thì người có tài sản đấu giá và tổ chức hành nghề đấu giá tài sản có thể thỏa thuận việc nộp tiền đặt trước vào tài khoản thanh toán riêng của tổ chức hành nghề đấu giá tài sản mở tại ngân hàng thương mại hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam và được phong tỏa theo quy định của pháp luật về ngân hàng.

Đại biểu Nguyễn Thị Lan cho rằng, cần quy định cụ thể và nâng mức tiền đặt trước trong đấu giá lên, bởi người thật sự có nhu cầu thì họ cơ bản có đủ tiền để mua
Đại biểu Nguyễn Thị Lan cho rằng, cần quy định cụ thể và nâng mức tiền đặt trước trong đấu giá lên, bởi người thật sự có nhu cầu thì họ cơ bản có đủ tiền để mua

Nâng mức tiền đặt trước, hạn chế trục lợi bên ngoài đấu giá

Góp ý vào Dự thảo Luật về nội dung trên, đại biểu Nguyễn Thị Lan cho rằng, cần quy định cụ thể và nâng mức tiền đặt trước trong đấu giá lên, bởi người thật sự có nhu cầu thì họ cơ bản có đủ tiền để mua. Việc nâng mức đặt giá được coi là giải pháp hạn chế những trường hợp nộp hồ sơ để thông đồng “dìm giá”.

“Tại khoản 3, Điều 34, đề nghị cơ quan soạn thảo quy định cụ thể tổ chức đấu giá tài sản phải thông báo công khai Quy chế cuộc đấu giá tại trụ sở tổ chức đấu giá tài sản cho phù hợp. Vì việc tổ chức đấu giá tài sản phải thông báo công khai quy chế cuộc đấu giá trên Cổng thông tin điện tử quốc gia về đấu giá tài sản là rất khó thực hiện, gây tốn kém cho các tổ chức đấu giá tài sản” - đại biểu Nguyễn Thị Lan nêu quan điểm.

Đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, mục đích quan trọng của việc sửa đổi Luật Đấu giá tài sản là phải hạn chế được tình trạng trục lợi bên ngoài đấu giá
Đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, mục đích quan trọng của việc sửa đổi Luật Đấu giá tài sản là phải hạn chế được tình trạng trục lợi bên ngoài đấu giá

Về vấn đề này, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, mục đích quan trọng của việc sửa đổi Luật Đấu giá tài sản là phải hạn chế được tình trạng trục lợi bên ngoài đấu giá và phải tính đến hiệu quả việc đấu giá. Để làm được điều này, trước hết phải công khai minh bạch từ thông tin tài sản đến người tiếp cận tham gia đấu giá, việc trao đổi giữa người đấu giá với tổ chức đấu giá, tránh tình trạng bưng bít thông tin.

Liên quan vấn đề tăng tiền đặt cọc để tăng trách nhiệm của người tham gia đấu giá, theo đại biểu Hoàng Văn Cường, quy định này không phù hợp với thực tế hiện nay. Bởi nếu tăng tiền học thì lại hạn chế người tham gia đấu giá khi họ phải huy động nguồn tài chính lớn.

“Tư cách người tham gia đấu giá rất quan trọng, trong đó có các yếu tố để chứng minh tài sản bảo đảm của người đấu giá. Khi người đấu giá vi phạm, chúng ta sẽ có các cơ chế để xử lý vấn đề này. Ngoài ra, hình thức đấu giá rất quan trọng, trong đó việc đấu giá trực tuyến sẽ giúp công khai minh bạch thông tin hơn” – đại biểu Hoàng Văn Cường nhấn mạnh.