Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hàng trăm căn hộ tái định cư bỏ trống: Có nguyên nhân do thiếu sự phối hợp

Vân Hằng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc xây dựng các khu nhà ở tái định cư (TĐC) xong trước khâu giải tỏa, giải phóng mặt bằng (GPMB) các dự án trọng điểm là hướng đi đúng đắn. Tuy nhiên, độ trễ GPMB, sự trì hoãn của không ít hộ dân trong diện di dời khiến nhiều dự án TĐC bỏ trống dù đã có quyết định nhận nhà.

 Khu nhà tái định cư Hoàng Cầu. Ảnh: Thanh Hải
Vườn không, nhà trống
Những ai đi qua phố Tạ Quang Bửu (Hai Bà Trưng, Hà Nội) đều không khỏi thắc mắc, bởi một khối nhà chung cư cao hơn 20 tầng nằm ngay vị trí trung tâm nhưng nhiều năm nay không có người đến ở. Ghi nhận thực tế cho thấy, cầu thang thoát hiểm bằng sắt của tòa nhà nay đã gỉ sét, dây điện chằng chịt bao quanh ổ điều hòa. Nhiều mảng tường đã ngấm nước, bong tróc… Người dân xung quanh tận dụng trồng rau trong khuôn viên tòa nhà.
Việc nhà TĐC xây dựng xong trước là đúng đắn. Tuy nhiên, khoảng thời gian đó không nên quá xa, bởi nếu dự án bị chậm GPMB sẽ dẫn đến quỹ nhà TĐC bị bỏ trống, nhanh xuống cấp. Vì vậy, rất cần một “nhạc trưởng” có thẩm quyền để phối hợp giữa các dự án TĐC và các dự án mở đường hay khu đô thị mới. 

PGS.TS Trần Chủng - Trưởng ban Chất lượng, Tổng hội Xây dựng Việt Nam
Theo đại diện Công ty TNHH bảo vệ Việt Dũng - đơn vị trông giữ tòa nhà, đây là dự án TĐC với hơn 150 căn hộ do Công ty CP Tu tạo và Phát triển nhà làm chủ đầu tư. Năm 2015, chủ đầu tư tiếp tục hoàn thiện dự án sau nhiều năm gián đoạn song đến nay vẫn chưa đưa vào sử dụng. Nguyên nhân được cho là đang chờ GPMB dự án dải đất phía Nam đường Đại Cồ Việt. Sau đó, mới bố trí dân về ở.

Giám đốc Ban quản lý dự án Đại Cồ Việt thuộc Công ty CP Tu tạo và Phát triển nhà Nguyễn Thế Văn khẳng định: Tòa nhà TĐC 4A bị thi công kéo dài chứ không bỏ trống. Cụ thể, vào năm 2002, sau khi được Hà Nội chấp thuận điều chỉnh dự án Nam Đại Đại Cồ Việt, Công ty đã đầu tư kinh phí để xây dựng quỹ nhà TĐC tại phường Thanh Lương (quận Hai Bà Trưng) với 90 căn hộ, tại Đại Kim (quận Hoàng Mai) với 151 căn hộ và TĐC tại chỗ vào nhà VIII - C - lô VIII - C của dự án với 120 căn hộ. Song người dân đề nghị được TĐC tại chỗ. Vì vậy, ngoài quỹ nhà tại VIII - C, chủ đầu tư tiếp tục xây nhà TĐC tại chỗ 4A cao 24 tầng với 158 căn hộ.

Vị giám đốc này cho hay, quỹ nhà 4A ban đầu là nhà thương mại, theo luật được huy động vốn khi thi công xong móng. Nay chuyển thành nhà TĐC, chủ đầu tư bắt buộc phải tự bỏ vốn khiến thời gian thi công kéo dài. Đặc biệt, khâu giải tỏa vướng đơn thư khiếu kiện liên tục của người dân buộc thanh tra TP Hà Nội phải vào cuộc. Tuy nhiên, ngay cả khi được Thanh tra TP trả lời tất cả nội dung khiếu kiện không có cơ sở, họ vẫn khiếu kiện tiếp để làm chậm tiến độ dự án. “Hiện nay, nhà TĐC 4A đã nghiệm thu xong và đang chờ trình tự GPMB để bố trí dân vào. Dự án vẫn có tiến độ triển khai tới quý IV/2020. Nhà TĐC 4A được nghiệm thu tháng 5/2017, đã được vệ sinh công nghiệp toàn nhà khoảng 3 lần trước khi nghiệm thu. Chủ đầu tư đã thuê đơn vị quản lí, vận hành tòa nhà cùng một công ty vệ sĩ bảo vệ chuyên nghiệp 24/24 nên không bị bỏ hoang” - ông Văn cung cấp thông tin

Ở một diễn biến tương tự, dự án khu TĐC Hoàng Cầu (quận Đống Đa, Hà Nội) với 4 tòa CT2A, CT2B, CT2C và CT3 cũng vắng hơi người dù được xây dựng khang trang, lại ở vị trí đất vàng (!). Được biết, tòa nhà TĐC này phục vụ TĐC cho dự án thoát nước Hà Nội địa bàn quận Đống Đa, quận Hoàng Mai. Ngoài ra, còn một số dự án cũng được bố trí TĐC tại dự án này như dự án xây dựng đường Vành đai 2; Vành đai 1 và tuyến phố Nguyễn Đình Chiểu.

Phải đẩy nhanh tiến độ GPMB các dự án

Liên quan tới tình trạng căn hộ TĐC phục vụ di dân GPMB tại ao Hoàng Cầu bị bỏ trống, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Chí Dũng cho biết, số lượng các căn hộ đã được bố trí hết cho các dự án trọng điểm. Cụ thể, nhà CT2A có 210 căn hộ, tới nay, 42 căn hộ đã có quyết định bán nhà (6 căn người dân đã nhận nhà, 26 căn dân chưa nhận); 168 căn chưa có quyết định bán nhà nhưng đã thông báo hết cho các chủ dự án. Tương tự, nhà CT2C, CT2B và nhà CT3, về cơ bản cũng đã có phương án bố trí căn hộ TĐC, không có tình trạng dư thừa. Lý giải nguyên nhân nhiều tòa nhà TĐC heo hút bóng người, giới chuyên gia thẳng thắn cho rằng do tiến độ GPMB ở mỗi dự án khác nhau. Đôi khi căn hộ TĐC đã bố trí từ lâu nhưng vì nhiều lý do khách quan lẫn chủ quan, người dân cố tình trì hoãn nhận nhà hoặc “ở ảo” (chờ bán chênh) nên căn hộ tạm thời bỏ trống. Về giải pháp khắc phục tình trạng căn hộ TĐC bị bỏ trống, ông Nguyễn Chí Dũng cho biết, một mặt, các dự án phải tăng tốc tiến độ GPMB, đảm bảo thực hiện đúng kế hoạch đã đề ra. Trường hợp dự án bị chậm tiến độ, Sở Xây dựng sẽ tham mưu TP chuyển quỹ nhà TĐC cho dự án đó sang bố trí cho dự án khác. “Mặt khác, TP khuyến khích các hộ dân nhận tiền mặt và tự lo TĐC theo phương thức tự nguyện. Đây là sẽ là “lối ra” đẩy nhanh tiến độ GPMB và giảm áp lực xây dựng nhà TĐC. Hướng đi này không chỉ tháo gỡ cho dân mà còn cho cả chính quyền TP. Lợi cả đôi đường: Người dân đồng thuận hài lòng về nơi ở mới do chính họ được lựa chọn; TP “trút” được gánh nặng bài toán TĐC” - Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội nhấn mạnh.