Hàn Quốc, Nhật Bản tháo khúc mắc trong lịch sử

Liên Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phía Hàn Quốc đã có động thái thiện chí nhằm khép lại những bất đồng trong quá khứ chiến tranh với Nhật Bản.

Hàn Quốc hôm 6/3 tuyên bố sẽ bồi thường cho những người lao động Hàn Quốc bị buộc phải làm việc cho các công ty Nhật Bản trong Thế chiến II, trong nỗ lực giải quyết một trong những vấn đề lịch sử cản trở quan hệ với Nhật Bản.

Cụ thể, Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Park Jin cho biết chính phủ sẽ đưa ra quỹ bồi thường cho 15 nạn nhân đã thắng kiện các công ty Mitsubishi Heavy Industries và Nippon Steel vào năm 2018. Quỹ này sẽ được thành lập thông qua việc huy động các khoản đóng góp từ khu vực tư nhân.

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol và Thủ tướng Nhật Bản Fumiko Kishida. Ảnh: Reuters.
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol và Thủ tướng Nhật Bản Fumiko Kishida. Ảnh: Reuters.

"Chính phủ hy vọng rằng cả Hàn Quốc và Nhật Bản cùng hợp tác để phát triển mối quan hệ hướng tới tương lai dựa trên sự hòa giải và hợp tác hữu nghị, vượt qua lịch sử không may trong quá khứ," ông Park nói trong một cuộc họp ngắn. 

Hai quốc gia láng giềng vốn khúc mắc trong nhiều thập kỷ liên quan đến vấn đề "lao động cưỡng ép" bắt nguồn từ việc Nhật Bản chiếm đóng Bán đảo Triều Tiên trong 35 năm từ năm 1910 đến năm 1945. 

Mối quan hệ giữa hai nước từng ở mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ vào năm 2019 khi Nhật Bản thực hiện các hạn chế xuất khẩu các mặt hàng quan trọng sang Hàn Quốc, với lý do mất lòng tin và lo ngại về an ninh quốc gia. Hàn Quốc cho rằng động thái của Nhật Bản trên thực tế là sự trả đũa đối với phán quyết của tòa án năm 2018 về bồi thường lao động thời chiến.

Bộ thương mại Hàn Quốc cho biết vào cuối ngày 6/3 rằng họ sẽ đình chỉ quy trình tranh chấp của Tổ chức Thương mại Thế giới về các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Nhật Bản, trong khi Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản tuyên bố sẽ tổ chức đàm phán với Hàn Quốc về vấn đề này.

Thông báo được đưa ra chưa đầy một tuần sau khi Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol nói rằng Nhật Bản đã chuyển đổi từ đối thủ quân sự trong quá khứ thành một đối tác có cùng các giá trị phổ quát với Hàn Quốc.

Theo đó, chính phủ Hàn Quốc đã yêu cầu chính phủ và các công ty Nhật Bản phản hồi bằng một lời xin lỗi toàn diện và đóng góp tự nguyện. Ông Park Jin cho biết các nhà lãnh đạo doanh nghiệp của hai nước đang thảo luận về cách đóng góp vào sự phát triển của quan hệ song phương giữa Seoul và Tokyo.

Về phía Tokyo, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Yoshimasa Hayashi nói rằng ông "đánh giá cao [thông báo của chính phủ Hàn Quốc], vì động thái này sẽ giúp khôi phục quan hệ Nhật Bản-Hàn Quốc từ một tình trạng rất khó khăn trở lại trạng thái lành mạnh."

Đối với yêu cầu của Hàn Quốc về một "phản hồi chân thành", ông Hayashi nhấn mạnh chính phủ "đã kế thừa quan điểm công nhận lịch sử nói chung của các nội các trước đây."

Mặc dù chính phủ Nhật Bản sẽ không cung cấp kinh phí, nhưng ông cho biết Nhật Bản dự định sẽ duy trì lập trường trên mà không sử dụng bất kỳ điều khoản cụ thể nào. Chính quyền trước đây đã bày tỏ "hối hận và xin lỗi."

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần