Hàng giả, hàng nhái làm hại hàng thật

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong năm 2013, do công tác dự báo thị trường còn nhiều bất cập nên mặc dù đã đẩy mạnh việc kiểm tra nhưng lực lượng quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội chưa phát hiện những đường dây buôn lậu, sản xuất hàng giả, hàng nhái quy mô lớn.

Đó là nhận định của các đại biểu tại Hội nghị tổng kết công tác kiểm tra thị trường năm 2013 của Chi cục QLTT Hà Nội ngày 13/1.
 
Lực lượng quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra các sản phẩm bày bán tại Siêu thị Fivimart. 	Ảnh: Hoài Nam
Lực lượng quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra các sản phẩm bày bán tại Siêu thị Fivimart. Ảnh: Hoài Nam
 
Chưa phát hiện ổ nhóm buôn lậu lớn

Thực tế hoạt động chống buôn lậu, sản xuất hàng giả vừa qua cho thấy, để vận chuyển hàng lậu, dân buôn đã hình thành đường dây, ổ nhóm lớn. Thậm chí, lợi dụng Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", nhiều đối tượng sản xuất hàng giả, hàng nhái đã chủ động đặt hàng sau đó thay bao bì nhãn mác hàng Trung Quốc thành hàng của các doanh nghiệp sản xuất có uy tín của Việt Nam để tuồn vào tiêu thụ tại thị trường trong nước... Tuy nhiên, lực lượng chức năng mới chỉ chống được bề nổi, chưa đi vào chiều sâu của công tác này. 
Số liệu của Chi cục QLTT Hà Nội cho thấy, trong năm 2013 QLTT Hà Nội đã xử lý hơn 8.500 vụ buôn lậu, sản xuất hàng giả, gian lận thương mại, thu về cho ngân sách hơn 107 tỷ đồng, tăng 66% so với năm 2012.
Thực trạng này có nguyên nhân không nhỏ do lực lượng QLTT  chưa coi trọng việc nắm bắt thông tin, tình hình cung cầu, giá cả thị trường tại một số thời điểm nhạy cảm. Thời gian vừa qua, giá cả một số mặt hàng tiêu dùng thiết yếu có biến động mạnh nhưng công tác nắm tình hình, điều tra cơ bản chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế đề ra. Yếu kém này khiến hoạt động đấu tranh, kiểm soát với hàng nhập lậu, hàng giả, hàng vi phạm an toàn thực phẩm… chưa đáp ứng yêu cầu. Thậm chí một số lĩnh vực chưa nắm bắt được Bà Nguyễn Thị Như Mai - Chi cục trưởng Chi cục QLTT Hà Nội thừa nhận: Vẫn còn tình trạng một số đội QLTT thiếu chủ động đưa ra những giải pháp xử lý hữu hiệu mang tính chiến lược lâu dài trong việc ngăn chặn hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại. Công tác kiểm tra chất lượng hàng hóa còn hạn chế, việc xử lý chỉ tập trung vào vi phạm điều kiện kinh doanh, số vụ xử lý về đo lường không nhiều...

Tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường

Muốn phát hiện bắt giữ những đường dây, ổ nhóm buôn lậu, gian lận thương mại lớn, lực lượng QLTT Hà Nội cần tập trung vào việc nắm bắt, dự báo tình hình cung cầu của các mặt hàng thiết yếu, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng.

 
Đội quản lý thị trường số 15 kiểm tra rượu nhập lậu bị bắt giữ ngày 10/1. 	Ảnh: Hoài Nam

Đội quản lý thị trường số 15 kiểm tra rượu nhập lậu bị bắt giữ ngày 10/1. Ảnh: Hoài Nam

 
Theo kế hoạch, trong năm 2014, lực lượng QLTT Hà Nội không chỉ tập trung kiểm tra các cửa hàng kinh doanh lớn mà cả các điểm tập kết hàng lậu có số lượng lớn, qua đó phát hiện, triệt phá những đường dây ổ nhóm buôn lậu lớn; Tăng cường kiểm soát việc chấp hành các quy định về giá đối với mọi tổ chức kinh doanh trên thị trường, đồng thời giám sát kiểm tra các điểm bán hàng bình ổn giá của các doanh nghiệp tham gia. Đặc biệt, Chi cục QLTT sẽ tổ chức kiểm tra chất lượng, xuất xứ hàng hóa theo từng chuyên đề cụ thể, trong đó chú trọng vào các mặt hàng tiêu dùng có giá trị cao, hàng Việt Nam chất lượng cao. Hoạt động này có tác dụng ngăn chặn tình trạng sản xuất hàng giả, nhái nhãn mác hàng Việt, qua đó hỗ trợ Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". 

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu yêu cầu: Trong năm 2014, QLTT cần nâng cao chất lượng công tác phân tích, dự báo thị trường, nhất là các mặt hàng thiết yếu, từ đó phát hiện, ngăn chặn tình trạng đầu cơ thu lời bất chính. Các cuộc kiểm tra cần tập trung xử lý những cơ sở sản xuất, doanh nghiệp lợi dụng chủ trương "Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt Nam" để tiêu thụ hàng kém chất lượng, hàng nhái. Bên cạnh đó, QLTT Hà Nội cần đẩy mạnh việc phối hợp với các tỉnh bạn trong việc chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại. Để hoạt động này đạt hiệu quả cao đòi hỏi Chi cục QLTT Hà Nội cần định hướng mục tiêu hoạt động trong năm 2014 là phục vụ hiệu quả chính sách phục hồi kinh tế, bình ổn giá, chống lạm phát, đầu cơ tăng giá. Trong đó, những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu thường có biến động về giá, dễ bị nhập lậu, làm giả rất cần được chú trọng để qua đó có kế hoạch phản ứng nhanh, giải quyết dứt điểm, tạo lòng tin cho nhân dân.
 
Kiểm tra phải có trọng tâm, trọng điểm
"Muốn chống được hàng giả, hàng nhái một cách hữu hiệu, QLTT Hà Nội không nên kiểm soát thị trường trên diện rộng như hiện nay mà nên kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm. Trong đó, tập trung kiểm tra vào một vài mặt hàng tiêu dùng nhất định có sức tiêu thụ lớn. Bên cạnh đó, lực lượng QLTT cần đẩy mạnh kiểm tra các thị trường tiêu thụ, phát luồng hàng tại các quận, thị xã và vùng ven đô; Khuyến khích các doanh nghiệp cùng tham gia trong hoạt động chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả; Đẩy mạnh việc phối hợp với các lực lượng chức năng trong hoạt động chống buôn lậu, hàng giả…" - Ông Đỗ Thanh Lam - Phó Cục trưởng Cục QLTT Bộ Công Thương