Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hàn Quốc - “ân hạn” với người lao động tự nguyện trở về

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Người lao động (NLĐ) bất hợp pháp tại Hàn Quốc tự nguyện về nước trong thời hạn từ nay đến hết ngày 30/9/2016 sẽ không bị xử phạt và được quyền dự tuyển đi lao động tại Hàn Quốc.

Giảm lao động bất hợp pháp

 Tỷ lệ lao động Việt Nam bỏ hợp đồng, hết thời hạn làm việc ở lại cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc trong mấy năm nay khá cao. Chính vì điều này mà từ tháng 8/2012 đến nay, Việt Nam và Hàn Quốc chưa ký lại Bản ghi nhớ bình thường về Chương trình EPS (hệ thống cấp phép vấn đề việc làm), chỉ ký Bản ghi nhớ đặc biệt với thời hạn một năm. Vì thế, chỉ những lao động đã kiểm tra tiếng Hàn trong năm 2012 và lao động đã làm việc tại Hàn Quốc thuộc diện tái nhập cảnh có thể tham gia Chương trình EPS.
Người lao động xuất khẩu đi Hàn Quốc tại Sân bay Quốc tế Nội Bài. Ảnh: Thu Hằng
Người lao động xuất khẩu đi Hàn Quốc tại Sân bay Quốc tế Nội Bài. Ảnh: Thu Hằng
Nhằm giảm thiểu tỷ lệ NLĐ cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc, Bộ LĐTB&XH đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan hữu quan đưa ra nhiều giải pháp như: Ký quỹ, tuyên truyền vận động, hỗ trợ tái hòa nhập, xử phạt hành chính. Các chính sách này giúp tỷ lệ lao động hết hạn hợp đồng không về nước giảm từ 47% năm 2013 xuống còn 35% năm 2015 (tương đương từ 18.000 người năm 2013 giảm xuống còn 15.000 người vào năm 2015). Từ kết quả này, ngày 17/5/2016, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH và Bộ trưởng Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc ký Bản ghi nhớ về phái cử và tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS. Đồng thời, thống nhất tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp giảm tỷ lệ lao động Việt Nam cư trú, làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc. Theo đó, hai bên thực hiện chính sách ân hạn đối với NLĐ bất hợp pháp tự nguyện về nước. Về phía Hàn Quốc, NLĐ Việt cư trú bất hợp pháp tự nguyện về nước trong thời hạn từ 1/4 đến hết 30/9/2016 sẽ không bị cơ quan chức năng Hàn Quốc giam giữ và phạt tiền. Cùng với đó còn được miễn cấm nhập cảnh trở lại Hàn Quốc nếu được cơ quan đại diện ngoại giao của Hàn Quốc cấp thị thực. Trước đó, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị quyết quy định NLĐ Việt Nam tại Hàn Quốc có hành vi bỏ trốn khỏi nơi đang làm việc theo hợp đồng hoặc ở lại Hàn Quốc trái phép sau khi hết hạn hợp đồng lao động mà tự nguyện về nước trong thời gian từ 1/5 đến hết 30/9/2016 không bị xử phạt hành chính. Ngoài ra, NLĐ được quyền dự tuyển đi làm việc tại Hàn Quốc theo Bản ghi nhớ ngày 17/5/2016 nếu có nguyện vọng.

Có thể kéo dài thời gian Bản ghi nhớ

“Năm nay, tổng nhu cầu sử dụng lao động ngoài nước của Hàn Quốc là 56.000 người, trong đó có 15 nước phái cử lao động sang. Phía Hàn Quốc dành cho Việt Nam trong năm nay là 3.500 lao động” - Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Doãn Mậu Diệp cho biết. Hơn nữa, lao động Việt Nam ở Hàn Quốc được đánh giá thông minh, nhanh nhạy trong việc tiếp nhận các hướng dẫn của người sử dụng lao động. Người sử dụng lao động Hàn Quốc cũng mong muốn tiếp nhận lại lao động Việt Nam nhưng vì tỷ lệ lao động cư trú và làm việc không hợp pháp của Việt Nam vẫn còn khá cao nên phía Hàn Quốc khó có thể gia tăng hạn ngạch. “Việc ở lại làm việc quá hợp đồng, cư trú bất hợp pháp của lao động hiện nay đã làm giảm thiểu cơ hội của rất nhiều lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc” – ông Diệp cảnh báo.

Đại diện Bộ LĐTB&XH cũng cho hay, thông thường Bản ghi nhớ của hai bên có hiệu lực 2 năm. Tuy nhiên, nếu Bộ LĐTB&XH, các địa phương, NLĐ triển khai tốt việc giảm tỷ lệ lao động Việt Nam cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc, không bên nào muốn chấm dứt thì thời gian của Bản ghi nhớ sẽ được kéo dài.

 Và theo kế hoạch, kỳ thi tiếng Hàn theo Chương trình EPS lần thứ 11 cho NLĐ có nguyện vọng đi làm việc tại Hàn Quốc trong ngành sản xuất chế tạo sẽ diễn ra vào ngày 8 và 9/10/2016, với 2.100 chỉ tiêu. Tại kỳ thi này, cơ quan Phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc chịu trách nhiệm ra đề thi, quản lý đề thi, bài thi và chấm thi. Vì thế, Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐTB&XH khuyến cáo NLĐ cần chủ động học tập, ôn luyện tiếng Hàn và lựa chọn những cơ sở đào tạo tiếng Hàn có chức năng, uy tín, được cơ quan có thẩm quyền tại địa phương cấp phép đào tạo để tham gia.