Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hàng nội chiếm lĩnh thị trường

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sở Công Thương Hà Nội cho biết, chuẩn bị cho Tết Ất Mùi 2015, ngành đã có kế hoạch tổ...

Kinhtedothi - Sở Công Thương Hà Nội cho biết, chuẩn bị cho Tết Ất Mùi 2015, ngành đã có kế hoạch tổ chức 600 điểm bán hàng bình ổn giá, 200 chuyến hàng lưu động, đưa hàng thiết yếu về khu vực nông thôn, khu công nghiệp, khu chế xuất.

Phát huy chương trình bình ổn thị trường

Trên địa bàn Hà Nội, nhiều DN, siêu thị đóng vai trò chủ lực trong việc cung cấp hàng Tết đã sẵn sàng cho mùa phục vụ khách hàng quan trọng nhất trong năm. Dù chưa được rầm rộ vì thời gian tới Tết vẫn còn khá dài, nhưng tại các siêu thị, một số mặt hàng như bánh mứt, hạt điều, hạt dưa, hạt bí… cũng đã được chưng đầy đủ lên các kệ hàng.

Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền - phụ trách truyền thông Big C miền Bắc cho hay, đến thời điểm này, siêu thị đã hoàn thiện các kế hoạch, công tác chuẩn bị, dự trữ hàng hóa. Theo đó, Big C tập trung bán các mặt hàng phục vụ Tết như lương thực, thực phẩm tươi sống, thủy, hải sản, bánh kẹo, đồ uống, quà tặng, đồ gia dụng... Các mặt hàng thực phẩm truyền thống như bánh chưng, giò, nem, phở, mứt Tết... cũng được chuẩn bị khá chu đáo. Ngoài ra, một số mặt hàng thiết yếu nằm trong chương trình bình ổn giá như gạo, dầu ăn, đường, thực phẩm chế biến... cũng được đơn vị dự trữ với số lượng lớn.

 
Hàng nội chiếm lĩnh thị trường - Ảnh 1
Hệ thống siêu thị Intimex cũng triển khai chính sách “giá tốt”, chương trình khuyến mại kích cầu, quản lý chặt chẽ chất lượng đầu vào, tăng cường thêm nhiều dịch vụ hỗ trợ và chế độ hậu mãi… tạo ra thật nhiều tiện nghi tốt nhất cho người dân đến mua hàng.

Chợ tăng, siêu thị ổn định

Bất chấp sức mua trên thị trường còn khá chậm, nguồn cung dư thừa, giá xăng dầu giảm, song như một “truyền thống”, cứ vào dịp gần Tết là nhiều mặt hàng thiết yếu lại có xu hướng tăng giá.

Giá xăng sau lần điều chỉnh gần đây nhất chỉ còn 17.570 đồng/lít, nhưng khảo sát thị trường cho thấy, tại các chợ dân sinh trên địa bàn Hà Nội, hầu hết các mặt hàng đều không có dấu hiệu giảm giá. Cá biệt, một số ít mặt hàng còn có xu hướng tăng như hàng thực phẩm, rau quả với lý do thời tiết không thuận lợi. Trong khi đó, các mặt hàng như tôm khô, cá khô, mực một nắng các loại cũng như hạt điều, hạt dẻ, măng khô, nấm hương… cũng nhích giá thêm trong khoảng 5.000 - 15.000 đồng/kg, ngay cả khi sức mua năm nay khá yếu.
Chị Hồng Lan, hộ kinh doanh lâu năm tại chợ Thành Công thừa nhận: Thời điểm cuối năm, giá các mặt hàng bao giờ cũng nhích lên. Việc tăng giá không phụ thuộc vào tình trạng thiếu hay đủ hàng mà cứ theo quy luật tăng dịp cuối năm. “Chẳng hạn như giá bia lon nguyên thùng tại một số cửa hàng bắt đầu nhích nhẹ trong khoảng 5.000 - 7.000 đồng/thùng. Từ nay đến Tết Nguyên đán, khi lượng cầu tăng lên, có thể giá nhiều loại hàng còn bị đẩy lên cao nữa” - chị Lan quả quyết.

Tuy nhiên, tại một số siêu thị lớn như: Big C, Fivimart, Intimex, giá hàng hóa hầu như không có biến động lớn. Đại diện một số siêu thị cho biết: Nguyên nhân là do có tới 90% hàng hóa là ký gửi của nhà cung cấp, 10% hàng hóa còn lại do các siêu thị tự thu mua. Siêu thị chỉ hưởng hoa hồng trên giá bán, việc thỏa thuận giảm giá rất khó khăn.

Điểm đặc biệt trên thị trường hàng hóa Tết năm nay, các mặt hàng sản xuất trong nước chiếm tỷ lệ lớn, hơn 90% trong tổng lượng hàng hóa lại có mẫu mã, bao bì được cải tiến khá bắt mắt. Chủ một cửa hàng chuyên bán bánh, mứt, kẹo trên phố Hàng Buồm cho biết, chất lượng, nguồn gốc xuất xứ, giá cả… chính là lý do để hàng nội chiếm được niềm tin của người tiêu dùng.