Hãng hàng không phải có máy bay dự phòng: Giải pháp tránh “delay” có khả thi?

Nguyễn Quý
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc yêu cầu các hãng hàng không phải có máy bay dự phòng để tránh “delay". Giải pháp này sẽ không dễ để thực hiện nếu không muốn nói là bất khả thi.

Chậm, hủy chuyến bay khiến cho hành khách mệt mỏi và bức xúc.
Chậm, hủy chuyến bay khiến cho hành khách mệt mỏi và bức xúc.

Tình trạng chậm, hủy chuyến bay (còn gọi là delay) là vấn đề chưa bao giờ hết “nóng” đối với ngành hàng không. Gần đây, tỉ lệ chuyến bay bị “delay” có dấu hiệu tăng mạnh khiến Cục Hàng không Việt Nam phải đưa ra chỉ đạo "nóng".

Thông điệp cứng rắn của Cục Hàng không

Trong báo cáo mới đây gửi Bộ GTVT về nguyên nhân gây chậm, hủy chuyến trong thời gian qua và giải pháp khắc phục, Cục Hàng không Việt Nam cho biết, trong 7 tháng đầu năm nay, các hãng hàng không Việt Nam thực hiện 177.744 chuyến bay, tăng 73,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, tỷ lệ chuyến bay đúng giờ chỉ đạt 86,4%, giảm 8,4 điểm % so với năm 2021.

Đánh giá về nguyên nhân xảy ra tình trạng chậm, hủy chuyến bay, Cục Hàng không Việt Nam cho rằng, nguyên nhân do các hãng hàng không bố trí lịch khai thác máy bay chưa phù hợp, chưa đảm bảo có phương án bố trí máy bay thay thế trong trường hợp thời tiết xấu hoặc máy bay gặp sự cố kỹ thuật.

Từ nhận định trên, Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu các hãng phải xây dựng ngay kế hoạch khai thác đội máy bay hợp lý để đảm bảo kịp thời bố trí máy bay thực hiện chuyến bay thay thế trong trường hợp tàu bay gặp sự cố kỹ thuật hoặc lý do thời tiết, chuyến bay bị chậm, hủy.

Cụ thể, các hãng bay cần bố trí những chuyến bay đêm nhằm giảm áp lực đối với cảng hàng không; đảm bảo bố trí tàu bay, trang thiết bị, vật tư dự phòng để kịp thời bảo dưỡng, sửa chữa tàu bay; thực hiện nghiêm các chuyến bay theo đúng slot đã được cấp; luôn bố trí đại diện có thẩm quyền giải quyết thắc mắc, khiếu nại của hành khách.

 

“Không hãng bay nào muốn mất uy tín với khách. Các hãng không muốn thay đổi lịch bay, không bao giờ muốn giảm slot. Hơn nữa, slot là tài sản, phải kiên quyết sử dụng ở mức độ cao nhất. Càng bay và sử dụng slot nhiều sẽ có nhiều khách thì hàng không mới càng phát triển” - Phó Tổng Giám đốc Vietnam Airlines Trịnh Hồng Quang

Ngoài các hãng bay, Cục Hàng không Việt Nam cũng yêu cầu Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam bố trí trang thiết bị, nguồn lực nhằm tăng cường năng lực khai thác của các sân bay đặc biệt là sân bay quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất.

Các cơ quan quản lý Nhà nước cần luôn bám sát, theo dõi chặt chẽ việc đảm bảo chất lượng dịch vụ nói chung và tỷ lệ chậm, hủy chuyến nói riêng của các hãng hàng không, đồng thời, yêu cầu các đơn vị trong ngành hàng không xây dựng, triển khai nhiều giải pháp mang tính tổng thể về nâng cao năng lực hạ tầng cảng hàng không cũng như chương trình, kế hoạch cụ thể.

Để giải quyết tình trạng chậm, hủy chuyến bay, vai trò chủ động của các hãng hàng không là quan trọng nhất.
Để giải quyết tình trạng chậm, hủy chuyến bay, vai trò chủ động của các hãng hàng không là quan trọng nhất.

Bất khả thi?

Giới chuyên môn nhìn nhận, tình trạng chậm, hủy chuyến bay có một phần nguyên nhân lớn từ chính các hãng hàng không khi kế hoạch bay của họ không trùng khớp với slot bay được cơ quan chức năng cấp. Việc Cục Hàng không Việt Nam đưa ra các giải pháp nhằm giải quyết tình trạng chậm, hủy chuyến bay là cần thiết.

