Hàng loạt chính sách quan trọng có hiệu lực từ tháng 6

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ đầu tháng 6/2016, hàng loạt chính sách quan trọng liên quan trực tiếp đến đời sống dân sinh chính thức có hiệu lực như bỏ thu phí sử dụng đường bộ với xe máy, thay đổi mức lương hưu hàng tháng của quân nhân và công an có lễ phục mới…

Chính thức bỏ thu phí sử dụng đường bộ xe máy

Nghị định 28/2016/NĐ-CP của Chính phủ chính thức bỏ thu phí đường bộ đối với mô tô, xe máy có hiệu lực từ đầu tháng 6. Theo Nghị định, phí sử dụng đường bộ sẽ chỉ còn được thu hàng năm trên các đầu phương tiện: ô tô, máy kéo; rơ moóc, sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự.

Ngoài ra, Bộ Tài chính được giao trách nhiệm hướng dẫn chế độ quản lý thu phí sử dụng đường bộ, kỳ kê khai, nộp phí sử dụng đường bộ (theo tháng, quý, năm, kỳ đăng kiểm) đối với xe ô tô cho phù hợp với từng đối tượng nộp phí.
Chính thức bỏ thu phí sử dụng đường bộ xe máy.
Chính thức bỏ thu phí sử dụng đường bộ xe máy.
Thay đổi mức lương hưu hàng tháng của quân nhân, công an nhân dân

Nghị định 33/2016/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 26/6, hướng dẫn chi tiết về mức lương hưu hàng tháng đối với quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân. Trong đó, quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu bắt đầu hưởng lương hưu hàng tháng từ năm 2016 đến hết năm 2017, tỷ lệ hưởng lương hưu được tính bằng 45% tương ứng với 15 năm đóng bảo hiểm xã hội. Sau đó, cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội được tính thêm 2% đối với nam và 3% đối với nữ và mức tối đa bằng 75%.

Đối với quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu phục viên, xuất ngũ, thôi việc khi chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu và không tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện sẽ được hưởng bảo hiểm xã hội một lần.
Thay đổi mức lương hưu hàng tháng của quân nhân, công an nhân dân.
Thay đổi mức lương hưu hàng tháng của quân nhân, công an nhân dân.
Chính sách mới về trợ cấp đối với quân nhân

Có hiệu lực thi hành từ 1/6, nghị định 27/2016/NĐ-CP quy định chế độ, chính sách đối với hạ sĩ quan, binh sĩ phục vụ tại ngũ, xuất ngũ và thân nhân của hạ sĩ quan, binh sĩ:

Được trợ cấp mức 3.000.000 đồng/suất/lần nếu gặp tai nạn, hoả hoạn, thiên tai dẫn đến bị sập nhà, trôi nhà, cháy nhà hoặc phải di dời chỗ ở hoặc tài sản bị hư hỏng, thiệt hại nặng về kinh tế (Không quá 02 lần/năm đối với một hạ sĩ quan, binh sĩ).

Khi ốm đau từ 01 tháng trở lên hoặc điều trị 01 lần tại bệnh viện từ 07 ngày trở lên thì được trợ cấp mức 500.000 đồng/thân nhân/lần (không quá 02 lần/năm đối với mỗi thân nhân của hạ sĩ quan, binh sĩ).

Thân nhân của hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ hy sinh, từ trần hoặc mất tích thì được trợ cấp mức 2.000.000 đồng/người.

Quy định mới về lễ phục của sĩ quan công an nhân dân

Nghị định 29/2016/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 06/6/2016) quy định về lễ phục của sĩ quan công an nhân dân như sau:

- Màu sắc: mũ, quần áo xuân hè, quần áo thu đông màu be hồng.

- Mũ Kêpi: Quai tết màu vàng, riêng mũ cấp tướng mặt trên lưỡi trai gắn cành tùng màu vàng.

- Quần áo xuân hè

+ Quần áo: may kiểu vecton, cổ bẻ hình chữ K, ngắn tay; thân trước áo nam có 4 túi, nữ có 2 túi may ốp ngoài; dây chiến thắng đeo dưới cấp hiệu vai bên phải.
Công an nhân dân có lễ phục mới.
Công an nhân dân có lễ phục mới.
+ Cúc áo màu vàng; mặt cúc cấp tướng có hình Quốc huy nổi; cấp tá, cấp úy có hình nổi ngôi sao 5 cánh ở giữa hai bông lúa, dưới hai bông lúa có chữ lồng “CA”.

