70 năm giải phóng Thủ đô

Hàng giả “núp bóng” phiên chợ hàng Việt

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc Sở Công Thương Hà Nội tổ chức phiên chợ hàng Việt đã tạo cơ hội cho DN đưa hàng Việt tới tay người tiêu dùng (NTD).

Tuy nhiên, DN hiện đang phải đối mặt với hàng giả “núp bóng” hàng Việt để tiêu thụ. Đó là ý kiến của lãnh đạo Công ty Siêu thị Hà Nội (đơn vị thành viên của Tổng Công ty Thương mại Hà Nội) trong quá trình triển khai phiên chợ hàng Việt tại huyện Phúc Thọ.

Rộn ràng mua sắm

Hàng hóa tại phiên chợ Việt chủ yếu là hàng tiêu dùng thiết yếu, do các DN uy tín trong nước sản xuất, đáp ứng đúng nhu cầu tiêu dùng của người dân ngoại thành. Đông đảo người dân xã Phụng Thượng (Phúc Thọ) khi nói về phiên chợ hàng Việt do Sở Công Thương phối hợp cùng Công ty Siêu thị Hà Nội tổ chức đã có chung nhận định như vậy.
Người tiêu dùng huyện Phúc Thọ mua hàng tại phiên chợ Việt tổ chức trên địa bàn huyện. 	 Ảnh:  Hoài Nam
Người tiêu dùng huyện Phúc Thọ mua hàng tại phiên chợ Việt tổ chức trên địa bàn huyện. Ảnh: Hoài Nam
Chị Nguyễn Thị Lê, ở cụm 2 xã Phụng Thượng chia sẻ: Chị đã đến phiên chợ hàng Việt mua sắm những thứ đồ dùng thiết yếu mà trước đó phải vào tận nội đô để mua. Chị đang định mua thêm một số quần áo trẻ em, bánh kẹo để làm quà tặng người thân. Chị Lê bày tỏ, hàng Việt Nam có nhãn mác, địa chỉ rõ ràng, không lo mua phải hàng giả, kém chất lượng khi đến với phiên chợ.

Cùng chung suy nghĩ đó, cụ Nguyễn Thị An, gần 80 tuổi, ở cụm 10 xã Phụng Thượng mong muốn, các DN có uy tín nên thường xuyên tổ chức phiên chợ hàng Việt để người dân không những được mua hàng hóa bảo đảm chất lượng mà còn được thụ hưởng chương trình bình ổn giá của TP.

Bà Trương Thị Thạch - Phó Giám đốc Công ty Siêu thị Hà Nội cho biết: Đây không phải là lần đầu tiên DN tổ chức phiên chợ hàng Việt tại các huyện ngoại thành. Trước khi tổ chức phiên chợ, Công ty đã tiến hành khảo sát thực tế nhu cầu mua sắm của người dân. Bên cạnh việc triển khai phiên chợ hàng Việt tại huyện Phúc Thọ, Công ty còn thực hiện các chuyến bán hàng lưu động tại một số xã lân cận như Vân Phúc, Vân Nam, Hát Môn... và đã nhận được sự ủng hộ, đánh giá cao của NTD.

Đối mặt với hàng nhái nhãn mác

Mặc dù hàng Việt đã được NTD tín nhiệm nhưng trong quá trình đưa hàng Việt tới các huyện ngoại thành, DN tham gia chương trình đang phải đối mặt với vấn nạn hàng giả, nhái nhãn mác. Trong đó, một số mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như bột canh, mỳ chính… đang bị làm giả, nhái nhãn mác khá nhiều. Đơn cử như với bột canh Hải Châu - sản phẩm đã chiếm được lòng tin của nhiều NTD. Lợi dụng điều này, xuất hiện một số công ty TNHH tung ra thị trường sản phẩm với mẫu mã, thương hiệu tương tự như: bột canh Hải Anh sản xuất tại Đông Anh. Thông tin từ Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cho thấy, trong thời gian qua, lực lượng chức năng TP đã phát hiện Trần Thị Hòa, trú tại phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn (Bắc Ninh) sản xuất, tàng trữ gần 7.000 gói bột canh giả nhãn hiệu “bột canh i ốt Hải Châu” loại 190gam/gói.

Theo ông Chu Xuân Kiên - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội: Gần đây, tình trạng sản xuất hàng giả, hàng nhái được tổ chức thành đường dây và liên kết chặt chẽ từ khâu sản xuất bao bì, nhãn mác, tem chống giả, sau đó chuyển cho đối tượng khác đóng gói, vận chuyển và phân phối. Vừa qua (tháng 4/2015), lực lượng chức năng qua kiểm tra Công ty TNHH Đầu tư và phát triển Twin Lotus Việt Nam (TP Hồ Chí Minh) đã phát hiện 88 thùng khăn giấy ướt nhãn hiệu Baby Care, Teen Care, 7kg bao bì nhãn hiệu Teen Care. Qua xác minh, cơ quan chức năng xác định đây là vụ làm hàng giả liên quan tới 3 DN gồm Công ty Twin Lotus Việt Nam (sản xuất), Công ty TNHH Sản xuất thương mại Nguyễn Truyền Thanh (in ấn bao bì) và Công ty MNK (tổ chức tiêu thụ).

Nhằm chống nạn hàng giả, nhái nhãn mác, từ nay đến cuối năm 2015, Ban Chỉ đạo 389/TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 147/KH-BCDD/TP về việc đẩy mạnh chống buôn lậu, hàng giả. Theo đó, lực lượng chức năng đẩy mạnh triệt phá các đường dây buôn lậu, sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng, trong đó tập trung điều tra, xử lý tại các địa bàn nổi cộm như chợ Đồng Xuân, chợ Ninh Hiệp, ga Giáp Bát… Đây cũng được coi là giải pháp quan trọng nhằm tăng hiệu quả của những chuyến đưa hàng về nông thôn của TP trong thời gian tới.