Hàng nội làm “mới” để hút khách

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại nhiều siêu thị, trung tâm thương mại (TTTM) trên địa bàn Hà Nội, trong khi các mặt hàng gia dụng nhập khẩu (NK) khá đa dạng thì sản phẩm do DN trong nước sản xuất lại khá khiêm tốn cả về đầu mặt hàng, mẫu mã để người tiêu dùng (NTD) lựa chọn.

Thậm chí, nhiều mặt hàng gia dụng DN trong nước hoàn toàn có thể sản xuất với chất lượng không hề kém hàng NK nhưng các siêu thị, TTTM vẫn phải nhập từ nước ngoài.
Lựa chọn hàng gia dụng tại siêu thị HC 102 Thái Thịnh. Trong ảnh: Hàng gia dụng tại các siêu thị vẫn chủ yếu là của nước ngoài.  Ảnh: Thanh Hải
Lựa chọn hàng gia dụng tại siêu thị HC 102 Thái Thịnh. Trong ảnh: Hàng gia dụng tại các siêu thị vẫn chủ yếu là của nước ngoài. Ảnh: Thanh Hải
Nguyên nhân của tình trạng này bởi vẫn còn tâm lý sính ngoại, và các DN trong nước chưa thay đổi tư duy, cũng như chưa biết xây dựng thương hiệu cho sản phẩm của mình. Theo ghi nhận của phóng viên báo Kinh tế & Đô thị tại một số hệ thống siêu thị trên địa bàn Hà Nội, nhiều mặt hàng gia dụng như nồi, xoong, chảo, bình đun nước… đều có xuất xứ từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản... NTD khó tìm thấy những mặt hàng này có xuất xứ trong nước. Nếu muốn mua sản phẩm đồ gia dụng do DN trong nước sản xuất, NTD chỉ có thể đến các cửa hàng, đại lý trên các phố hoặc tại các chợ truyền thống chuyên kinh doanh mặt hàng này.

Vẫn còn tư tưởng sính ngoại

Thực tế cho thấy, không ít mặt hàng nhập ngoại hoàn toàn có thể thay thế bằng hàng nội mà chất lượng và giá thành khá hợp lý. Nhiều ý kiến cho rằng, chính tâm lý sính ngoại của NTD, khả năng cạnh tranh hạn chế của DN trong nước… đã vô hình chung tạo điều kiện cho hàng ngoại lấn lướt hàng nội.

Trưởng sàn gia dụng Siêu thị HC 102 Thái Thịnh Trần Ngọc Long nhận định, thị trường đồ gia dụng so với các năm từ đầu mùa đến nay không có nhiều biến động lớn. Tuy nhiên, các hãng sản xuất đồ gia dụng nước ngoài như Bosch, Steba , Philip, KDK, Panasonic... có sự nghiên cứu khá kỹ về thị trường đã cho ra đời các dòng sản phẩm như quạt đứng, quạt bàn, quạt hơi nước phun sương, máy sinh tố nắp cối, xay đa năng, xay cầm tay... phù hợp với thị hiếu, đánh vào tâm lý của NTD. Trong khi nhiều mặt hàng Việt Nam sản xuất như quạt Vinawin, Điện cơ Thống Nhất, dây điện Lioa, Trần Phú, chảo Sunhouse… dùng bền và rất tốt nhưng ít có sự thay đổi về hình thức, mẫu mã, sự tiện ích nên sức tiêu thụ có phần “lép vế” hơn so với hàng ngoại nhập. Bác Nguyễn Đình Hùng (tập thể Vĩnh Hồ, quận Đống Đa) cho biết, phần lớn đồ gia dụng ở nhà dùng hàng Việt Nam nhưng cũng có sử dụng một số mặt hàng NK. “Tuy nhiên, hàng nội hay ngoại lúc nào cũng đòi hỏi các nhà sản xuất phải luôn cải tiến mẫu mã, chất lượng, biết cách xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm để NTD biết, lựa chọn” - bác Hùng nêu ý kiến.

Thay đổi tư duy

Tại cửa hàng chuyên bán đồ gia dụng từ xô, chậu, giá để bát, đũa đến nồi, xoong, chảo ở chợ Thành Công (Ba Đình, Hà Nội), chị Kim Giang (Giảng Võ) cho biết, từ nhiều năm nay, gia đình chị đa số dùng các sản phẩm ấm đun điện, chậu, xoong chảo, quạt... của các DN trong nước sản xuất vì giá cả hợp lý mà chất lượng khá tốt, so với các mặt hàng gia dụng NK thì cũng chẳng thua kém gì. Chẳng hạn như chiếc bình đun nước siêu tốc của Công ty Trường Lộc có giá hơn 200.000 đồng, chất lượng cũng khá tốt. “Sử dụng các sản phẩm trong nước yên tâm về nguồn gốc xuất xứ, giá cả lại phù hợp với khả năng tài chính của gia đình” - chị Kim Giang nói. Tuy nhiên, chủ cửa hàng ở đây thẳng thắn chia sẻ, dù thời gian gần đây, thị hiếu của NTD đã có nhiều thay đổi, quan tâm nhiều hơn đến sản phẩm do các DN trong nước sản xuất, song khách hàng thường phản ánh về mẫu mã, hình thức nhiều sản phẩm chưa thực sự bắt mắt, ít có sự cải tiến. Vì vậy, các nhà sản xuất cần chú ý đến khâu này để có thêm nhiều NTD lựa chọn.

Thực tế cho thấy, DN trong nước nói chung và DN sản xuất sản phẩm gia dụng nói riêng muốn cạnh tranh, giữ được sân nhà và tiến ra thị trường quốc tế thì phải thay đổi, làm mới mình. Bởi cạnh tranh trong kinh tế thị trường, bên cạnh chất lượng và giá cả hàng hóa thì vấn đề mấu chốt đối với các DN là làm sao tăng năng suất, thường xuyên cải tiến mẫu mã để NTD có nhiều lựa chọn hơn, từ đó dần thay đổi thói quen sính ngoại. Ngoài ra, các nhà sản xuất trong nước phải “bắt tay” nhằm tiết giảm chi phí, tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, nhà sản xuất và nhà bán lẻ hơn lúc nào hết cần có sự liên kết hình thành chuỗi khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ, đặc biệt là kênh bán lẻ nội địa, góp phần nâng sức cạnh tranh cho hàng Việt. Đối với mỗi DN, cũng đã đến lúc cần xây dựng chiến lược quảng bá bài bản hơn cho thương hiệu, sản phẩm của mình. Thực tế thời gian qua cho thấy, dù các sản phẩm gia dụng NK khá nhiều nhưng không ít mặt hàng Việt với ưu điểm mẫu mã đa dạng, phong phú được nhiều NTD lựa chọn như các nhãn hàng: Sunhouse, Goldsun, Asia... Cùng một mặt hàng có chất lượng như nhau nhưng nếu sản phẩm trong nước có giá bán thấp hơn, phù hợp thị hiếu thì chắc chắn NTD sẽ lựa chọn.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần