Tình hình biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn kéo dài đã ảnh hưởng lớn đến diện tích nuôi trồng thủy sản của bà con nông dân thời gian qua, đặc biệt là đối với bà con vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Đây chính là lý do khiến lượng tôm cung cấp ra thị trường ngày càng trở nên khan hiếm, đẩy giá tôm lên cao, đặc biệt lại đang là thời điểm giao vụ.
Tại chợ Đại Từ (Hoàng Mai, Hà Nội), giá tôm rảo dao động ở mức 180.000 -250.000 đồng/kg, tùy loại to nhỏ, tăng khoảng 70.000 đồng/kg; giá tôm thẻ tăng từ 200.000 đồng/kg lên 250.000 đồng/kg; tôm đồng loại to, tôm đồng loại có trứng cũng tăng thêm khoảng 50.000-80.000 đồng/kg lên 250.000 đồng/kg. Ngoài ra, giá tôm sú cũng tăng thêm 70.000 đồng/kg lên mức 450.000 đồng/kg. Chính vì thế, gần 2 tuần nay, mặc dù giá các mặt hàng thuỷ hải sản khác như: cá, cua, ghẹ, ngao, sò,... đều đang giữ ở mức khá ổn định thì mặt hàng tôm tại chợ lại tăng giá mạnh. Giá tất cả cá loại tôm tại chợ đều tăng đồng loạt thêm 50.000-80.000 đồng/kg, đưa giá tôm hiện nay lên mức cao kỷ lục.
Do hạn mặn xâm nhập ở các tỉnh phía Nam, thiếu nguồn cung khiến giá tôm tại các chợ ở Hà Nội tăng giá kỷ lục
|
Chị Lan Anh, người dân ở phố Pháo Đài Láng, Hà Nội cho biết, hơn một tuần qua, đi lùng mua tôm sú cỡ khoảng 15 con/kg rất hiếm và nếu có thì giá rất cao, tới 450.000 đồng/kg. Theo chia sẻ của chị Lan Anh, mức giá này là đã tăng lên tới 30 - 40% so với khoảng trước đó một tuần.
Thêm vào đó, năm nay Đồng bằng sông Cửu Long bị xâm nhập mặn nặng nề, hạn hán kéo dài nên cũng bị thất thu nặng vụ tôm. Thành ra thị trường “khát” tôm, do đó giá cũng bị đẩy lên cao.
Tình trạng tôm “sốt giá” trên thị trường cũng diễn ra tương tự tại nhiều địa phương. Khoảng 1 tuần trở lại đây người nuôi tôm vùng Đồng bằng sông Cửu Long tiếc rẻ khi giá tôm tăng đột biến. Hiện tại thương lái đang len lỏi xuống các vùng nuôi tôm như Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang… để tìm mua nhưng rất khan hiếm.
Được biết, nguyên nhân dẫn đến tình trạng khan hiếm tôm là do thời tiết ở khu vực phía Nam khá bất lợi. Ngay từ đầu năm 2016, Chi cục Thủy sản đã thực hiện công tác quan trắc môi trường tại vùng nuôi tôm trọng điểm ngay từ đầu năm 2016 với tần suất 02 lần/tháng. Theo kết quả quan trắc môi trường của Chi cục Thủy sản, độ mặn tại nguồn nước một số vùng nuôi tôm tập trung của tỉnh cũng đang ở mức cao.
Theo số liệu thống kê của Chi cục Thủy sản, tính đến ngày 15/3/2016, tiến độ thả giống tôm nước lợ của tỉnh chậm so với các năm trước do thời tiết lạnh vào buổi sáng trong cuối tháng 1, đầu tháng 2 và tình trạng hạn mặn trong cuối tháng 2 đầu tháng 3. Cụ thể, hiện diện tích thả nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh là 341 ha (chiếm 15% diện tích nuôi tôm của tỉnh), diện tích tôm bệnh là 124,4 ha (chiếm 6% diện tích đã thả nuôi).
Chính vì lý do này mà ngay tại ĐBSCL, giá tôm đã tăng mạnh từ tháng 3. Tại Sóc Trăng, giá tôm thẻ chân trắng cỡ 100 con/kg từ 80.000 đồng/kg tăng lên 92.000 đồng/kg; tăng mạnh nhất là tôm thẻ cỡ 40 con/kg từ 145.000 đ/kg tăng lên 161.000 đồng/kg, còn tôm thẻ các loại khác tăng bình quân 10.000 đồng/kg. Với mức giá này thì không khó hiểu khi giá tôm hiện nay ở Hà Nội lại cao đến vậy.