Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hàng loạt dự án triển khai chậm: Người dân liên tục “kêu”

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Một vấn đề liên tục được cử tri đưa ra trong các cuộc tiếp xúc và trả lời cử tri của đại biểu HĐND TP vừa qua, đó là việc các dự án giao thông triển khai quá chậm, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân khu vực.

Cử tri huyện Đông Anh liên tục kiến nghị về tiến độ triển khai thực hiện dự án đường 5 kéo dài quá chậm. Huyện đã giải phóng mặt bằng, bàn giao cho dự án đạt 95% diện tích phải thu hồi. Tuy nhiên, do tiến độ chậm nên đất bỏ hoang, gây ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống dân sinh. Theo giải thích của lãnh đạo thành phố, dự án này do Ban quản lý dự án hạ tầng Tả Ngạn làm chủ đầu tư, được khởi công từ tháng 5/2005, đến nay đã thi công xong khoảng 9km/10,5 kè nền đường và toàn bộ thân, bệ mố trụ, hiện nhà thầu đang chuẩn bị thi công kết cấu phần trên. Quá trình triển khai thực hiện dự án có rất nhiều khó khăn, vướng mắc về công tác GPMB, giá nguyên vật liệu tăng cao, nên tháng 6/2011, thành phố đã cho phép điều chỉnh tiến độ của dự án đến tháng 6/2013, trên cơ sở đó, chủ đầu tư đang cùng các nhà thầu khẩn trương hoàn thiện phụ lục hợp đồng điều chỉnh tiến độ các gói thầu, lập tổng mức đầu tư, kịp thời điều chỉnh tiến độ cho các khối lượng bị chậm.

Trong khi đó, cử tri huyện Từ Liêm cũng đưa ra những kiến nghị về dự án đường quốc lộ 32 thi công kéo dài, gây bụi, ồn. Nguyên nhân cũng được cho là  GPMB khó khăn, điều kiện thi công khó khăn do phải tổ chức thi công trên đường đang khai thác, một số hạng mục không có trong thiết kế (thoát nước bẩn, đấu nối hạ tầng kỹ thuật, hạng mục giao cắt đường sắt…). Thành phố vẫn đưa ra lộ trình trong năm 2011 sẽ hoàn thành công trình.

Vấn đề các dự án giao thông chậm không chỉ xảy ra ở những tuyến đường quốc lộ, mà hàng loạt dự án khác cũng bị cử tri "phàn nàn". Từ việc thực hiện cải tạo, nâng cấp tuyến đường nối từ quốc lộ 5 vào Khu công nghiệp Hapro do ban quản lý dự án giao thông làm chủ đầu tư tiến độ thi công rất chậm, gây khó khăn cho người dân sống trên địa bàn quận Long Biên, đến dự án lớn hơn là đường Văn Cao kéo dài, Pháp Vân… Đặc biệt, dự án đường Văn Cao vẫn còn vướng rất nhiều ở khâu GPMB do 81 hộ thuộc khu tập thể Bộ Tư lệnh Công binh chưa ủng hộ, không cho điều tra, đền bù GPMB. Việc kiện cáo cũng chưa được giải quyết triệt để.

Lãnh đạo thành phố cho rằng, việc thi công các tuyến đường theo cử tri nêu ra còn chậm, ảnh hưởng tới đời sống là đúng. Để đẩy nhanh tiến độ, thành phố đã chỉ đạo các chủ đầu tư phối hợp với chính quyền địa phương, các ngành có liên quan tăng cường đối thoại với dân trong công tác GPMB. Đôn đốc các nhà thầu tập trung thiết bị, nhân lực để thi công khi có mặt bằng, tránh tối đa việc ảnh hưởng tới đời sống người dân.