Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hàng loạt "ông lớn" ngành thép báo lỗ kỷ lục

Ngọc Hiền
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hòa Phát, VNSteel, Nam Kim, Hoa Sen, Thép Miền Nam…, hàng loạt "ông lớn" ngành thép đã công bố báo cáo tài chính với những khoản lỗ nặng trong quý III/2022.

Kết quả ảm đạm

Báo cáo tài chính quý III/2022 đã được nhiều DN dự báo ngành thép sẽ rất "thê thảm" với những khó khăn bủa vây. Điều đó được khẳng định khi hàng loạt "ông lớn" ngành thép đã công bố với những khoản lỗ vượt xa dự báo rất nhiều lần đúng như dự báo của tỷ phú Trần Đình Long - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát - doanh nghiệp thép có thị phần lớn nhất Việt Nam.

Tập đoàn Hòa Phát, trong quý 3, lợi nhuận sau thuế ở mức âm 1.786 tỷ đồng. Ảnh: Hòa Phát
Tập đoàn Hòa Phát, trong quý 3, lợi nhuận sau thuế ở mức âm 1.786 tỷ đồng. Ảnh: Hòa Phát

Tại Đại hội cổ đông thường niên 2022 của Hòa Phát, ông Trần Đình Long đã cảnh báo về tình hình “thê thảm” của doanh nghiệp. "Cổ đông cứ đợi kết quả kinh doanh quý II, quý III, quý IV rồi sẽ thấy. Lúc này ngành thép đang không thuận lợi. Đợi hai tháng nữa sẽ có kết quả kinh doanh quý II, cổ đông sẽ thấy tình hình thê thảm thế nào", ông Trần Đình Long nói.

Cụ thể, với Tập đoàn Hòa Phát, trong quý II, "ông lớn" ngành thép đạt doanh thu 34.441 tỷ đồng, giảm 12% so với cùng kỳ 2021. Lợi nhuận sau thuế ở mức âm 1.786 tỷ đồng, giảm 117% so với cùng kỳ năm trước.

Lũy kế 9 tháng, Hòa Phát đạt 116.559 tỷ đồng doanh thu và 10.443 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt đạt 76% và 39% kế hoạch năm. Lĩnh vực thép và sản phẩm liên quan đóng góp trên 90% doanh thu và lợi nhuận toàn tập đoàn thép này.

Tính trong 15 năm qua, đây chỉ mới là quý lỗ thứ 2 của Tập đoàn này. Theo lý giải, kết quả kinh doanh sụt giảm trên là do nhu cầu thép suy yếu ở cả trong nước và thế giới, giá nguyên vật liệu trong đó đặc biệt là giá than cao gấp ba lần so với thời điểm bình thường, tín dụng thắt chặt, tỷ giá và lãi suất tăng mạnh.

Không chỉ Tập đoàn Hòa Phát, hàng loạt doanh nghiệp lớn khác trong ngành tôn thép như: VNSteel, Nam Kim, Hoa Sen, Thép Miền Nam… cũng bị lỗ nặng trong quý III vừa qua.

Công ty CP Thép Nam Kim ghi nhận doanh thu thuần gần 4.400 tỷ đồng trong quý vừa qua, giảm mạnh so với mức 7.500 tỷ đồng của cùng kỳ năm ngoái. Việc sản lượng và giá bán cùng giảm khiến Thép Nam Kim bị lỗ 348 tỷ đồng trong quý 3/2022, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi 584 tỷ đồng.

Với Tập đoàn Hoa Sen Group, quý 3 mức lỗ ròng đến 887 tỷ đồng. Doanh thu thuần của công ty đạt 7.939 tỷ đồng, giảm đến một nửa so với mức hơn 15.700 tỷ đồng ở cùng kỳ năm ngoái. Tính chung trong 9 tháng đầu năm nay, Hoa Sen Group đạt hơn 50.000 tỷ đồng doanh thu, tăng nhẹ so với năm trước nhưng lợi nhuận ròng chỉ còn 251 tỷ đồng, giảm 94%.

Bình ổn dịp cuối năm

Điểm sáng trong quý III/2022 vừa qua đó là tình trạng tồn kho đã giảm so với quý trước đó. Trong quý II/2022, ngành thép tồn kho kỷ lục hơn 110.000 tỷ đồng, tăng 20.000 tỷ đồng so với cuối quý I. Tuy nhiên, tổng lượng tồn kho toàn ngành đã giảm mạnh (khoảng 25.000 tỷ) trong quý III, ước tính còn 85.000 tỷ đồng, thấp nhất trong vòng 5 quý trở lại đây.

Trong quý III, Tập đoàn Hòa Phát ghi nhận lượng tồn kho giảm gần 13.700 tỷ đồng so với quý trước. Tuy nhiên, tồn kho của doanh nghiệp này vẫn chiếm quá nửa trong tổng lượng tồn kho của toàn ngành thép thời điểm 30/9, với giá trị gần 44.000 tỷ đồng (đã bao gồm trích lập dự phòng giảm giá gần 900 tỷ). Hoa Sen Group, VNSteel, Pomina, Thép SMC là những doanh nghiệp có lượng tồn kho giảm đến đến hàng nghìn tỷ sau quý vừa qua.

Tổng lượng tồn kho toàn ngành đã giảm mạnh (khoảng 25.000 tỷ) trong quý 3. Ảnh: SMC
Tổng lượng tồn kho toàn ngành đã giảm mạnh (khoảng 25.000 tỷ) trong quý 3. Ảnh: SMC

Trước thực trạng nhiều vật liệu xây dựng không ngừng tăng giá trong mùa cao điểm cuối năm, ảnh hưởng tới tiến độ xây dựng của nhiều công trình, Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành có giải pháp quản lý, bình ổn.

Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá, về công tác quản lý, điều hành giá cả hàng hóa, giá vật liệu xây dựng dịp cuối năm và Tết Nguyên đán. Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương căn cứ dư địa lạm phát để chủ động chuẩn bị tốt các phương án điều hành giá những mặt hàng Nhà nước định giá, đánh giá kỹ tác động để điều chỉnh phù hợp với diễn biến, mặt bằng giá thị trường.

Theo đó, các bộ, ngành, địa phương có trách nhiệm theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng thuộc lĩnh vực quản lý tại từng thời điểm để có biện pháp điều hành phù hợp; chủ động tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh. Trong lưu thông, để chuẩn bị các nguồn hàng dự trữ, bình ổn giá cả thị trường nhất là dịp cuối năm 2022 và dịp Tết Nguyên đán sắp tới, cần ưu tiên đảm bảo cân đối cung - cầu thị trường vật liệu xây dựng.

Bên cạnh các mặt hàng vật liệu xây dựng, Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo theo dõi các loại hàng hóa, dịch vụ quan trọng, thiết yếu khác như xăng dầu, lương thực, thực phẩm, dịch vụ vận tải, hàng hóa tiêu dùng thiết yếu có nhu cầu tăng cao vào dịp cuối năm.

Ngoài ra, Phó Thủ tướng yêu cầu tổ chức thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, khắc phục những điểm còn hạn chế, bất cập, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá; giám sát chặt chẽ biến động giá các mặt hàng thiết yếu để có giải pháp quản lý, điều hành, bình ổn giá phù hợp.

Trước đó, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cũng đã có chỉ đạo yêu cầu Bộ Xây dựng hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các địa phương xây dựng, công bố giá và chỉ số giá các loại vật liệu xây dựng theo đúng quy định của pháp luật về quản lý chi phí đầu tư xây dựng, bảo đảm đầy đủ thông tin của vật liệu cho công trình xây dựng.