Hàng chục người thiệt mạng trong cuộc bạo loạn chính trị tại Iraq

Nam Trung
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo báo cáo mới nhất, ít nhất 30 người đã thiệt mạng và 700 người khác bị thương sau khi các cuộc đụng độ nổ ra giữa lực lượng an ninh Iraq và những người hồi giáo dòng Shia ở Vùng Xanh của Baghdad hôm 29/8.

Đụng độ bên trong khuôn viên Cung điện Chính phủ ở thủ đô Baghdad, Iraq, ngày 29/8. Ảnh: AP
Đụng độ bên trong khuôn viên Cung điện Chính phủ ở thủ đô Baghdad, Iraq, ngày 29/8. Ảnh: AP

Cuộc khủng hoảng chính trị của Iraq đã trở thành bạo lực, khi nhà lãnh đạo hồi giáo Shia Muqtada al-Sadr tuyên bố sẽ từ bỏ chính trị, làm dấy lên các cuộc biểu tình và đụng độ khiến ít nhất 30 người thiệt mạng và hàng trăm người khác bị thương.

Bắt đầu từ hôm 29/8, hàng trăm người ủng hộ ông Muqtada al-Sadr đã xông vào Vùng Xanh của Baghdad, nơi đặt các tòa nhà Chính phủ và đại sứ quán nước ngoài, bao vây Cung điện Đảng Cộng hòa và tiền vào tòa nhà. Bất chấp lệnh giới nghiêm trên toàn quốc, các cuộc đụng độ vẫn tiếp diễn ở thủ đô và một số khu vực của Iraq.

Shafaq News đưa tin, còi báo động không kích đã vang lên trong đại sứ quán Mỹ nằm ở Vùng Xanh. Một nguồn tin an ninh nói với tờ Al Arabiya rằng, nhiều tên lửa đã được bắn vào Vùng Xanh, khiến còi báo động của đại sứ quán vang lên.

Sau khi bạo lực tạm lắng, các cuộc đụng độ mới giữa những người ủng hộ Muqtada al-Sadr với quân đội và lực lượng dân quân Shiite do Iran hậu thuẫn được tích hợp vào lực lượng an ninh Iraq, lại nổ ra vào sáng 30/8 (giờ địa phương). Thủ tướng tạm quyền Mustafa al-Kadhimi đã ra sắc lệnh cấm lực lượng an ninh Iraq nổ súng vào người biểu tình.

Phái bộ Liên Hợp quốc tại Iraq cảnh báo về "một sự leo thang cực kỳ nguy hiểm" và kêu gọi tất cả các bên "kiềm chế trước các hành vi có thể dẫn đến một chuỗi sự kiện không thể ngăn cản". Thông qua phát ngôn viên, Tổng thư ký Liên Hợp quốc Antonio Guterres cho biết ông đang theo dõi sát sao các cuộc biểu tình ở Iraq.

Ông Guterres kêu gọi "tất cả các bên liên quan nhanh chóng thực hiện các bước cần thiết để giảm leo thang tình hình và tránh bất kỳ bạo lực nào". Ông nhấn mạnh, tất cả các bên và các tác nhân phải "vượt qua sự khác biệt" của họ và nhanh chóng tham gia vào "một cuộc đối thoại hòa bình".

Đại sứ Mỹ tại Iraq Alina Romanowski gọi tình hình bất ổn ở Iraq là "đáng lo ngại", cáo buộc những người biểu tình quá khích đang "cản trở hoạt động của các thể chế Iraq", đồng thời kêu gọi tất cả các bên "giữ hòa bình và kiềm chế các hành vi có thể dẫn đến một vòng xoáy bạo lực".

Bà Romanowski nói trong một tuyên bố: "An ninh, sự ổn định và chủ quyền của Iraq không nên bị đe dọa. Bây giờ là lúc đối thoại để giải quyết những khác biệt, không phải thông qua đối đầu". Đại sứ Mỹ tại Iraq cũng kêu gọi những người biểu tình "tôn trọng các thể chế và tài sản của Chính phủ Iraq, những tổ chức thuộc về và phục vụ người dân Iraq nên được phép hoạt động".

Những người biểu tình chiếm Cung điện Đảng Cộng hòa bên trong Vùng Xanh ở Baghdad hôm 29/8. Ảnh: EPA-EFE
Những người biểu tình chiếm Cung điện Đảng Cộng hòa bên trong Vùng Xanh ở Baghdad hôm 29/8. Ảnh: EPA-EFE

Liên minh châu Âu (EU) hôm 29/8 cũng bày tỏ quan ngại về các cuộc đụng độ ở Baghdad và kêu gọi tất cả các bên thực hiện kiềm chế tối đa và giữ bình tĩnh. "Điều quan trọng đối với tất cả các bên là tránh bất kỳ hành động nào có thể dẫn đến bạo lực hươn nữa" - EU cho biết trong một tuyên bố.

"Chúng tôi nhắc lại rằng tất cả các luật phải được tôn trọng và tính toàn vẹn của các thể chế được bảo vệ. Tất cả các bên nên làm việc hướng tới giảm leo thang căng thẳng và tham gia vào đối thoại chính trị trong khuôn khổ hiến pháp, như một phương tiện duy nhất để giải quyết những khác biệt" - tuyên bố cho biết.

Muqtada al-Sadr, một chính trị gia lâu năm tại Iraq cho biết trong một tuyên bố: "Tôi đã quyết định không can dự vào các vấn đề chính trị. Do đó, bây giờ tôi tuyên bố hoàn toàn rút khỏi chính trường". Tuyên bố này được đưa ra 2 ngày sau khi ông kêu gọi "tất cả các bên", bao gồm cả đảng của ông, nên từ bỏ các vị trí trong Chính phủ để giúp giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị.

Phe của ông nổi lên từ cuộc bầu cử năm ngoái với tư cách là khối lớn nhất trong cơ quan lập pháp, với 73 ghế, nhưng vẫn thiếu để đạt đa số. Vào tháng 6/2022, các nhà lập pháp của ông đã bỏ cuộc đua, dẫn đến việc Liên minh Khung điều phối - một khối do phe Shiite liên minh với Iran thành lập - trở thành khối lớn nhất. 

Những người ủng hộ ông al-Sadr đã chiếm trụ sở Quốc hội Iraq kể từ cuối tháng 7 để ngăn khối đối thủ này thành lập chính phủ của riêng mình. Trong khi đó, Khung điều phối muốn một người đứng đầu chính phủ mới được bổ nhiệm trước khi bất kỳ cuộc bỏ phiếu mới nào được diễn ra.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần