Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hàng không gặp khó, tác động lớn đến du lịch nội địa dịp hè

Huyền Sâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cùng với việc thiếu máy bay và tăng trần giá vé nội địa, nếu không có sự phối hợp chặt chẽ với ngành du lịch, rất có thể người dân sẽ quay lưng với hàng không và du lịch nội địa dịp hè 2024.

Loay hoay tìm điểm đến

Hàng năm, trước kì nghỉ 30/4 - 1/5 cả tháng, những điểm đến du lịch trong nước và các hãng hàng không đã đưa ra nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá để cạnh tranh và thu hút khách hàng, mở đầu cho cao điểm hè. Tuy nhiên, năm nay thì khác.

Kì nghỉ Lễ 30/4 - 1/5 dự kiến kéo dài 5 ngày nhưng được thông báo khá muộn, khiến các đơn vị bán tour du lịch nội địa bối rối. Nhất là trong bối cảnh, suốt 3 tháng đầu năm và kéo dài đến tháng 4/2024, hàng không vẫn đang loay hoay với bài toán thiếu máy bay.

Thêm vào đó, đầu tháng 3, trần giá vé máy bay nội địa tăng khoảng 3,75% so với hiện hành, tương đương tăng 50.000 - 250.000 đồng/vé/chiều.

Giá vé máy bay tăng, đồng nghĩa với việc các tour du lịch nội địa đi bằng đường hàng không cũng phải điều chỉnh giá. Điều này đã tác động trực tiếp đến quyết định của khách mua tour.

Cô Nguyễn Phương (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, sau khi tham khảo một vòng những điểm đến trong nước của các hãng hàng không nội địa, so với năm ngoái, năm nay giá vé dịp 30/4 đi đến các điểm du lịch cao và khó mua hơn.

Gia đình cô Phương dự định đi Côn Đảo nhưng chuyến bay không có nhiều sự lựa chọn, giá vé cũng cao. Chưa kể, hiện nay không còn chuyến bay thẳng từ Hà Nội đi Côn Đảo mà phải bay nối chuyến với TP Hồ Chí Minh. Vì vậy, gia đình đang bàn luận việc nên đi ô tô đến điểm du lịch gần hay đi tour nước ngoài, vì giá cũng chẳng chênh hơn trong nước là bao.

Cô Phương cho biết: “Với giá trung bình từ 4 - 8 triệu đồng/cặp vé khứ hồi đến tuỳ địa điểm du lịch trong nước thì cũng không phải rẻ. Với số tiền này, tôi sẽ thêm một chút để du lịch Thái Lan hoặc Trung Quốc”.

Do thiếu hụt đội bay, vé máy bay được dự báo sẽ khan hiếm và đắt đỏ vào dịp cao điểm hè 2024. Ảnh: VNA
Do thiếu hụt đội bay, vé máy bay được dự báo sẽ khan hiếm và đắt đỏ vào dịp cao điểm hè 2024. Ảnh: VNA

Chị Thanh Thuý (Đan Phượng, Hà Nội) cũng chia sẻ: “Dịp lễ này, tôi đã xem một lượt vé máy bay từ Hà Nội đến các điểm du lịch trong nước, giá vé hơi “chát”. Việc tăng chi phí so với năm ngoái khiến tôi lăn tăn nên chưa quyết định đi đâu. Chồng tôi đang đề xuất đi du lịch bằng tàu hoả đến các điểm gần hoặc chơi loanh quanh ở Hà Nội nếu mua vé máy bay quá khó. Tôi thấy đó cũng là một ý hay”.

Kì nghỉ lễ kéo dài 5 ngày lẽ ra là cơ hội tốt cho việc kích cầu du lịch nội địa, nhưng giá vé máy bay cao khiến người dân dường như chẳng mấy mặn mà.

Anh Nguyễn Văn Phong - Giám đốc điều hành Let’s Tour chia sẻ: “Năm nay, giá tour cao do giá vé máy bay tăng, nên nhiều khách hàng phải tính toán lại nhu cầu. Trong khi đó, vé tàu tháng 4, tháng 5 cũng gần như kín, khách đi ô tô thì sợ mệt mỏi và tai nạn, nên rất khó cho bên bán tour”.

