KTĐT - Bước vào tháng cao điểm trấn áp buôn lậu, các ngành chức năng của TP. Hà Nội phải đối mặt với “làn sóng” hàng lậu, với những thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt của các đối tượng.
Điểm nóng mang tên “pháo”
Mỗi dịp giáp Tết, việc buôn lậu pháo nổ lại bùng phát như một dịch bệnh, mặc dù đã có nhiều vụ buôn bán, vận chuyển pháo bị bắt giữ, xử lý nghiêm khắc. Theo Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội, nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là do lợi nhuận thu được quá cao. Tại “thủ phủ” pháo lậu là bên kia biên giới Lạng Sơn, giá pháo nổ dao động trong khoảng 150.000-800.000 đồng/bánh tuỳ loại, bán lẻ 25.000 đồng/quả; pháo hoa 15.000 đồng/cây, nhưng nếu vận chuyển trót lọt về các địa phương thì giá bán sẽ tăng gấp 2, thậm chí gấp 3 lần.
Chính vì mức lợi nhuận hấp dẫn trên mà các đối tượng buôn lậu đã nghĩ ra “trăm phương ngàn kế” để qua mắt cơ quan chức năng. Thủ đoạn đơn giản nhưng khó phát hiện nhất là ngụy trang, chở bằng xe máy. Chiều 13/1, Công an huyện Chương Mỹ, Hà Nội phát hiện chiếc xe máy chở phía sau một thùng các-tông có biểu hiện nghi vấn và đã tiến hành kiểm tra, phát hiện bên trong có chứa 10 hộp pháo nổ có trọng lượng 16,2 kg. Lần theo lời khai của đối tượng Nguyễn Cửu Xuân, người vận chuyển hàng, cơ quan công an đã thu giữ của các đối tượng hơn 64 kg pháo lậu các loại.
Trước đó, từ đầu tháng 1/2011, cơ quan chức năng đã phát hiện gần 10 vụ vận chuyển, buôn bán pháo nổ. Cụ thể, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46, Công an TP. Hà Nội) phát hiện Nguyễn Thị Thủy đang vận chuyển 40,2 kg pháo (gồm 648 quả pháo nổ đựng trong 18 hộp và 360 quả pháo các loại đựng trong 10 hộp) bằng xe máy; Tổ tuần tra của Trung đoàn Cảnh sát cơ động (Công an TP. Hà Nội) làm nhiệm vụ tại đường dẫn phía Bắc cầu Thanh Trì, phát hiện Hoàng Văn Đức và Hoàng Xuân Tuyền đi xe mô tô, chở 37,5 kg pháo nổ do Trung Quốc sản xuất; Phòng PC46 đã bắt quả tang xe taxi của Hãng Sao Mai vận chuyển 24 hộp pháo giàn (mỗi hộp 36 quả pháo) và 24 hộp pháo có hình lựu đạn (mỗi hộp 12 quả), với tổng trọng lượng khoảng 100 kg…
Rượu và thuốc lá “đến hẹn lại lên”
Rượu ngoại là mặt hàng được giới buôn lậu “ưa chuộng” trong các dịp Tết. Tuy nhiên, điều lạ là, năm nay, số rượu ngoại nhập lậu lại chủ yếu “chảy” từ các cửa khẩu miền Trung như: Cầu Treo, Lao Bảo, Cha Lo… về Hà Nội để tiêu thụ. Mới đây nhất, trên Quốc lộ 1 A đoạn đi qua thị trấn Hải Lăng (Quảng Trị), Phòng Cảnh sát điều tra về kinh tế và chức vụ (Công an tỉnh Quảng Trị) đã phát hiện và bắt giữ xe ô tô mang biển kiểm soát 29Y - 4102 kéo rơ móc 33R - 0084 của Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Hoa Nam (có trụ sở tại Hà Nội) do tài xế Lê Đình Nghị điều khiển chở một lượng rượu lớn ra Hà Nội tiêu thụ. Cơ quan công án phát hiện trên xe có 623 chai rượu ngoại, với các nhãn hiệu Chivas 18, Chivas 12, Ballantines, có tổng trị giá hơn 400 triệu đồng.
Trước đó ít ngày, trên đường cao tốc Pháp Vân, ngành chức năng Hà Nội đã kiểm tra xe ô tô biển kiểm soát 74K-8580 từ tỉnh Quảng Trị chở khách về Hà Nội. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, các cán bộ đã phát hiện một lô hàng lậu được cất giấu tinh vi ngay dưới gầm xe, nằm lẫn với hành lý của hành khách. Trước sự chứng kiến của hành khách lần lượt lô hàng được đưa ra ngoài, gồm 980 bao thuốc lá Camel, George Karelias and son, 103 chai rượu Ballantines 21, Chivas, ST-Remy và 13 kiện quần áo nhập lậu, với tổng giá trị ước khoảng 500 triệu đồng.
Những mặt hàng “trọng điểm” buôn lậu năm nay được vận chuyển một cách tinh vi. Có những vụ án cơ quan chức năng phát hiện đối tượng buôn lậu dùng cả xe ô tô loại sang hoặc taxi để vận chuyển hàng lậu. Có những vụ thuốc lá, rượu, pháo được giấu trong nồi cơm điện, trong xe cứu thương vờ chở người đi khám bệnh… Ngoài ra, các đối tượng buôn lậu thường để lẫn hàng cấm vào các sản phẩm khác như chăn, gối hoặc làm thêm các thùng bí mật để cất giấu.
Theo ông Nguyễn Phi Hùng, Phó cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan), các mặt hàng thường được buôn lậu trong dịp này là các nhu yếu phẩm phục vụ Tết Nguyên đán như: pháo nổ các loại, rượu ngoại, bia, đường kính, thuốc lá… Tại các cửa khẩu, đối tượng sử dụng thủ đoạn khai sai tên hàng, số lượng, chất lượng, nhãn hiệu, mục đích của hàng hóa, nhập hàng không đủ tiêu chuẩn kỹ thuật, quay vòng hồ sơ chứng từ.