Trong đó, yêu cầu các hãng bay phải xây dựng kế hoạch khai thác đội bay hợp lý và những cơ quan quản lý Nhà nước phải luôn bám sát, theo dõi chặt chẽ tỉ lệ chậm, hủy chuyến của các hãng bay mà Cục Hàng không Việt Nam đưa ra được nhiều chuyên gia đánh giá là rất cần thiết và kịp thời vào lúc này. Bởi đây là thời điểm thị trường bay nội địa đang có dấu hiệu tăng trưởng “nóng” trở lại sau đại dịch Covid-19 và tỉ lệ chậm, hủy chuyến bay tăng mạnh trong thời gian gần đây.

Tuy nhiên, với yêu cầu các hãng hàng không phải có máy bay dự phòng để tránh “delay”, lại nhận được ý kiến trái chuyền của nhiều chuyên gia. PGS.TS Nguyễn Thiện Tống - chuyên gia hàng không khẳng định, một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng chậm, hủy chuyến bay là do các hãng bay không có đủ máy bay, hoặc không bố trí kịp máy bay để thực hiện chuyến bay theo đúng slot đã được cấp.

Do đó, việc yêu cầu các hãng bay phải có máy bay dự phòng nhằm tránh “delay” sẽ rất khó để thực hiện. Đó còn chưa kể, việc bố trí máy bay dự phòng sẽ khiến các hãng hàng không phát sinh thêm nhiều chi phí đi kèm. “Đây là yêu cầu rất khó nếu không muốn nói là không thể thực hiện được” - chuyên gia Nguyễn Thiện Tống nhận định.

Phân tích sâu hơn về nguyên nhân gây ra tình trạng chậm, hủy chuyến bay, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng chậm, hủy chuyến bay. Trong đó, một phần nguyên nhân liên quan đến thời gian quay đầu giữa hai chuyến bay.

Cụ thể, trong khoảng thời gian tính từ lúc máy bay hạ cánh trả khách cho tới khi chuẩn bị sẵn sàng để đón chuyến tiếp theo, các hãng bay thường có xu hướng muốn rút ngắn khoảng thời gian này để thực hiện được nhiều chuyến bay hơn. Tuy nhiên, chính điều này vô hình trung lại khiến hãng bay không kịp xử lý nếu có sự cố bên ngoài tác động. Hậu quả, các chuyến bay của hãng sẽ bị chậm dây chuyền.

“Hãng bay nào cũng muốn tăng công suất khai thác máy bay một cách tối đa. Bởi thế, họ muốn sớm được quay đầu máy bay, nhanh chóng kết thúc chuyến bay này để chuyển sang chuyến bay khác trong thời gian ngắn nhất. Nhiều khi muốn là một chuyện nhưng thực hiện trơn tru lại là chuyện khác” - PGS.TS Nguyễn Thiện Tống cho hay.

Để kéo giảm tỉ lệ chậm, hủy chuyến bay quan trọng nhất vẫn là động thái từ chính các hãng bay. Bởi, bản thân các hãng hàng không chẳng hãng nào muốn chuyến bay bị chậm, huỷ. “Mỗi lần chuyến bay bị chậm, hủy là một lần uy tín của hãng bay đó giảm xuống. Có thể một vài lần đầu người ta sẽ bỏ qua nhưng cứ “delay” liên tục, hành khách sẽ từ bỏ hãng bay đó để chọn đi hãng khác ngay. Trừ khi tất cả hãng bay đều bị “delay” giống như nhau...” - PGS.TS Nguyễn Thiện Tống khẳng định.

 

Để giải quyết tình trạng chậm, hủy chuyến bay, vừa qua, Cục Hàng không Việt Nam đã chỉ đạo các đơn vị trong ngành hàng không tuỳ từng sân bay phải có quy định cụ thể với việc chiếm dụng đường cất hạ cánh. Đặc biệt, với sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất phải đảm bảo hạ cánh xong tối đa 60 giây là phải thoát ly, cất cánh chỉ được tối đa 30 giây. Tổ bay nào không đáp ứng được quy định sẽ không cấp phép bay đến những sân bay này.