- Quần áo thu đông

+ Quần áo: may kiểu vecton, cổ bẻ hình chữ K, dài tay, dựng lót trong, thân trước áo nam có 4 túi, nữ có 2 túi may ốp ngoài; áo sơ mi màu trắng dài tay, cổ có chân, ca ra vát màu đen; dây chiến thắng đeo dưới cấp hiệu vai bên phải.

+ Cúc: quy định giống quần áo xuân hè.

- Giầy, tất: Giầy da, màu đen, ngắn cổ; tất màu mạ non.

Trợ cấp đặc thù cho công chức

Theo Nghị định 26/2016/NĐ-CP của Chính phủ về chế độ trợ cấp, phụ cấp đối với công chức, viên chức và người lao động làm việc tại các cơ sở quản lý người nghiện ma túy, người sau cai nghiện ma túy và cơ sở trợ giúp xã hội công lập có hiệu lực thi hành từ ngày 1/6.

Theo đó, công chức, viên chức làm việc tại các cơ sở quản lý người nghiện ma túy và người sau cai nghiện ma túy ngoài được hưởng trợ cấp đặc thù với mức tối thiểu bằng 500.000 đồng/người/tháng. Mức phụ cấp 70% áp dụng đối với công chức, viên chức chuyên môn y tế trực tiếp khám, điều trị, chăm sóc, xét nghiệm cho người nghiện ma túy bị bệnh HIV/AIDS...

Quy định mới về thời gian không tính hưởng phụ cấp ưu đãi nghề

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 26/2016/NĐ-CP về chế độ trợ cấp, phụ cấp đối với công, viên chức, người lao động làm việc tại cơ sở quản lý người nghiện ma túy, người sau cai nghiện và cơ sở trợ giúp xã hội công lập sẽ có hiệu lực từ 01/6/2016.

Theo đó, quy định về thời gian không được tính hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề như sau:

- Thời gian đi công tác, làm việc, học tập ở nước ngoài hưởng 40% tiền lương theo quy định tại Khoản 4 Điều 8 Nghị định 204/2004/NĐ-CP.

- Thời gian đi học tập ở trong nước liên tục trên 3 tháng, không trực tiếp làm chuyên môn theo nhiệm vụ được phân công đối với công chức, viên chức.

- Thời gian nghỉ việc không hưởng lương liên tục từ 1 tháng trở lên.

- Thời gian nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.

- Thời gian tạm giam, tạm giữ, tạm đình chỉ công tác hoặc đình chỉ làm chuyên môn từ 1 tháng trở lên.

- Thời gian được cơ quan có thẩm quyền điều động đi công tác, làm việc không trực tiếp làm chuyên môn liên tục từ 1 tháng trở lên.

Sử dụng thuốc cấm trong cây trồng bị phạt tới 100.000.000 triệu đồng

Nghị định 31/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống cây trồng, bảo vệ và kiểm dịch thực vật quy định: Mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực giống cây trồng, bảo vệ và kiểm dịch thực vật đối với cá nhân là 50.000.000 đồng, đối với tổ chức là 100.000.000 đồng. Hành vi sử dụng thuốc cấm đối với cây trồng sẽ bị phạt tiền từ 3 đến 5 triệu đồng (mức phạt cũ chỉ từ 1 đến 3 triệu đồng).
Sử dụng thuốc cấm trong cây trồng bị phạt tới 100.000.000 triệu đồng.
Sử dụng thuốc cấm trong cây trồng bị phạt tới 100.000.000 triệu đồng.
Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không đúng hướng dẫn sử dụng; sau khi sử dụng không thu gom cũng sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng; Buộc khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường đã gây ra.

Phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 50 triệu đồng đối với hành vi sản xuất thuốc bảo vệ thực vật không có tên trong Danh mục được phép sử dụng tại Việt Nam, tùy theo khối lượng thuốc vi phạm; ngoài ra còn áp dụng hình phạt bổ sung đình hoạt động sản xuất, tịch thu tiêu hủy…

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ 25/6.

Kinh tế đô thị cuối tuần