Liên tục bắt giữ nhiều vụ buôn lậu lớn
Ngày 22/12, lực lượng công an và quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội bắt giữ hơn 2.000 quần áo, giầy dép do Trung Quốc sản xuất nhập lậu vào Việt Nam. Trước đó trong hai ngày 5 và 6/12, lực lượng QLTT bắt giữ 6 tấn quần áo Trung Quốc và 150 bao hàng không hóa đơn, chứng từ tại cổng số 13 chợ Đồng Xuân và phố Nguyễn Tư Giản (phường Phúc Tân, Hoàn Kiếm)… Đến hẹn lại lên, trong thời điểm áp Tết Nguyên đán 2013, hàng lậu đang được vận chuyển ồ ạt vào Hà Nội. Từ đó, một lượng hàng không nhỏ tiếp tục được vận chuyển để tiêu thụ tại các tỉnh lân cận. Ông Lương Thế Vinh, Phó Đội trưởng Đội QLTT số 17, Chi cục QLTT Hà Nội cho biết: Hiện hàng lậu được vận chuyển về Hà Nội bằng nhiều cung đường khác nhau. Tuyến Lạng Sơn, Móng Cái - Hà Nội, hàng chủ yếu là đồ gia dụng, điện tử, quần áo, mỹ phẩm, bánh kẹo... Cung đường từ Quảng Trị, Hà Tĩnh, Nghệ An chủ yếu là thuốc lá, rượu ngoại, mỹ phẩm... Đáng chú ý, ngoài những cung đường này đã xuất hiện những tuyến đường vận chuyển hàng lậu mới như chuyển hàng qua Phú Thọ về Hà Nội.
Để đối phó với các lực lượng chức năng, ngoài những thủ đoạn cũ như: quay vòng hóa đơn, chứng từ hàng hóa… dân buôn lậu thời gian qua còn dùng thủ đoạn mới trong việc vận chuyển hàng đó là tận dụng tối đa các xe chở khách, lợi dụng cả xe vận chuyển khách du lịch, đường hàng không… trên các tuyến đường đi và đến Hà Nội để chở hàng. Tinh vi hơn, để vận chuyển hàng lậu, các đối tượng còn sử dụng xe ô tô mang BKS giả. Điển hình, ngày 17/12, đội QLTT số 4 bắt giữ xe tải BKS 98K 57 - 58 chở 10 tấn hàng lậu do Trung Quốc sản xuất. Qua xác minh cho thấy BKS trên là biển giả. Lái xe khai, khi đi qua mỗi tuyến đường, đến địa phận tỉnh nào lái xe sẽ lần lượt "đeo" vào xe BKS của tỉnh ấy để tránh sự truy đuổi, phát hiện của cơ quan chức năng.
Đội Quản lý thị trường số 17 bắt giữ hàng nhập lậu tại quận Long Biên. Ảnh: Thu Hương
Quản lý chặt thị trường
Ông Nguyễn Công San, Phó Chi cục trưởng Chi cục QLTT Hà Nội cho biết, từ nay đến hết Tết Nguyên đán lực lượng chức năng Hà Nội đẩy mạnh ngăn chặn buôn bán hàng lậu tại các cửa hàng kinh doanh lớn, các địa điểm tập kết chứa hàng lậu, kho tàng, bến bãi; Các điểm lên xuống, nơi giao nhận hàng trên tất cả các tuyến vận chuyển… trong đó tập trung vào các mặt hàng cấm nhập khẩu, hạn chế nhập khẩu, không khuyến khích nhập khẩu; Tập trung đấu tranh với các đối tượng buôn lậu, buôn bán hàng giả tại chợ Đồng Xuân, chợ Ninh Hiệp… Xử lý nghiêm những trường hợp buôn bán hàng nhập lậu, không rõ nguồn gốc.
Để kiểm soát tình hình thị trường những tháng cuối năm, TP Hà Nội đã chỉ đạo các các lực lượng chức năng đẩy mạnh kiểm tra, ngăn chặn hoạt động buôn lậu. |
Đội QLTT số 1 và số 7 cũng được giao nhiệm vụ tập trung ngăn chặn tình trạng buôn lậu, hàng giả kém chất lượng; Đội QLTT số 14 tập trung kiểm tra các mặt hàng giả nhãn hiệu, xâm phạm sở hữu công nghiệp. Nhằm ngăn chặn tình trạng buôn bán, vận chuyển gia cầm chưa qua kiểm dịch, bên cạnh việc BCĐ 127 Hà Nội thành lập 2 đội liên ngành, Chi cục QLTT TP cũng đã yêu cầu các đội QLTT tăng cường kiểm tra, xử phạt các đối tượng tham gia hoạt động này.
Mặc dù lực lượng chức năng Hà Nội đã có nhiều giải pháp ngăn chặn nhưng có một thực tế là hiện chế tài xử phạt đối với các loại hàng hóa nhập lậu vẫn khá nhẹ. Hàng hóa ngoài bị tịch thu, tiêu hủy thì đối tượng vận chuyển chỉ bị xử lý hành chính, trong khi chủ hàng hầu như không bắt được. Khung xử phạt tối đa của hàng lậu hiện chỉ 20 triệu đồng, nên không đủ sức răn đe. Bên cạnh đó, hoạt động phối hợp giữa các địa phương với Hà Nội chưa thực sự chặt chẽ là kẽ hở để dân buôn lậu lợi dụng… Những bất cập này khiến tình trạng vận chuyển hàng lậu vẫn diễn biến phức tạp và nóng bỏng vào những ngày cuối năm.