Theo anh Nguyễn Văn Phong, bình thường vé khứ hồi Đà Nẵng chỉ hơn 2 triệu đồng/hành khách, vào dịp Lễ 30/4 - 1/5 tới giá vé khoảng 4 triệu đồng hoặc hơn, nên khách sẽ chọn đi tour ngoại như Trung Quốc hoặc Thái Lan theo hình thức đi đường bộ qua cửa khẩu Móng Cái, Lạng Sơn hoặc đi đường hàng không.

Hiện tại, tour hàng không đi Thái Lan dịp lễ 5 ngày 4 đêm trọn gói khoảng 10 triệu đồng/hành khách, nhưng nếu đi du lịch 5 ngày 4 đêm trong nước giá sẽ có phần nhỉnh hơn. Ví dụ, tour vào Nha Trang mất khoảng 12 triệu đồng/hành khách, Phú Quốc tầm 14 – 15 triệu đồng/hành khách.

Tình hình này sẽ ảnh hưởng đến du lịch, nên năm nay Let’s Tour chuyển hướng khai thác khách đoàn đi bằng đường bộ là chủ yếu, để giúp khách tiết kiệm chi phí và chủ động hơn trong việc chọn tour thay vì phải vất vả “săn” vé máy bay.

Cần hợp tác chặt chẽ

Liên quan đến tình hình cung tải của ngành hàng không trong dịp cao điểm hè 2024, nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh nguyên nhân thiếu hụt đội bay thì dường như các hãng hàng không cũng không quá mặn mà với du lịch nội địa.

Bằng chứng là hiện nay, các hãng liên tục mở đường bay quốc tế mới, nhưng đường bay trong nước lại dần bị thu hẹp. Các đường bay quốc tế đến Úc, Ấn Độ, Nhật Bản... được khách lựa chọn nhiều, vì vậy, được các hãng ưu tiên phục vụ vì có doanh thu tốt hơn.

Mặt khác, sự hợp tác giữa hàng không và du lịch còn nhiều bất cập đang gây khó cho ngành du lịch và sự phục hồi của nhiều ngành nghề khác.

Theo thạc sĩ Quản lý kinh tế Hoàng Thị Thu Phương, vận tải hàng không là phương tiện được du khách ưu tiên lựa chọn hàng đầu do khả năng có thể đưa khách tới những điểm đến xa một cách nhanh chóng và thuận tiện.

“Việc giá vé máy bay tăng cao, đặc biệt ở các đường bay trong nước ngay trước thềm dịp nghỉ Lễ 30/4, 1/5, lập tức sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển du lịch nội địa. Do đó, cùng với việc thiếu máy bay và tăng trần giá vé, nếu không có sự phối hợp chặt chẽ với ngành du lịch, người dân rất có thể sẽ quay lưng với hàng không và du lịch nội địa dịp hè” - bà Hoàng Thị Thu Phương cho hay.

Hàng không cần bắt tay với du lịch để phát triển nhịp nhàng và bền vững. Ảnh: VNA
Hàng không cần bắt tay với du lịch để phát triển nhịp nhàng và bền vững. Ảnh: VNA

Một khi người dân lựa chọn thay đổi điểm đến, chọn những nơi không bắt buộc phải di chuyển bằng đường hàng không, thậm chí, chuyển hẳn sang du lịch nước ngoài sẽ có tác động rất lớn đến du lịch nội địa, làm giảm sức hút với cả du khách trong nước lẫn quốc tế, gây khó khăn cho chuỗi cung ứng ngành dịch vụ du lịch.

Muốn phát triển lâu dài, đầu tiên, hàng không phải đặt mình trong bức tranh chung của ngành du lịch dịch vụ, ưu tiên tháo gỡ bài toán thiếu máy bay. Việc xác định thị trường khách trọng điểm và thị trường mục tiêu cũng rất quan trọng để cả ngành hàng không lẫn du lịch có thể vận hành nhịp nhàng và bền vững.

Cần phải hiểu rằng, du lịch mang đến nguồn khách cho hàng không và hàng không tạo đà cho phát triển du lịch. Vì vậy, việc mối liên kết hàng không và du lịch rời rạc sẽ khiến cho bất kì sự thay đổi nào của hai bên cũng đều gây tác động bất lợi đến phía còn lại, đồng thời, ảnh hưởng đến tâm lý và sức mua tour của người dân.

Rõ ràng, vai trò điều tiết của các cơ quan chức năng càng ngày càng cần phải thể hiện rõ nét hơn nữa, nhất là ở giai đoạn cao điểm như dịp hè và Tết, để đảm bảo việc di chuyển thông suốt, góp phần phát triển du lịch và kinh tế.