Hàng loạt địa phương có điểm thi bất thường: Cú sốc lớn

Nhi Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ vụ gian lận điểm thi tại Hà Giang và nghi ngờ sự bất thường ở nhiều địa phương, dư luận cho rằng, đây là cú sốc lớn với học sinh, đặc biệt với các em được nâng điểm. Ngày 19/7, Bộ GD&ĐT đã vào cuộc xác minh dấu hiệu bất thường về điểm thi tốt nghiệp THPT ở Lạng Sơn và Sơn La.

Làm việc xuyên đêm tại Lạng Sơn
Khoảng hơn 10 giờ ngày 19/7, Tổ công tác của Bộ GD&ĐT đã có mặt tại Sở GD&ĐT Lạng Sơn để xác minh dấu hiệu bất thường về kết quả thi tốt nghiệp THPT tại đây. Tổ công tác gồm cán bộ Cục Quản lý chất lượng, Thanh tra Bộ GD&ĐT và Cục An ninh Chính trị nội bộ (A83), Bộ Công an do ông Sái Công Hồng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT làm trưởng đoàn. Lý do của cuộc làm việc này là do những ngày qua, mạng xã hội lan truyền bảng điểm rất cao của 35 thí sinh (TS) đều là cảnh sát cơ động thuộc đối tượng TS tự do tại Lạng Sơn. Làm việc xuyên đêm 19/7 và cả ngày 20/7, hiện Tổ công tác vẫn chưa công bố kết quả xác minh.
Trao đổi với báo chí về 35 TS có điểm thi cao bất thường, Đại úy Đỗ Đình Viên - Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 27, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động - K20 xác nhận, cả 35 TS đều là chiến sĩ nghĩa vụ của đơn vị do ông quản lý. "Không có chuyện các TS này là con em lãnh đạo hoặc cán bộ cấp cao" - đại úy Viên khẳng định. Ngay sau khi tổ công tác của Bộ GD&ĐT có kết luận, đơn vị sẵn sàng cung cấp toàn bộ thông tin về quá trình học tập của 35 TS.
Nhiều địa phương trong vòng nghi vấn
Ngày 20/7, Công an tỉnh Hà Giang đã tống đạt quyết định khởi tố ông Vũ Trọng Lương – Phó Trưởng phòng Khảo thí và quản lý chất lượng, Sở GD&ĐT Hà Giang, người trực tiếp can thiệp vào kết quả thi THPT quốc gia 2018 của TS tại tỉnh này. 
Tỉnh ủy Hà Giang cũng đã có văn bản gửi Ban cán sự Đảng, UBND tỉnh, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy liên quan đến kết quả kỳ thi THPT quốc gia 2018 tại tỉnh này. Theo đó, căn cứ kết quả kiểm tra, rà soát sơ bộ, Hội đồng thi Sở GD&ĐT Hà Giang đã quyết định đình chỉ thực hiện nhiệm vụ liên quan tới kỳ thi đối với ông Nguyễn Thanh Hoài - Trưởng Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng, Sở GD&ĐT, Phó Trưởng Ban chấm thi, Trưởng Ban Thư ký Hội đồng thi. Ông Hoài là người đã đưa chìa khóa nơi lưu giữ bài thi, hồ sơ thi trắc nghiệm đã chấm cho ông Vũ Trọng Lương, trái với quy chế.
Hà Giang đã bị phanh phui, Lạng Sơn đang trong cuộc, nhiều địa phương khác đang trong vòng nghi vấn bởi điểm thi cao bất thường. Tại Hòa Bình, 5 TS đang khiến dư luận nghi ngờ. Trao đổi với báo chí ngày 20/7, ông Bùi Văn Cửu – Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo thi THPT quốc gia tỉnh Hoà Bình cho biết, địa phương này đã rà soát lại toàn bộ công việc, từ tổ chức thi cho đến chấm thi, không phát hiện sai sót. Sở GD&ĐT Hoà Bình đã trực tiếp báo cáo Bộ GD&ĐT và đặt vấn đề, nếu thấy cần thiết sẽ mời Bộ về thanh tra, giúp làm “trong sáng” cho tỉnh. Về 5 TS mà dư luận nghi ngờ, ông Cửu khẳng định: “Không có chuyện những TS này là con cháu lãnh đạo của tỉnh, không có chuyện con ông cháu cha". Còn tại Kon Tum, trước thông tin tỉnh này nằm trong top đầu điểm cao khối B cả nước trong kỳ thi THPT 2018, lãnh đạo Sở GD&ĐT cho rằng "kỳ thi diễn ra đúng quy trình" và nếu nghi vấn, Bộ GD&ĐT có thẩm quyền làm việc, chỉ đạo.
Riêng Sơn La, ông Nguyễn Bình Long - Phó Hiệu trưởng trường THPT chuyên Sơn La cho biết, nhà trường không bất ngờ khi học sinh của mình đạt điểm cao. “Tôi mong lãnh đạo Bộ rà soát và sớm có kết quả để những em đạt kết quả bằng thực lực của mình không bị ảnh hưởng” - ông Long nói. Hiện tại, tổ công tác của Bộ GD&ĐT do ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng làm trưởng đoàn vẫn đang rà soát những bất thường trong điểm thi của tỉnh Sơn La. "Tinh thần của tổ công tác là làm quyết liệt, nghiêm minh. Mong nhân dân và TS cả nước hãy tin tưởng” - ông Trinh khẳng định.
Niềm tin bị phá vỡ
Từ vụ gian lận điểm thi tại Hà Giang và nghi ngờ sự bất thường ở nhiều địa phương, nhiều ý kiến cho rằng, niềm tin về sự công bằng trong thi cử, về nền giáo dục nước nhà bị phá vỡ. Bà Bùi Thị An - nguyên đại biểu Quốc hội cho rằng, vụ sửa điểm ở Hà Giang đã làm méo mó sự trung thực của ngành giáo dục. Vụ việc này cũng khiến xã hội có cái nhìn tiêu cực về giáo dục, đặc biệt đối với những em được nâng điểm. Học sinh còn ít tuổi, mà người lớn đã gieo vào đầu các em những suy nghĩ tiêu cực và gian dối. TS Nguyễn Tùng Lâm - Hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) thì cho rằng, dẫu cho có người lý giải đây có thể chỉ là con sâu làm rầu nồi canh, nhưng ai có thể biết có những chuyện tương tự xảy ra ở những điểm thi khác, nhưng được thực hiện "kín đáo" hơn...
Nhiều ý kiến cho rằng, vẫn còn lỗ hổng trong quản lý giáo dục, cụ thể là công tác giám sát trong kỳ thi THPT quốc gia. Đây thực sự là một khủng hoảng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới uy tín của ngành giáo dục, mà cần phải có cách xử lý thích đáng. Song song với đó là việc cải tổ, những giải pháp xử lý và những hành động quyết liệt để trả lại sự công bằng cho TS và làm trong sạch môi trường giáo dục.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần