Hàng "Tàu" sắp tràn vào nhiều hơn

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với 2 lần liên tiếp điều chỉnh tỷ giá đồng NDT đã tạo điều kiện cho hàng Trung Quốc vào Việt Nam thuận lợi hơn trước.

Không chỉ dừng lại ở động thái hạ tỷ giá đồng nhân dân tệ (NDT) ở mức 1,9% vào hôm qua (11/8), tới hôm nay (12/8), Ngân hàng T.Ư Trung Quốc đã tiếp tục hạ giá đồng NDT thêm 1,6%, qua đó đẩy tỷ giá xuống còn 6,3306 NDT đổi được 1 USD. Như vậy, chỉ trong liên tiếp 2 ngày, đồng NDT đã mất giá tới 3,5% so với đồng USD.

Theo giới phân tích, một trong những nguyên nhân chính của 2 lần điều chỉnh tỷ giá liên tiếp này là do Trung Quốc muốn tăng khả năng xuất khẩu khi trong tháng 7 vừa qua, tình hình xuất khẩu của các doanh nghiệp nước này đã giảm tới 8,3% so với cùng kỳ năm trước. Và điều này cũng khiến những quốc gia đang phụ thuộc vào nhập khẩu từ Trung Quốc như Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng lớn.

 
Với mức giá đã rẻ nay lại còn rẻ hơn, hàng Trung Quốc tiếp tục có cơ hội tràn vào Việt Nam nhiều hơn
Với mức giá đã rẻ nay lại còn rẻ hơn, hàng Trung Quốc tiếp tục có cơ hội tràn vào Việt Nam nhiều hơn
Nghiên cứu mới được Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) công bố hồi đầu tháng 8 vừa qua đã cho thấy, hiện chỉ số nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam, tính riêng theo đường chính ngạch, đã tăng ở mức 30%/năm, nhanh hơn nhiều so với xuất khẩu chỉ 20%/năm. Điều này thể hiện rõ qua việc, chỉ trong 6 tháng đầu năm, Việt Nam đã nhập khẩu số lượng hàng hóa lên tới 24,2 tỷ USD thì mới xuất khẩu theo hướng ngược lại có 7,7 tỷ USD, thâm hụt tới 16,5 tỷ USD.

Qua những đợt điều chỉnh tỷ giá đồng NDT lần này có thể khiến số thâm hụt trên còn gia tăng hơn nữa khi hàng hóa của Trung Quốc càng rẻ hơn, mặc dù trước đó cũng đã rẻ hơn đáng kể so với hàng Việt Nam cùng chủng loại. Đặc biệt là ở nhóm hàng tiêu dùng như quần áo, sản phẩm tiêu dùng dưới 3 năm ... Chỉ trong giai đoạn từ 2010 - 2013, trung bình mỗi năm giá trị nhập khẩu hàng của các mặt hàng này đã tăng tới 41,3%.

Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, với việc Trung Quốc liên tiếp phá giá đồng NDT sẽ tạo điều kiện cho hàng hóa xuất khẩu của nước này có nhiều cơ hội để tràn vào Việt Nam hơn. Với mức giá rẻ hơn trước, hàng Trung Quốc sẽ lại tăng mạnh sức cạnh tranh so với hàng cùng chủng loại trong nước. Các cơ quan quản lý nhà nước cần chú ý đến vấn đề này, ông Doanh lưu ý.

Không chỉ với nhập khẩu, tình hình xuất khẩu cũng không hề khả quan hơn trước sự mất giá của đồng NDT. Khi xuất khẩu, các doanh nghiệp Việt thường chọn cách thanh toán bằng USD, điều này cũng đồng nghĩa với phía doanh nghiệp Trung Quốc sẽ phải trả thêm khoảng 3,5% giá trị đơn hàng với cùng mức giá trước khi điều chỉnh tỷ giá NDT.

Với trường hợp trên, giám đốc một công ty chuyên xuất khẩu gạo, cho biết, nhằm giảm thiểu gia tăng chi phí, các doanh nghiệp Trung Quốc thường sẽ quay lại ép giá phía cung cấp. Không bán thì không tiêu thụ hết mà bán thì nhiều khả năng sẽ có mức giá thấp hơn hẳn so với hiện tại. Đó chỉ tính theo đường chính ngạch, còn đường tiểu ngạch thì việc ép giá là chắc chắn vì từ trước tới nay đã thường xuyên xảy ra tình trạng này, vị giám đốc nhận định.

Chịu tác động trực tiếp ngay tại thời điểm này có thể kể đến mặt hàng nông sản là thanh long. Mặc dù đang tới thời điểm vào mùa nhưng tình hình tiêu thụ vẫn hết sức khó khăn do thương lái ép giá vì vậy tình trạng này có thể càng trở nên bi đát hơn trong thời gian tới khi đồng NDT đã mất giá quá mạnh. Đáng chú ý, chỉ tính riêng ở Bình Thuận, nơi có khoảng 22.000 ha trồng thanh long thì có tới 75% sản lượng là được xuất khẩu sang Trung Quốc.

Được biết, trong sáng nay (12/8), Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã quyết định điều chỉnh tăng biên độ tỷ giá từ mức +/-1% lên +/-2%. Cũng trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ thực hiện đồng bộ các biện pháp và công cụ chính sách để tiếp tục ổn định tỷ giá và thị trường ngoại tệ trong biên độ quy định, theo dõi sát diễn biến thị trường trong nước và quốc tế, các dự báo kinh tế vĩ mô, tiền tệ để điều hành chính sách một cách phù hợp.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần