Hàng ngàn người khuyết tật được tạo sinh kế ổn định

Trần Oanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Dự án “Thúc đẩy phát triển hòa nhập của người khuyết tật (NKT) và xây dựng cộng đồng thích ứng với thiên tai và biến đổi khí hậu (BĐKH) tại huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình” đã đem đến sinh kế cho hàng ngàn NKT và gia đình họ. NKT có thể tham gia một cách chủ động và toàn diện vào phòng chống thiên tai và BĐKH.

Người khuyết tật được đào tạo nghề, có thu nhập

Ngày 11/1/2022, tại Hội thảo “Thúc đẩy phát triển hòa nhập của NKT và xây dựng cộng đồng thích ứng với thiên tai và biến đổi khí hậu”, Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV) đã tổng kết dự án “Thúc đẩy phát triển hòa nhập của NKT và xây dựng cộng đồng thích ứng với thiên tai và BĐKH tại huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình”.

Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Văn Hồi khẳng định, người khuyết tật có thể tham gia rất hiệu quả trong lập kế hoạch phòng chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Văn Hồi khẳng định, người khuyết tật có thể tham gia rất hiệu quả trong lập kế hoạch phòng chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Sau hơn 4 năm thực hiện, dự án đã thay đổi toàn diện cách nhìn của cộng đồng và chính quyền về vai trò của NKT trong phòng chống thiên tai và biến đổi khí hậu, khi họ thấy NKT có thể tự quản lý được sinh kế của mình theo hướng bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu. Đặc biệt, NKT có thể chủ động tham gia lập kế hoạch phòng chống thiên tai và BĐKH cấp địa phương, thực hiện giám sát thực hiện các kế hoạch đó.

Chị Đinh Thị Yến ở thôn Nga 2, xã Cúc Phương, huyện Nho Quan chia sẻ: Nhờ dự án, tôi và những NKT không còn mặc cảm hay tự ti khi ra xã hội. Chúng tôi hào hứng tham gia, đóng góp ý kiến tại các buổi họp, hoạt động tại cộng đồng. Tôi và những NKT đã hiểu và biết được các rủi ro thiên tai có thể xảy ra ở địa phương và cách phòng tránh, chủ động chuẩn bị cách ứng phó, những địa điểm tránh trú an toàn, biết liên hệ với cá nhân, đơn vị có trách nhiệm khi thiên tai xảy ra.

Các đại biểu tham gia Hội thảo Thúc đẩy phát triển hoà nhập của người khuyết tật và xây dựng cộng đồng thích ứng với thiên tai và biến đổi khí hậu.
Các đại biểu tham gia Hội thảo Thúc đẩy phát triển hoà nhập của người khuyết tật và xây dựng cộng đồng thích ứng với thiên tai và biến đổi khí hậu.

“Đây là dự án thiết thực và hiệu quả, mang lại nhiều thay đổi tích cực về nhận thức của chính quyền và địa phương trong việc xây dựng dự án phòng chống thiên tai, trong đó có sự tham gia của NKT” Phó Chủ tịch UBND huyện Nho Quan Đinh Văn Trang cho hay.

Từ dự án này, các HTX May, HTX Bèo bồng xuất khẩu, HTX Nuôi ong lấy mật do NKT và gia đình họ làm chủ đã được trang bị các kỹ năng cần thiết để có thể tự tin phát triển bền vững trong thị trường. Đã có hơn 1,5 tỷ đồng được trao để xây dựng và phát triển 3 hợp tác xã (HTX). Và, nhiều hỗ trợ được trao bằng tiền mặt, tập huấn, kết nối thị trường, trang thiết bị sản xuất. Sau hơn 3 năm thành lập, đã có 133 thành viên của các HTX đều đi từ không có đến có thu nhập từ 800.000 đến 3 triệu đồng/người/tháng. Không những vậy, NKT từng bước tự chủ về kinh tế cho mình và gia đình.

Không chỉ vậy, các khóa tập huấn, trợ giúp tâm lý và pháp lý, hoạt động tạo thu nhập của dự án đã hỗ trợ trực tiếp cho hơn 2.500 NKT và gia đình họ ở huyện Nho Quan có cuộc sống hài hòa ổn định và tiếng nói mạnh mẽ trong cộng đồng.

Mô hình hay cần nhân rộng

Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ AFV Tạ Việt Anh cho biết: Mặc dù Quỹ AFV có nhiều chương trình dự án lớn, tuy nhiên đây là dự án lớn đầu tiên có nhiều hoạt động đòi hỏi kỹ thuật chuyên sâu và xây dựng hợp tác với nhiều bên liên quan. Sau 4 năm triển khai dự án, theo tôi, điều đọng lại chính là câu chuyện về sinh kế cho NKT, đặc biệt là phụ nữ khuyết tật thuộc diện nghèo, cận nghèo, dân tộc thiểu số. Những NKT đã có thể tự chủ được nguồn thu nhập cho bản thân và gia đình ngày càng ổn định. Vì vậy, NKT ngày càng tự tin, xóa bỏ đi những mặc cảm và hòa nhập cộng đồng, xã hội.

Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ AFV Tạ Việt Anh cho biết: Sau 4 năm triển khai dự án, theo tôi, điều đọng lại chính là câu chuyện về sinh kế cho người khuyết tật, đặc biệt là phụ nữ khuyết tật thuộc diện nghèo, cận nghèo, dân tộc thiểu số.
Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ AFV Tạ Việt Anh cho biết: Sau 4 năm triển khai dự án, theo tôi, điều đọng lại chính là câu chuyện về sinh kế cho người khuyết tật, đặc biệt là phụ nữ khuyết tật thuộc diện nghèo, cận nghèo, dân tộc thiểu số.

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Văn Hồi khẳng định, NKT có thể tham gia rất hiệu quả trong lập kế hoạch phòng chống thiên tai và thích ứng với BĐKH. Nếu các địa phương lồng ghép kế hoạch này vào kế hoạch phát triển kinh tế xã hội địa phương thì NKT có thể tham gia thực hiện và giám sát thực hiện các kế hoạch này một cách hài hòa và bền vững”.

Nhờ có dự án nhiều người khuyết tật ở huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình đã có việc làm, mức thu nhập tới 3 triệu đồng/người/tháng.
Nhờ có dự án nhiều người khuyết tật ở huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình đã có việc làm, mức thu nhập tới 3 triệu đồng/người/tháng.

Từ những kế quả của dự án “Thúc đẩy phát triển hòa nhập của NKT và xây dựng cộng đồng thích ứng với thiên tai và BĐKH tại huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình”, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội, Bộ LĐTB&XH Phạm Thị Hải Hà cũng khẳng định dự án là mô hình hay cần nhân rộng trong toàn quốc đối với hội NKT các cấp. Đặc biệt, dự án không chỉ mang hiệu quả hiện tại mà lâu dài, đặc biệt là tạo nghề nghiệp, sinh kế, ứng phó với BĐKH cho NKT... Trên cơ sở bài học triển khai dự án này, chúng ta sẽ ứng dụng, cải tiến cho phù hợp với tình hình các địa phương khác để NKT chủ động ứng phó với tác động của thiên tai, BĐKH...