Tuy nhiên, do trạm trung chuyển nước sạch xã Vĩnh Quỳnh không đáp ứng được nhu cầu nên nhiều hộ vẫn buộc phải sử dụng nước giếng khoan.
Mạng lưới đường ống xuống cấp
Năm 1997, xác định nguồn nước ngầm gần nghĩa trang Văn Điển bị ô nhiễm nên UBND huyện Thanh Trì đầu tư gần 5 tỷ đồng xây trạm trung chuyển và mạng lưới ống cấp nước sạch tại xã Vĩnh Quỳnh rồi giao cho Xí nghiệp Môi trường Đô thị Thanh Trì cùng UBND xã cấp nước đến từng hộ dân. Được một thời gian, UBND xã bàn giao cho tổ dịch vụ nước sạch quản lý, vận hành trạm trung chuyển để cấp nước cho các hộ. Do mạng lưới ống cấp nước được thiết kế phục vụ cho 13.000 nhân khẩu của 3.000 hộ thời điểm trước năm 2000, nhưng đến nay, dân số đã tăng lên 23.000 nhân khẩu nên không thể đáp ứng được nhu cầu sử dụng nước sạch.
Bên cạnh đó, do mạng lưới ống cấp nước sạch làm bằng gang đã lạc hậu, được lắp đặt bám đường giao thông về phía mương thủy lợi và gần cống thoát nước thải nằm chìm dưới đất nên mỗi khi ống bị vỡ rất khó phát hiện để khắc phục hậu quả khiến bùn, đất tràn vào bên trong. Trước thực trạng xuống cấp của hệ thống ống cấp nước sạch, năm 2010, UBND huyện và UBND xã đầu tư hàng tỷ đồng để cải tạo mạng lưới ống cấp nước và mua máy bơm mới. Tuy nhiên, đến nay vẫn không thể đáp ứng được nhu cầu sử dụng nước sạch khiến tình trạng vỡ ống thường xuyên xảy ra, gây tổn thất rất lớn lượng nước. Do vậy, tổ dịch vụ nước sạch của xã đã đề nghị thu tiền nước cao hơn quy định để bù lỗ cho tổn thất. Người dân và UBND xã đã chấp thuận để tổ dịch vụ nước sạch thu 9.000 đồng/m3³ nước, vượt giá quy định của UBND TP 3.900 đồng/m3³³. Để hoàn thành tiêu chí xây dựng nông thôn mới, cuối năm 2013, UBND xã triển khai xây dựng đường giao thông đã phát hiện nhiều đoạn ống nằm sâu dưới đất bị vỡ gây tổn thất nước sạch và ô nhiễm nguồn nước. Do nguồn nước không đảm bảo dẫn đến từ chỗ với hơn 2.000 hộ được sử dụng nước sạch, hiện chỉ còn 600 hộ.
Năng lực tài chính doanh nghiệp có vấn đề?
Trước thực trạng trên, người dân và cán bộ địa phương đề nghị UBND huyện và UBND TP tìm giải pháp khắc phục tình trạng thiếu nước sạch. Ngày 18/11/2013, UBND TP có Quyết định số 6945/QĐ-UBND phê duyệt dự án (DA) xây dựng hệ thống cấp nước sạch xã Vĩnh Quỳnh với tổng mức đầu tư 125.640 triệu đồng, giao cho Công ty CP Đầu tư xây dựng và Kinh doanh nước sạch (VIWACO) làm chủ đầu tư thi công đến hết năm 2015 phải hoàn thành. Cùng thời gian này, UBND xã Vĩnh Quỳnh đề nghị VIWACO phối hợp lắp đặt mạng lưới ống cấp nước mới, tránh trường hợp khi đường làm xong lại đào xới để lắp đặt ống nước sẽ gây hư hỏng đường, nhưng Công ty không hợp tác.
Bà Nguyễn Huyền Phương, thôn Quỳnh Đô cho rằng: “Vì nguồn nước không đảm bảo nên nhà tôi và nhiều hộ đã dừng sử dụng nước do tổ dịch vụ nước sạch và Xí nghiệp Môi trường Đô thị Thanh Trì cung cấp. Khi nghe tin Nhà nước và DN chuẩn bị đầu tư xây dựng trạm trung chuyển và mạng lưới ống cấp nước mới, mọi người rất phấn khởi. Song, không hiểu lý do gì mà đến nay, DA vẫn chưa được triển khai để cung cấp nguồn nước đảm bảo cho người dân. Vậy, nhà tôi và nhiều hộ dân khác sẽ tiếp tục phải sử dụng nước bẩn hoặc mua nước sạch giá cao đến bao giờ?”.
Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Quỳnh Nguyễn Đình Hiếu cho rằng, cuối năm 2013, VIWACO đã tiến hành lập hồ thiết kế chi tiết sơ đồ hệ thống ống cấp nước. Nhưng suốt thời gian qua, DA vẫn chưa được triển khai nên người dân và UBND xã đã kiến nghị với các cấp, ngành. Qua đó, ngày 5/11/2014, VIWACO có Văn bản số 1163/NS-TT gửi UBND huyện và UBND xã với nội dung: “Do áp lực cấp nước tại điểm đầu nguồn sông Đà giảm nên để có thể cấp nước cho các hộ tại xã cần thiết phải có trạm bơm tăng áp”. Bởi vậy, Công ty đề xuất mượn trạm bơm tăng áp của xã Vĩnh Quỳnh. Ông Hiếu khẳng định: “UBND xã và tổ dịch vụ nước sạch đồng ý cho mượn trạm bơm tăng áp, nhưng VIWACO vẫn chưa đưa ra được giải pháp khả thi để sử dụng trạm bơm. Việc cần thiết hiện nay là Công ty nên phối hợp để lắp đặt đường ống cấp nước mới khi địa phương đang xây dựng đường giao thông”.
Ông Phạm Hùng Tiến - Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì khẳng định: “Việc DN mượn trạm bơm tăng áp của một số xã, trong đó có xã Vĩnh Quỳnh để cung cấp nước sạch cho các hộ dân chỉ là giải pháp tạm thời, không đảm bảo được lâu dài. Trước sự thiếu phối hợp của DN trong việc triển khai DA đã được phê duyệt, ngày 24/11/2014, UBND huyện có Văn bản số 2579/UBND-QLĐT gửi UBND TP và các sở, ngành liên quan đề nghị chỉ đạo DN khởi công DA như đã cam kết. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa thấy hồi âm”. Và ông Tiến đặt nghi vấn, phải chăng năng lực tài chính của DN có vấn đề?
Báo Kinh tế & Đô thị sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.
Ông Nguyễn Đình Tuấn - tổ dịch vụ nước sạch xã Vĩnh Quỳnh và những đoạn ống nước bị vỡ.
|