Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hạn chế xe cá nhân: Xây dựng lộ trình rõ ràng

Ngọc Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đông đảo người dân Hà Nội cho rằng, việc hạn chế tiến tới dừng hẳn hoạt động của xe cá nhân trong khu vực nội thành là cần thiết, nhưng phải tiến hành thận trọng. TP nên xây dựng một lộ trình rõ ràng, sử dụng các biện pháp kinh tế, mang tính khuyến khích người dân trước khi dựng lên rào cản kỹ thuật đối với xe cá nhân, đặc biệt là xe máy.

 Hạn chế phương tiện cá nhân là giải pháp để tránh ùn tắc, tai nạn giao thông và giảm ô nhiễm môi trường. Ảnh: Thanh Hải
Tránh gây sốc
Ông Phạm Thanh Lâm (quận Hà Đông) chia sẻ, TP đang phải đối diện với vấn đề ùn tắc giao thông (UTGT) và ô nhiễm môi trường một cách nghiêm trọng. Việc hạn chế xe cá nhân, bao gồm cả xe máy, ô tô là cần thiết và nên làm. “Chính vì thế, HĐND TP mới ban hành Nghị quyết số 04/2017/NQ – HĐND về quản lý phương tiện giao thông. HĐND là cơ quan đại diện cho tiếng nói của Nhân dân Thủ đô. Hơn nữa, vấn đề này đã được nâng lên đặt xuống, bàn đi tính lại rất lâu, rất kỹ rồi. Phải làm và nên làm” - ông Lâm nhận định, tuy nhiên ông cũng cho rằng, nếu ngay lập tức đưa ra một lệnh cấm đối với xe máy trên bất kỳ tuyến đường phố nào của Thủ đô cũng dễ gây “sốc” cho người dân.
Ở Singapore họ còn đấu thầu quyền sở hữu xe, quyền đưa xe vào lưu thông trong nội thành… Chính phủ không cấm sở hữu nhưng gây rất nhiều khó khăn cho việc sử dụng xe cơ giới cá nhân, khiến người dân tự lựa chọn phương tiện vận tải công cộng.

Giám đốc Trung tâm Quản lý & điều hành giao thông đô thị Hà Nội Nguyễn Hoàng Hải

Đồng quan điểm, chị Nguyễn Thanh Huyền (quận Thanh Xuân) nêu rằng: “Nếu cấm sử dụng xe máy ngay bây giờ, mà lại cấm trên 2 tuyến đường Lê Văn Lương, Nguyễn Trãi thì thực sự tôi chưa biết phải làm thế nào. Đi lại bằng xe buýt hay tàu điện trên cao còn khá mới mẻ đối với tôi”.

Chuyên gia tư vấn cao cấp của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) Nguyễn Văn Dư phân tích, những ngày qua, cụm từ “cấm xe máy” đã gây xôn xao trong dư luận, khiến người dân lo lắng, băn khoăn. “Theo tôi, trước khi nói đến chuyện cấm, chúng ta phải có một bước đệm quan trọng là áp dụng các biện pháp kinh tế, đánh thuế, phí cao vào những xe cơ giới cá nhân. Từ đó khuyến khích người dân tự nguyện từ bỏ xe cá nhân, lựa chọn vận tải công cộng” - ông Dư đặt vấn đề.

Trước những băn khoăn này, lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho hay, người dân cần nắm bắt đầy đủ thông tin, nhìn nhận khách quan, toàn diện chính sách hạn chế xe cá nhân của TP. Vị này nhấn mạnh: “Không phải nói cấm là cấm ngay; cũng không phải chỗ nào cũng cấm. Mà việc cấm phải có lộ trình, được cụ thể hóa bằng một đề án riêng; đề án sẽ được đưa ra để người dân cùng bàn. Chỉ những tuyến đường, khu vực có nguy cơ UTGT cao mới hạn chế, tiến tới cấm dần xe máy; khu vực hạ tầng đáp ứng được thì xe máy vẫn được hoạt động bình thường”.

Khuyến khích người dân tự nguyện

Chuyên gia Nguyễn Văn Dư đưa ra một số giải pháp, áp dụng rào cản kinh tế để hạn chế hoạt động của xe cá nhân. Ví như việc đánh thuế trước bạ, phí bảo vệ môi trường, phí lưu thông vào trung tâm, phí đỗ xe cao… Theo chuyên gia giao thông này, chế tài kinh tế sẽ đánh mạnh vào sự lựa chọn của người dân. Ở nhiều nước phát triển trên thế giới, họ đã áp dụng hiệu quả biện pháp này. Ví dụ như Nhật Bản, phí đỗ xe trong nửa tiếng đồng hồ, có nơi thu đến 10 USD (tương đương 230.000 đồng).

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, Sở GTVT khi xây dựng đề án hạn chế hoạt động của xe máy trong nội thành Hà Nội cần đưa bước đệm sử dụng chế tài kinh tế vào một cách cụ thể. Trước khi cấm xe máy nên làm cho người dân không còn quá lệ thuộc vào nó nữa, việc từ bỏ sẽ dễ dàng hơn. Anh Đàm Quang Hiệp (quận Hà Đông) chia sẻ: “Tôi ủng hộ việc hạn chế sử dụng xe máy, ô tô riêng để đi lại. Nhưng điều người dân chúng tôi quan tâm là không dùng xe riêng, chúng tôi đi lại bằng gì? Có đảm bảo thời gian, nhu cầu đi lại hay không? Và tại sao chỉ cấm xe máy mà không cấm ô tô?”.

Giám đốc Trung tâm Quản lý & điều hành giao thông đô thị Hà Nội Nguyễn Hoàng Hải lý giải, trên thực tế, việc cấm ô tô lưu thông trên một số tuyến đường đã được Hà Nội thực hiện từ lâu và hiện vẫn đang tiếp tục nghiên cứu để triển khai thêm. Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho rằng: “Chính sự bùng nổ, mất kiểm soát gia tăng xe máy trong nhiều năm qua đang khiến Hà Nội gặp vô vàn khó khăn về giao thông, môi trường. Việc dần dần hạn chế xe máy chắc chắn phải tiến hành, nhưng sẽ có lộ trình cụ thể, hợp lý”.