Hàng nghìn thuê bao di động có nguy cơ bị thu hồi số

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Đây không phải là lần đầu tiên việc khai báo thông tin sai của thuê bao trả trước bị phát hiện. Ít nhất 2 lần, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tiến hành thanh tra các vi phạm kiểu này.

Gần 4 năm triển khai quy định "trói" thuê bao trả trước, nhà mạng vẫn thu về kho dữ liệu cá nhân ảo. Ít nhất 35.000 thuê bao đang hoạt động đối diện với nguy cơ bị thu hồi do vi phạm quy định về thông tin đăng ký.

Mới đây, Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM tiến hành thanh tra việc thực hiện quy định về quản lý thuê bao di động trả trước. Kết quả cho thấy có hơn 35.000 thuê bao nằm trong danh sách đen do vi phạm các quy định về độ chính xác của thông tin. Cơ quan này đã phát đi khuyến cáo và yêu cầu các hãng viễn thông tiến hành cắt liên lạc với các thuê bao bị phát hiện vi phạm trên.

Đây không phải là lần đầu tiên việc khai báo thông tin sai của thuê bao trả trước bị phát hiện. Ít nhất 2 lần, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tiến hành thanh tra các vi phạm kiểu này. Hồi cuối tháng 7, Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông cũng chuyển dữ liệu của hơn 4 triệu thuê bao trả trước sang cơ quan công an để đối chiếu, kiểm soát. Tuy nhiên, kết quả cuối cùng hiện chưa được công bố.

Theo quy định, việc kích hoạt dịch vụ di động trả trước cho thuê bao khi chính chủ chưa thực hiện việc đăng ký thông tin theo quy định và lưu thông những sim đã được kích hoạt sẵn đều không được phép. Mỗi người chỉ được sở hữu tối đa 3 sim tại một mạng. Các thuê bao cá nhân phải khai báo đầy đủ số máy, họ tên, ngày tháng năm sinh, số chứng minh thư nhân dân hoặc hộ chiếu. Thời điểm 31/12/2009, ngày chốt thuê bao di động trả trước đã có hàng nghìn người đến các điểm giao dịch của nhà mạng để đăng ký.

Tuy nhiên, sau đó, tình trạng thuê bao ảo vẫn tiếp tục tái diễn vì không phải khách hàng nào cũng tuân thủ quy định. Thực tế, người tiêu dùng hiện nay có thể dễ dàng mua một chiếc sim di động tại rất nhiều đại lý mà không cần đăng ký bất kỳ thông tin cá nhân nào. Phổ biến nhất là với loại sim di động 11 số có giá siêu rẻ như sim MobiFone giá 45.000 đồng, tài khoản 165.000 đồng, sim Viettel giá 48.000 đồng, tài khoản 115.000 đồng, sim VinaPhone có giá 50.000 đồng với tài khoản 158.000 đồng...

Hiện nay, việc đăng ký thông tin khi mua sim trả trước theo đúng quy định gần như chỉ được áp dụng tại các điểm giao dịch của nhà mạng. Con số những trụ sở này lại chiếm tỷ lệ không lớn so với các cửa hàng, đại lý sim thẻ tự do.

Bên cạnh đó, một bộ phận người tiêu dùng lại tỏ ra ngạc nhiên khi vô tình phát hiện ra thông tin thuê bao của mình không chính xác, dù đã đăng ký cẩn thận khi đi mua sim. Chị Hồng, một nhân viên văn phòng tại Hà Nội chia sẻ, khi kiểm tra, chị mới tá hỏa khi thấy trong hệ thống của nhà mạng, năm sinh của chị là 1900. "Tên, số chứng minh thư đều đúng, nhưng tôi mới 30 tuổi, nay lại thành hơn 100 tuổi, không biết phải làm sao, nếu để lâu có khi lại bị thu hồi", chị Hồng nói.

Lãnh đạo một hãng viễn thông chia sẻ quy định đã có, nhà mạng cũng muốn thực hiện. Thế nhưng, cái khó là cơ sở dữ liệu về chứng minh thư điện tử chưa được phía Bộ Công an cung cấp. Vì vậy, khi số liệu cá nhân của khách hàng trong tay, nhà mạng cũng không có cơ sở để đối chiếu.

Đại diện VinaPhone cũng cho hay thời gian qua, hãng cũng có văn bản gửi tới các đại lý chấn chỉnh hoạt động quản lý thông tin cá nhân thuê bao. Bản thân hãng cũng gửi tin nhắn kèm theo các cú pháp để khách hàng tiện kiểm tra lại dữ liệu cá nhân. Tuy nhiên, không phải khách hàng và đại lý nào cũng tuân thủ các quy định này.

Theo bà, tại thời điểm này nếu thuê bao di động phát hiện thông tin cá nhân của mình chưa đúng có thể đến ngay cửa hàng, đại lý để khai báo. Cách thức này vừa hạn chế cho khách chuyện tranh chấp sim số và giảm được nguy cơ bị cắt liên lạc bất cứ lúc nào.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần