Hàng rong lại tràn ra phố

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Để xây dựng Thủ đô văn minh, xanh, sạch, đẹp, từ năm 2008, UBND TP Hà Nội đã có Quyết định số 02/2008/QĐ-UBND, cấm bán hàng rong trên 62 tuyến phố và 42 di tích lịch sử văn hóa.

Thời gian đầu, việc triển khai khá tốt, đặc biệt là trong dịp Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Tuy nhiên, thời gian gần đây, hàng rong lại hoạt động tại các tuyến phố cấm.

Ra đường gặp hàng rong

Việc Thành phố ra quyết định cấm bán hàng rong tại 62 tuyến phố và 42 di tích lịch sử văn hóa là chủ trương đúng. Trong thời gian đầu, các phường, quận, lực lượng Công an, Thanh tra GTVT đã ra quân kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm và tình trạng hàng rong hoạt động tại các phố cấm đã cơ bản chấm dứt. Nhưng một năm trở lại đây, khi lực lượng chức năng lơ là, các vi phạm lại xuất hiện tràn lan. Phóng viên đã đi dạo qua hàng loạt các tuyến phố cấm bán hàng rong nhưng hầu hết các tuyến phố đều có hàng rong hoạt động. Cụ thể tại các tuyến phố có mật độ giao thông lớn như Bà Triệu, Nguyễn Chí Thanh, Cầu Giấy, Xuân Thủy… hàng rong vẫn công khai buôn bán, lấn chiếm lòng đường vỉ hè. Cá biệt nhiều người bán rong còn đẩy xe hàng đi ngược chiều gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Trong suốt thời gian phóng viên có mặt tại những tuyến phố cấm bán hàng rong, không hề thấy bóng dáng của lực lượng có chức năng kiểm tra, xử phạt.

Chị Bùi Thị Hà, quê Nam Định, bán hàng rong trên đường Cầu Giấy giãi bày: "Bán hàng rong ở đây là vi phạm qui định của TP Hà Nội, nhưng không  bán thì lấy cái gì mà nuôi con, vào chợ phải nộp phí, nên tối đến đành phải gánh hàng đi bán rong". Cá biệt, tại tuyến đường Lạc Long Quân (đoạn ven Hồ Tây có chiều dài hơn 100m) công trình vừa mới hoàn thành, người dân đã ngang nhiên kẻ vạch phân lô vỉ hè để lấn chiếm vỉ hè. Đến thời điểm này, vỉ hè của đoạn đường trên đã bị người dân lấn chiếm bằng cách dùng sơn trắng ghi tên mình lên vỉ hè để đánh dấu “lãnh thổ”. Những cái tên như Hoàng Anh, Tuấn Híp, Mai, Hùng… được kẻ vẽ trên khá cẩn thận.

Buông lỏng việc kiểm tra, xử phạt

Trên thực tế, trong thời gian qua, cứ mỗi lần lực lượng công an, Thanh tra Sở GTVT và UBND các quận, phường ra quân kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm, trật tự đô thị tại các tuyến phố đều có chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, sau một thời gian các lực lượng trên thiếu kiểm tra y rằng "đâu lại vào đấy". Ông Hoàng Văn Mạnh, Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT nhận định: "Tình trạng bán hàng rong, hàng quán, chợ cóc họp lộn xộn, lấn chiếm vỉa hè, lòng đường đang tái phát trở lại. Chúng ta dễ dàng nhìn thấy những hình ảnh lộn xộn này trên hầu khắp các tuyến phố. Đặc biệt, vào đầu giờ sáng và chiều tối tại Hàng Đào, Hàng Đường, Thái Hà, Chùa Bộc, La Thành, quần áo, giày dép, túi xách, đồ trang sức... được bày la liệt trên vỉa hè lòng đường". Đáng nói hơn, những đối tượng này thường có hành vi đối phó với lực lượng chức năng khi thấy người thi hành công vụ lập tức xách hàng hóa, gánh hàng rong lánh vào ngõ ngách bỏ trốn.

Theo đánh giá của Ban chỉ đạo 197 TP để xảy ra tình trạng hàng rong lấn chiếm hè, phố trước hết là do chính quyền cơ sở ở một số địa bàn thiếu quyết liệt trong chỉ đạo điều hành, công tác tuyên truyền, kiểm tra xử lý bị buông lỏng, lực lượng làm nhiệm vụ trực tiếp còn mỏng, thiếu lực lượng duy trì dẫn tới tình trạng tái phạm, chế tài xử phạt chưa đủ mạnh, chưa đủ sức răn đe. Việc cấm bán hàng rong trên 62 tuyến phố và 42 di tích lịch sử văn hóa đã từng đem lại hiệu quả tạo bộ mặt đô thị khang trang hơn. Nhưng do các lực lượng chức năng đang buông lỏng địa bàn nên vi phạm lại tái diễn. Rất mong UBND TP sớm có những chỉ đạo quyết liệt để chấn chỉnh, tránh tình trạng ra quân rầm rộ rồi sau đó vi phạm lại xuất hiện trở lại.