“Tới đây, quận sẽ tiếp tục rà soát và có những kiến nghị với Thành phố để tháo gỡ vướng mắc cho các chủ đầu tư, kiên quyết xử lý những vi phạm về đất đai” - ông Hoạt nhấn mạnh.
“Điểm danh” các dự án chậm triển khai
Theo Báo cáo tình hình quản lý các dự án đầu tư sử dụng vốn ngoài ngân sách chậm triển khai của UBND quận Nam Từ Liêm, trên địa bàn quận hiện đang triển khai đầu tư xây dựng và GPMB khoảng 100 dự án. Tuy nhiên, đây cũng là địa bàn có rất nhiều dự án chậm triển khai, chậm đưa đất vào sử dụng.
Qua kiểm tra, giám sát, trên địa bàn quận Nam Từ Liêm phát hiện một số chủ đầu tư thực hiện dự án có dấu hiệu vi phạm pháp luật đất đai như chậm GPMB; không đưa đất vào sử dụng trong 12 tháng; chậm tiến độ thực hiện dự án 24 tháng so với dự án đầu tư được phê duyệt.
Nhiều dự án đã hoàn thành GPMB, được giao đất đến nay hơn chục năm nhưng vẫn đắp chiếu, quây tôn hoặc sử dụng sai mục đích. Danh sách các dự án chậm triển khai trên địa bàn này đã điểm danh hàng loạt ông lớn với nhiều dự án “khủng”. Cụ thể, trên địa bàn Cầu Diễn, hơn 8.500m2 Dự án của Công ty Hà Đô (Bộ Quốc Phòng) được giao đất từ năm 2004 nhưng đến nay vẫn chưa đưa vào sử dụng và mới dựng lều lán tạm cho công nhân ở. Tại Tây Mỗ, hơn 39.000 m2 Dự án của TCty CP XNK và xây dựng Việt Nam-VINACONEX mới chỉ xây tường xây bao quanh. Trên địa bàn Mễ Trì, Dự án của Ban quản lý dự án Láng Hạ Thanh Xuân được giao đất từ năm 2004 nhưng đến nay vẫn chỉ là các nhà tạm quây tôn cho thuê sử dụng sai mục đích. Trên địa bàn Trung Văn, Công ty CP đầu tư và xây dựng Sông Đà, đất dự án cũng để trống từ năm 2013. Tại phường Mỹ Đình 1, ba Dự án gồm Dự án của Công ty CP Sông Hồng đắp chiếu từ 2008 và Cty CP Xây dựng và phát triển đầu tư Thăng Long có quyết định giao đất từ năm 2002 cũng chỉ ở ở mức rào tôn chưa xây dựng và Dự án của Công ty CP Địa ốc Dầu khí viễn thông giao đất từ năm 2002 nhưng đến nay mới chỉ rào tôn, làm sân bóng đá và một số công trình tạm. Tại Mỹ Đình 2, Tổng công ty HUD cũng chậm triển khai 2 Dự án tại Khu đất CC1, CC3- KĐT Mỹ Đình từ năm 2002 đến nay. Trong đó, gần 9.000m2 Dự án ở lô đất CC3 của Tổng Công ty này, Chủ đầu tư đã chuyển nhượng cho Cty CP Xây dựng công trình Thăng Long 9, Công ty CP ĐTPT Hạ tầng và thương mại tổng hợp, Cty CP Cơ khí và xây dựng Tân Quang. Tại Mễ Trì, Dự án của công ty TNHH Hoa Sen cũng trong tình trạng đất trống, đã GPMB xong quây tường rào….
Ngoài ra, trên địa bàn quận còn có hơn 20 dự án chậm GPMB, bị xem xét thu hồi, gồm: Dự án Bệnh Viện tư nhân An Sinh trên địa bàn Phú Đô; nhóm nhà ở Đông Nam, đường Tố Hữu của Công ty CP Đầu tư Xây dựng số 4 tại Trung Văn; Dự án xây dựng KĐT mới Phùng Khoang do Liên danh Tổng Côgn ty ĐT và PT nhà Hà Nội và Công ty CP ĐTXD đô thị trên địa bàn Trung Văn, Mễ Trì; Dự án KĐT mới Trung Văn của Chủ đầu tư Công ty ĐT và PT nhà Hà Nội…
Hơn 9.500 m2 Dự án Nam Đàn Plaza của Công ty cổ phần Địa ốc Dầu khí viễn thôn chậm triển khai từ năm 2002 được rào tôn, sân bóng đá và một số công trình tạm cháy lớn vào tháng 4/2017. |
Trách nhiệm của quận ra sao?
Tại phiên giải trình về tình hình quản lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn TP Hà Nội của Thường trực HĐND TP Hà Nội mới đây, đại biểu Hoàng Thị Tú Anh (huyện Đan Phượng) đã chất vấn Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm về vấn đề này. Bà Tú Anh cho biết, tại quận Nam Từ Liêm qua giám sát có 48 dự án chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai, trong đó 6 dự án xây trường học, trung tâm dạy nghề và 4 dự án xây bệnh viện. Nhưng đến nay, hầu hết chưa được thực hiện GPMB hoặc đã GMMB nhưng còn để đất quây tôn. “Vậy đề nghị Chủ tịch UBND quận cho biết nguyên nhân, trách nhiệm quản lý nhà nước của quận và đề xuất với TP, quan điểm và giải pháp của quận trong thời gian tới?” - đại biểu Tú Anh đặt câu hỏi.
Trả lời chất vấn đại biểu HĐND, Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm Trần Đức Hoạt cho biết, việc theo dõi kiểm tra và kiến nghị với TP đối với những dự án vượt thẩm quyền, phát hiện, xử lý những vi phạm, công tác GPMB… là nhiệm vụ nặng nề trên địa bàn quận, các lực lượng địa phương phải thực hiện rất vất vả. Quận đã chủ động nắm số liệu các dự án vi phạm sử dụng đất, quận đang tích cực phối hợp với Sở TNMT, KHĐT triển khai các nhiệm vụ thanh tra,… rà soát 265 dự án, phân loại theo từng tình trạng và tới đây sẽ có những kiến nghị với TP để tháo gỡ vướng mắc cho các chủ đầu tư, kiên quyết xử lý những vi phạm về đất đai.