20 hàng hóa, dịch vụ nhà nước độc quyền kinh doanh
Nghị định 94/2017 của Chính phủ có hiệu lực từ 1/10 quy định về hàng hóa, dịch vụ, địa bàn thực hiện độc quyền nhà nước trong hoạt động thương mại.
Theo đó, từ ngày 1/10 tới, Chính phủ quyết định có 20 hàng hóa, dịch vụ thực hiện độc quyền nhà nước trong hoạt động thương mại gồm: Hàng hóa, dịch vụ phục vụ mục đích, quốc phòng, an ninh; Sản xuất, mua, bán, xuất, nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, vận chuyển quá cảnh vật liệu nổ công nghiệp; Sản xuất vàng miếng; Xuất, nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng; Phát hành xổ số kiến thiết; Nhập khẩu thuốc lá điếu, xì gà (trừ trường hợp nhập khẩu để kinh doanh bán hàng miễn thuế); Quản lý, nhập khẩu, xuất khẩu, mua, bán, bảo quản, bảo vệ hàng hóa thuộc danh mục dự trữ quốc gia; In, đúc tiền; Phát hành tem bưu chính Việt Nam; Sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, mua, bán, vận chuyển, tàng trữ pháo hoa và các dịch vụ liên quan đến pháo hoa.
|
Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng; Xuất, nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng |
Ngoài ra, các hàng hóa dịch vụ gồm: Truyền tải, điều độ hệ thống điện quốc gia; xây dựng và vận hành thủy điện đa mục tiêu và điện hạt nhân có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội; Dịch vụ công ích bảo đảm an toàn hàng hải (vận hành hệ thống đèn biển, vận hành hệ thống luồng hàng hải công cộng); Dịch vụ công ích thông tin duyên hải (quản lý, vận hành khai thác hệ thống đài thông tin duyên hải); Bảo đảm hoạt động bay (dịch vụ không lưu, dịch vụ thông báo tin tức hàng không, dịch vụ tìm kiếm, cứu nạn); Hệ thống kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị do Nhà nước đầu tư...
Quản lý, khai thác hệ thống công trình thủy lợi, thủy nông liên tỉnh, liên huyện; kè biển trong trường hợp giao kế hoạch; Cung ứng dịch vụ lâm nghiệp tại rừng đặc dụng (trừ khu rừng bảo vệ cảnh quan được Nhà nước giao cho tổ chức kinh tế thuê để bảo vệ và phát triển rừng, kết hợp kinh doanh cảnh quan, nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái - môi trường); Xuất bản (không bao gồm hoạt động in và phát hành) xuất bản phẩm; Quản lý, duy trì, khai thác mạng bưu chính công cộng; Cung ứng dịch vụ công ích trong hoạt động phát hành báo chí cũng thuộc độc quyền Nhà nước.
Nghị định nêu rõ, chỉ thực hiện độc quyền nhà nước trong hoạt động thương mại đối với các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu mà Nhà nước cần phải độc quyền liên quan đến quốc phòng, an ninh, đảm bảo lợi ích quốc gia hoặc các thành phần kinh tế khác không có nhu cầu và khả năng tham gia.
Quy định mới về kinh doanh trò chơi có thưởng
Thông tư 11/2017 của Ngân hàng Nhà nước có hiệu lực từ ngày 15/10 quy định doanh nghiệp kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài được phép mua ngoại tệ để phục vụ hoạt động kinh doanh này.
Việc thu, chi ngoại tệ và các hoạt động ngoại hối khác cần phải có chứng từ, giấy tờ đảm bảo giao dịch hợp pháp, hợp lệ.
Trong khi đó, theo Thông tư 10/2017/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 15/10/2017 cũng đã hướng dẫn cụ thể việc nhận tiền thưởng bằng ngoại tệ đối với người chơi casino cả trong trường hợp nhận ngoại tệ bằng tiền mặt và bằng chuyển khoản. Tuy nhiên, Thông tư 10/2017/TT-NHNN chỉ áp dụng cho người chơi là người nước ngoài.
Sử dụng lao động nước ngoài phải báo cáo giải trình nhu cầu qua mạng điện tử
Đây là nội dung nổi bật được quy định tại Thông tư 23/2017/TT-BLĐTBXH (có hiệu lực từ ngày 02/10/2017) về hướng dẫn thực hiện cấp giấy phép lao động cho NLĐNN làm việc tại Việt Nam qua mạng điện tử.
Theo đó, trước ít nhất 20 ngày kể từ ngày dự kiến sử dụng NLĐNN, người sử dụng lao động phải khai thông tin vào tờ khai và nộp báo cáo giải trình nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài qua mạng điện tử.
Hiện nay, việc nộp tờ khai và báo cáo giải trình nhu cầu sử dụng NLĐNN được thực hiện trong vòng 30 ngày kể từ ngày dự kiến sử dụng (theo Thông tư 40/2016/TT-BLĐTBXH ngày 25/10/2016).
Như vậy, so với quy định nộp hồ sơ giấy báo cáo giải trình như hiện tại thì việc nộp hồ sơ qua mạng điện tử đã rút ngắn thời gian yêu cầu thực hiện đối với người sử dụng lao động.
Hỗ trợ tối đa 300 USD/người/tháng học sau tiến sỹ ở nước ngoài
Thông tư 88/2017/TT-BTC hướng dẫn cơ chế tài chính thực hiện Đề án đào tạo, bồi dưỡng nhân lực khoa học và công nghệ ở trong nước và nước ngoài bằng NSNN sẽ có hiệu lực từ ngày 7/10/2017.
Theo đó, các đối tượng được cử đi bồi dưỡng nhân lực khoa học công nghệ (KHCN) ở nước ngoài sẽ được đảm bảo các quyền lợi BHYT bằng việc Nhà nước tài trợ đầy đủ các khoản chi phí đóng BHYT, cụ thể:
NN sẽ thanh toán khoản phí BHYT bằng mức BHYT bắt buộc theo quy định của nước sở tại (cấp bằng đồng đôla Mỹ hoặc bằng đồng tiền của nước sở tại) và tối đa không vượt quá 1.000 USD/người/năm.
Đối với những nước có mức mua BHYT bắt buộc cao hơn định mức tối đa quy định nêu trên thì Bộ Khoa học và Công nghệ xem xét, quyết định cụ thể trên cơ sở lấy ý kiến thỏa thuận của Bộ Tài chính.
Trường hợp người được cử đi đào tạo, bồi dưỡng có nguyện vọng mua BHYT ở mức cao hơn mức quy định tại Thông tư này thì phải tự bù phần chênh lệch.
Xếp lương, thi nâng ngạch công chức theo quy định mới
Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư số 05/2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của 2 thông tư cũ về tiêu chuẩn nghiệp vụ chuyên môn, bổ nhiệm ngạch và xếp lương đối với các ngạch công chức chuyên ngành hành chính và việc tổ chức thi nâng ngạch công chức.
Cụ thể, từ 1/10 công chức được bổ nhiệm vào các ngạch công chức chuyên ngành hành chính quy định tại Thông tư 11/2014 được áp dụng bảng lương tương ứng kèm theo Nghị định số 204/2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang như sau:
Áp dụng Bảng 2 (Bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, công chức trong cơ quan nhà nước) đối với các ngạch công chức: Ngạch chuyên viên cao cấp áp dụng công chức loại A3 (nhóm 1); ngạch chuyên viên chính áp dụng công chức loại A2 (nhóm 1); ngạch chuyên viên áp dụng công chức loại A1; ngạch cán sự áp dụng công chức loại A0; ngạch nhân viên áp dụng công chức loại B.
Áp dụng Bảng 4 (Bảng lương nhân viên thừa hành, phục vụ trong các cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp của nhà nước) đối với ngạch nhân viên lái xe cơ quan.
Sửa đổi, bổ sung một số điều thi hành Luật xử lý vi phạm hành chínhChính phủ vừa ban hành Nghị định số 97/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính.
