Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hãng tin DW của Đức đánh giá cao thành tích phát triển kinh tế và chống Covid-19 của Việt Nam

Nguyễn Phương (Theo DW)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hãng tin DW (Đức) vừa có bài viết đánh giá cao thành quả chống dịch Covid-19 và phát triển kinh tế của Việt Nam, đồng thời đề cập một số điểm mà ban lãnh đạo mới của Việt Nam sẽ ưu tiên giải quyết trong 5 năm tới.

Kênh truyền thông DW của Đức hôm 21/1 đăng tải bài viết khẳng định cách ứng phó chống dịch Covid-19 là một trong những giải pháp hiệu quả nhất thế giới, đồng thời ca ngợi thành quả phát triển kinh tế của Việt Nam.
Bài báo cho biết, từ ngày 25/1 đến ngày 2/2, Việt Nam sẽ tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc để bầu ban lãnh đạo mới của Đảng Cộng sản Việt Nam và hoạch định chính sách trong 5 năm tới, trong đó đại dịch Covid-19, vấn đề thương mại và biến đổi khí hậu sẽ nằm trong ưu tiên giải quyết của ban lãnh đạo mới.
 Áp phích cỡ lớn tại Trung tâm hội nghị Quốc gia với thông điệp Chào mừng Đại hội XIII Đảng Cộng sản Việt Nam.
Bài báo đánh giá, ít có quốc gia nào trên thế giới chống đại dịch Covid-19 thành công như Việt Nam. Với việc thực hiện các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt, Việt Nam đã kiểm soát được số ca lây nhiễm. Theo số liệu của trường Đại học Johns Hopkins, tính đến ngày 22/1, Việt Nam mới chỉ ghi nhận 1.548 ca nhiễm Covid-19 và 35 trường hợp tử vong.
Bài báo nêu rõ, do kiểm soát tốt dịch bệnh, nền kinh tế Việt Nam cũng không bị ảnh hưởng nhiều. Theo các số liệu chính thức, Việt Nam đã đạt được mức tăng trưởng 2,91% trong năm 2020. Trong khi đó, niềm tin và sự lạc quan của người tiêu dùng cũng vẫn ở mức cao, theo công ty nghiên cứu thị trường Nielsen có trụ sở tại London.
Bài viết nhấn mạnh, quốc gia định hướng xuất khẩu như Việt Nam ngày càng trở nên quan trọng hơn đối với nền kinh tế toàn cầu hóa và chuỗi cung ứng quốc tế, cũng như đối với Liên minh châu Âu (EU) và Đức khi Hiệp định Thương mại tự do giữa EU với Việt Nam (EVFTA) đã có hiệu lực từ tháng 8/2020. Việt Nam cũng đã tổ chức trực tuyến lễ ký hiệp định tạo ra khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới mang tên Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).
Theo DW, Đại hội Đảng - sự kiện chính trị quan trọng nhất của Việt Nam, sẽ tiến hành bầu các ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng và đề ra các đường lối chính trị trong 5 năm tới.
3 nhà nghiên cứu nổi tiếng về Việt Nam đã có những nhận định với DW về những thách thức mà ban lãnh đạo mới của Đảng Cộng sản có thể sẽ đối mặt trong 5 năm tới.
Chuyên gia chính trị Carl Thayer từ Đại học New South Wales ở Australia cho rằng an ninh năng lượng là vấn đề cấp bách nhất trong 5 năm tới của Việt Nam, bởi nền kinh tế bùng nổ ngày càng cần nhiều năng lượng hơn. Ngoài ra, ông Thayer cho biết, Việt Nam cũng cần giải quyết những vấn đề về thương mại và thuế quan với Mỹ - thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Chuyên gia Thayer bày tỏ lạc quan Việt Nam sẽ đạt được thỏa thuận với Mỹ và nhiều khả năng sẽ trở lại đạt tăng trưởng kinh tế 2 con số trong 5 năm tới, đặc biệt với lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do mới được ký kết.
Trong khi đó, bà Nguyễn Phương Linh - Phó Giám đốc Công ty tư vấn Control Risks, lưu ý tầm quan trọng của việc tiến hành cải cách, tận dụng lợi thế cạnh tranh như sự ổn định chính trị, cơ cấu dân số thuận lợi và lực lượng lao động tương đối rẻ và cần cù. 
Nhà báo Mike Tatarski, sống tại TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh, nhu cầu cấp bách phải hiện đại hóa cơ sở hạ tầng trong bối cảnh Việt Nam đang là lựa chọn ưa thích trong chuỗi sản xuất toàn cầu.
Theo nhà báo Tatarski, một trong những vấn đề cấp bách của Việt Nam trong những năm tới là ứng phó với biến đổi khí hậu, đặc biệt cần thực hiện chính sách nông nghiệp bền vững hơn. "Việt Nam nên thực hiện các chính sách phát triển nông nghiệp thông minh"- ông Tatarski cho hay.