Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hàng hóa nhấp nhổm tăng theo giá xăng

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với mức tăng giá xăng tới gần 1.000 đồng/lít vừa qua có thể sẽ xảy ra tình trạng giá hàng hóa té nước theo mưa, nhất là vào thời điểm cận Tết.

Điều này sẽ tác động không nhỏ và cần nhiều phương án quản lý.
 Nhiều mặt hàng neo giá
Từ đầu tháng 11 tới nay, giá các mặt hàng như rau xanh, trái cây, thịt lợn, thịt gà... đã tăng giá. Theo tiểu thương, thị trường đang bước vào cao điểm mùa cưới và chuẩn bị thực phẩm Tết Nguyên đán, nhu cầu nguyên liệu phục vụ chế biến tăng nên giá khó giảm.
Tại các chợ Hà Nội, cải ngọt và cải xanh từ 20.000 đồng/kg đã tăng lên 27.000 đồng/kg; mùng tơi tăng thêm 3.500 đồng/kg lên 25.000 đồng/kg; dưa leo tăng thêm 3.000 đồng/kg lên 26.500 đồng/kg; cà rốt tăng thêm 5.000 đồng/kg lên 31.500 đồng/kg… Hiện tại, chỉ có cải bẹ xanh, rau muống, su hào là đứng giá còn các loại rau khác đã tăng lên. Đơn cử, xà lách tuần trước từ 15.000 - 20.000 đồng/kg nay tăng lên 35.000 đồng/kg.

Mua bán xăng dầu trên đường Hào Nam.          Ảnh: Thanh Hải

Đáng chú ý, dù giá lợn hơi giảm nhưng giá thịt bán lẻ đến tay người tiêu dùng lại không giảm, nếu giảm lại rất ít. Tại các chợ nhỏ ở Hà Nội, thịt ba chỉ có giá từ 85.000 - 90.000 đồng/kg, sườn non 130.000 đồng/kg, thăn lợn từ 90.000 - 100.000 đồng/kg... Giá gà ta chưa mổ vẫn ở mức 120.000 đồng/kg, gà ta mổ sẵn nguyên con (loại 1) giá từ 180.000 - 210.000 đồng/kg, vịt 85.000 đồng/kg. Đối với mặt hàng thủy sản như cá, tôm sú, mực... đứng giá. Cụ thể như cá quả giá 75.000 đồng/kg, tôm, mực giá ở mức từ 190.000 - 350.000 đồng/kg.
Thời điểm này, giá nhiều mặt hàng lương thực, thực phẩm trên thị trường có tăng - giảm, song nhìn chung, xu hướng tăng vẫn chiếm tỷ lệ cao. Nhiều tiểu thương lo ngại sẽ có đợt tăng giá mới. Nguyên nhân là do giá xăng dầu trong nước tiếp tục được điều chỉnh tăng. Với lượng lưu thông hàng hóa dịp Tết tăng, cùng với việc tăng giá xăng, đây có thể là cái cớ để các nhà vận tải điều chỉnh cước. Riêng đối với mặt hàng bia, rượu, trên thị trường hiện đã có mức tăng từ 10 - 12%...
Ông Phạm Anh Tuấn - Chủ tịch Hội đồng quản trị Liên hiệp Hợp tác xã tiêu thụ nông sản an toàn Việt Nam cho biết: Khi xăng dầu tăng giá chắc chắn sẽ có sự tác động đến giá cả hàng hóa. Các sản phẩm nông sản an toàn được tiêu thụ tại hệ thống siêu thị được kết nối từ các HTX thuộc vùng miền khác nhau trên toàn quốc… nên khi giá xăng dầu biến động lớn sẽ ảnh hưởng đến chi phí vận chuyển, cung ứng, sản xuất…
Đại diện một số DN chế biến thực phẩm cũng cho rằng, tăng giá xăng thời điểm này khiến nhiều công ty sản xuất hàng Tết gặp khó. Giá hàng thực phẩm của đơn vị thời gian qua không tăng dù giá xăng tăng nhiều đợt. Dẫu vậy, với giá xăng tăng đến gần 1.000 đồng/lít có thể sẽ khiến người kinh doanh khó khăn thêm.
 Tăng cường kiểm soát giá
Trong vòng hơn một tháng qua, giá xăng, dầu trong nước đã 3 lần tăng giá. Tính từ đầu năm đến nay, giá xăng đã tăng 13 lần với tổng cộng gần 6.500 đồng/lít. Đặc biệt, việc tăng giá xăng, dầu lần này dự báo sẽ có tác động đến chỉ số giá tiêu dùng tháng 12 và cả năm 2016. Cục Quản lý giá thuộc Bộ Tài chính mới đây cho biết, giá cả thời gian tới sẽ chịu nhiều áp lực do nhu cầu tiêu dùng tăng trong dịp lễ, Tết; diễn biến thất thường của thời tiết tác động tới giá lương thực, thực phẩm; giá xăng, dầu.
Liên quan đến bình ổn giá trong dịp Tết, Bộ Tài chính đã chỉ đạo các Sở Tài chính phối hợp với Sở Công Thương và các ban ngành tăng cường công tác quản lý, điều hành, bình ổn giá, đặc biệt đối với những hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết trên địa bàn; giám sát chặt chẽ đăng ký giá, kê khai giá của DN đối với mặt hàng bình ổn giá, mặt hàng thuộc danh mục kê khai giá và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Để bình ổn giá thị trường, Sở Công Thương Hà Nội đã phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã và các đơn vị chức năng kiểm soát thị trường từ nay đến Tết Nguyên đán, kiểm soát giá cả, ổn định thị trường. Đại diện Sở Công Thương Hà Nội cho biết, sẽ cố gắng động viên các DN cắt giảm mọi chi phí để có thể cung ứng hàng hóa đến tay người tiêu dùng theo mức giá tốt nhất, không để các tư thương lợi dụng tăng giá xăng để tăng giá hàng hóa bất hợp lý.
Đại diện một số siêu thị Big C, Lotte mart, Fivimart cho biết, dù giá xăng tăng nhưng hiện cũng chưa có nhà cung cấp nào có thông tin điều chỉnh giá. Các siêu thị đã chủ động tăng từ 30 - 40% nguồn dự trữ đủ các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu phục vụ nhu cầu mua sắm Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán 2017 của người dân.
Doanh nghiệp vận tải tính tăng giá cước
Đại diện Hiệp hội Vận tải Việt Nam thừa nhận cuối năm là thời điểm các hãng vận tải có xu hướng tăng giá vì nhu cầu đi lại tăng, nhiều chuyến lệch đầu (đi hai chiều chỉ một chiều đông khách, nhiều hàng), nay cộng với việc giá xăng liên tục tăng, DN sẽ khó giữ được giá
.