Cụ thể, Nghị định 97/2017/NĐ-CP đã bổ sung quy định về các tiêu chí xác định đối tượng vi phạm hành chính là tổ chức. Theo quy định mới, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính khi có đủ các điều kiện: 1- Là pháp nhân theo quy định của pháp luật dân sự hoặc các tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật; 2- Hành vi vi phạm hành chính do người đại diện, người được giao nhiệm vụ nhân danh tổ chức hoặc người thực hiện hành vi theo sự chỉ đạo, điều hành, phân công, chấp thuận của tổ chức và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính.
|
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet) |
Tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính phải được quy định cụ thể tại các nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước.
Nghị định số 97/2017/NĐ-CP cũng bổ sung thêm thẩm quyền xử phạt của Trưởng đoàn Thanh tra chuyên ngành vào khoản 3 Điều 5 Nghị định 81/2013/NĐ-CP. Theo quy định, Trưởng đoàn Thanh tra chuyên ngành có thẩm quyền xử phạt đối với hành vi vi phạm hành chính thuộc phạm vi, nội dung cuộc thanh tra trong thời hạn thanh tra theo quy định của pháp luật về thanh tra.
Trường hợp quyết định xử phạt vi phạm hành chính bị khiếu nại thì người ra quyết định thanh tra có trách nhiệm tiếp nhận, giải quyết hoặc chỉ đạo người đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính giải quyết theo quy định của pháp luật về thanh tra và khiếu nại.
Đồng thời, Nghị định số 97/2017/NĐ-CP cũng bổ sung thêm thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện đối với tổ chức vi phạm hành chính.
Theo quy định mới, người lập biên bản được tiến hành lập biên bản các hành vi không thuộc thẩm quyền xử phạt. Cụ thể, Nghị định 97/2017/NĐ-CP quy định: Người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính gồm người có thẩm quyền xử phạt, công chức, viên chức và người thuộc lực lượng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân đang thi hành công vụ, nhiệm vụ theo văn bản quy phạm pháp luật hoặc văn bản hành chính do cơ quan, người có thẩm quyền ban hành; người chỉ huy tàu bay, thuyền trưởng, trưởng tàu và những người được chỉ huy tàu bay, thuyền trưởng, trưởng tàu giao nhiệm vụ lập biên bản. Các chức danh có thẩm quyền lập biên bản được quy định cụ thể tại các nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong từng lĩnh vực quản lý nhà nước.
Người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính nhưng không có thẩm quyền xử phạt quy định tại khoản 1 Điều này chỉ có quyền lập biên bản về những vi phạm thuộc phạm vi thi hành công vụ, nhiệm vụ được giao và chịu trách nhiệm về việc lập biên bản.
Trường hợp vụ việc vi phạm vừa có hành vi vi phạm thuộc thẩm quyền xử phạt của người lập biên bản, vừa có hành vi vi phạm không thuộc thẩm quyền xử phạt hoặc vượt quá thẩm quyền xử phạt của người lập biên bản, thì người đó vẫn phải tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính đối với tất cả các hành vi vi phạm và chuyển ngay biên bản đến người có thẩm quyền xử phạt để tiến hành xử phạt theo quy định tại khoản 3 Điều 58 Luật xử lý vi phạm hành chính.
Ngoài ra, Nghị định số 97/2017/NĐ-CP cũng bổ sung thêm quy định về thẩm quyền xử phạt trong trường hợp tang vật vi phạm hành chính là hàng cấm. Theo quy định, trường hợp các nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước có quy định trị giá hoặc số lượng của hàng cấm và khung tiền phạt đối với hành vi vi phạm có tang vật vi phạm hành chính là hàng cấm thì thẩm quyền xử phạt được xác định theo quy định tại Chương II Phần thứ hai Luật xử lý vi phạm hành chính và quy định của nghị định xử phạt vi phạm hành chính.
Đối với tang vật vi phạm hành chính là hàng cấm không thuộc trường hợp nêu trên thì không tiến hành xác định giá trị tang vật vi phạm hành chính mà phải chuyển hồ sơ vụ việc đến người có thẩm quyền xử phạt theo quy định tại khoản 2 Điều 12.