Hàng nhái âm thầm chiếm lĩnh chợ nông thôn

Thiện Quang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiều mặt hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ dưới dạng nhái các thương hiệu nổi tiếng đang âm thầm chiếm lĩnh các chợ nông thôn, nhất là những vùng xa trung tâm là thực trạng đáng lo ngại hiện nay.

Mất niềm tin
Chợ phiên Hát Môn, xã Hát Môn, huyện Phúc Thọ cứ 5 ngày một phiên hoạt động khá nhộn nhịp. Hàng hóa được bày bán la liệt, đủ loại từ các mặt hàng thực phẩm, đồ khô đến quần áo, bát đĩa, đồ gia dụng. Bên ngoài mặt đường lớn, một chiếc xe tải bán đồ gốm sứ đông nghịt khách mua bởi giá “siêu rẻ”, chỉ 15.000 đồng/bộ ấm chén uống trà cỡ to, 3.000 đồng/lọ hoa, 4.000 đồng/bát tô loại lớn… Theo người bán hàng, đây là hàng “vét kho” của các xưởng gốm Bát Tràng, Chu Đậu (!). Tuy nhiên, trên hầu hết các sản phẩm không có dòng chữ nào thể hiện điều này. Ngay cạnh đó, hàng chăn ga gối đệm cũng đông không kém do thời tiết bắt đầu chuyển mùa lạnh. Dù trên sản phẩm còn nguyên dòng chữ Trung Quốc hay “nhái” thương hiệu nước ngoài như Dior nhưng người bán hàng vẫn một mực khẳng định là hàng lấy từ làng nghề ở Thường Tín. “Tôi biết là chăn Trung Quốc mới rẻ như thế, nhưng ở nông thôn giá rẻ thì mới có người mua” – chị Hà, xã Hát Môn chia sẻ.
 Mua bán tại chợ Hát Môn, xã Hát Môn, huyện Phúc Thọ. Ảnh: Quang Thiện
Về chợ Gối, xã Tân Hội, huyện Đan Phượng, quần áo và thực phẩm là những mặt hàng chiếm lĩnh phần lớn trong chợ. Khu bán thực phẩm được bố trí ở một góc riêng, trong đó các sạp bán hoa quả tràn ngập các loại trái cây như táo, lê, cam, quýt, lựu… không rõ nguồn gốc xuất xứ. Tương tự, đi tiếp một vòng quanh chợ Giang, xã Đức Giang, huyện Hoài Đức, có thể nhận thấy mặt hàng chiếm ưu thế cũng là quần áo và thực phẩm. Dù diện tích không quá lớn nhưng hoạt động mua bán của chợ Giang diễn ra khá sôi động. Nhiều mặt hàng quần áo, đồ gia dụng, bát đũa được gắn mác chữ Trung Quốc. Bà Đỗ Thị Thu, thị trấn Trạm Trôi chia sẻ, đi chợ bây giờ chỉ tin tưởng được 50%, nhất là thực phẩm chỉ dám mua ở chỗ quen.
Theo thống kê, toàn huyện Hoài Đức có 15 chợ hạng 3 theo phân cấp của UBND TP với diện tích từ hơn 500 – 10.000m2. Trong đó lớn nhất là chợ Sấu (xã Dương Liễu) với hơn 800 hộ kinh doanh, chợ Vạng (xã Song Phương) có 450 hộ kinh doanh và chợ Đông Lao (xã Đông La) với 200 hộ kinh doanh. Trong 9 tháng năm 2016, Đội Quản lý thị trường số 24, đơn vị đóng chân trên địa bàn huyện Hoài Đức đã triển khai công tác chống buôn lậu, hàng cấm, hàng giả, trong đó tập trung kiểm tra tại các chợ, trung tâm thương mại, nhất là đối với các mặt hàng mỹ phẩm, quần áo, thực phẩm chức năng… Qua kiểm tra, Đội đã phát hiện 7 vụ hàng lậu, phạt hành chính hơn 31 triệu đồng và tiêu hủy hàng hóa trị giá hơn 59,3 triệu đồng.
Tăng cường cam kết
Hiện nay, ở nông thôn, phần lớn người dân vẫn có thói quen đi chợ để mua sắm quần áo, đồ gia dụng, thực phẩm cho gia đình. Tuy nhiên, do hiểu biết về sản phẩm cũng như mức thu nhập còn hạn chế nên không tránh khỏi trường hợp người dân mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng tại các chợ nông thôn. Đặc biệt sẽ nguy hiểm hơn nếu người tiêu dùng mua phải lương thực thực phẩm, trái cây không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo ATTP, tiêu chuẩn chất lượng. Trong khi đó, việc kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh tại các chợ nông thôn vẫn còn những hạn chế nhất định, một phần do lực lượng mỏng, một phần do các hộ kinh doanh chủ yếu là nhỏ lẻ, hoạt động theo thời vụ, không ổn định.
Ông Tô Sơn Hồng – Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 24 cho biết, sản phẩm bán chủ yếu ở các chợ trên địa bàn là quần áo, tạp phẩm, tạp hóa, trong đó quần áo chủ yếu có nguồn gốc từ các chợ Ninh Hiệp, Đồng Xuân. Đội Quản lý thị trường số 24 đã tích cực phối hợp với Ban Quản lý các chợ, lực lượng thú y, thuế kiểm tra hoạt động kinh doanh. Phần lớn các hộ đã chấp hành việc đăng ký kinh doanh, đăng ký mặt hàng bán, tuy nhiên có nguy cơ mạo danh các thương hiệu lớn trong lĩnh vực quần áo, giày dép… “Điều quan trọng nhất hiện nay là tập trung kiểm soát mặt hàng nông sản thực phẩm tại các chợ, tránh hàng giả, kém chất lượng để đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng” – ông Hồng cho biết.
Trong bối cảnh hiện nay, để ngăn ngừa hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng lưu hành tại các chợ nông thôn, các địa phương cần triển khai tuyên truyền, đề nghị hộ kinh doanh ký cam kết bán hàng đảm bảo rõ nguồn gốc xuất xứ và chất lượng. Đồng thời tuyên truyền thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân, quan tâm tới nguồn gốc xuất xứ, chất lượng sản phẩm thay vì chỉ chú trọng tới yếu tố giá cả.