Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hàng trăm nghìn liệt sĩ chưa xác định được thông tin là hàng triệu nỗi đau

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Làm việc với các cơ quan được giao thực hiện nhiệm vụ giám định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, hàng trăm nghìn liệt sĩ chưa xác định được thông tin là hàng triệu nỗi đau, trăn trở của những người còn sống.

Thủ tướng chỉ đạo xử lý hàng loạt đề xuất, kiến nghị để đẩy nhanh tiến độ và hiệu quả nhiệm vụ thiêng liêng, đặc biệt nhưng cũng rất khó khăn, phức tạp này.
Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm Trung tâm Giám định ADN hài cốt liệt sĩ thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm Trung tâm Giám định ADN hài cốt liệt sĩ thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Chiều ngày 25/7, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tới thăm Trung tâm Giám định ADN hài cốt liệt sĩ thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và làm việc với 3 cơ quan được giao thực hiện nhiệm vụ giám định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin là Viện Pháp y quân đội - Bộ Quốc phòng; Viện Pháp y quốc gia - Bộ Y tế và Viện Công nghệ sinh học - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

Cùng dự có Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung; Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam Châu Văn Minh; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng; Thượng tướng Võ Minh Lương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương; các nhà khoa học, giám định viên các Viện nghiên cứu.

Báo cáo tại buổi làm việc, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, trong giai đoạn 2013-2020, Ban Chỉ đạo cấp Nhà nước về xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin và Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã chọn 7 đơn vị cung cấp dịch vụ giám định ADN xác định thông tin hài cốt liệt sĩ và đến thời điểm hiện tại, có 5 đơn vị đang tiếp tục thực hiện giám định ADN.

Tổng số mẫu đã nhận từ năm 2011 đến ngày 31/12/2021 là trên 41.000 mẫu. Qua phân tích, so sánh, đối chiếu ADN giữa mẫu hài cốt liệt sĩ và mẫu thân nhân liệt sĩ đã xác định danh tính đối với gần 1.400 hài cốt liệt sĩ, báo tin cho thân nhân và chỉnh sửa thông tin ghi trên bia mộ liệt sĩ. Kết quả giám định ADN được lưu trữ tại Trung tâm lưu trữ ADN hài cốt liệt sĩ và thân nhân liệt sĩ phục vụ công tác xác định danh tính hài cốt liệt sĩ.

Bên cạnh một số kết quả nhất định, trong quá trình triển khai thực hiện, vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn do một bộ phận không nhỏ mộ không có hài cốt hoặc mẫu hài cốt đã được chôn cất trong thời gian quá dài (40-50 năm về trước) không có khả năng giám định hoặc chất lượng ADN còn lưu lại kém. Bên cạnh đó, trang thiết bị của các đơn vị đã quá cũ, thường xuyên hỏng hóc ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ phân tích. Thậm chí, có một số kết quả giám định có sự trùng lặp ngẫu nhiên về ADN ty thể của các mẫu phân tích sinh phẩm thân nhân liệt sĩ và hài cốt liệt sĩ, có trường hợp 1 mẫu hài cốt liệt sĩ trùng lặp với trên 20 thân nhân liệt sĩ ở các tỉnh khác nhau dẫn tới việc phân tích mất rất nhiều thời gian mới có kết quả.

Không những thế, nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất cho các đơn vị giám định mặc dù bước đầu đã có sự chủ động tuy nhiên thời gian đầu tư tương đối dài nên năng lực của các đơn vị giám định trong giai đoạn 2013-2020 chưa đáp ứng yêu cầu, kết quả giám định còn thấp so với mục tiêu của Đề án xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin (Đề án). Việc xây dựng và cập nhật cơ sở dữ liệu về liệt sĩ, thân nhân liệt sĩ, mộ liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ; cổng thông tin điện tử về liệt sĩ, mộ liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ và Trung tâm lưu trữ ADN hài cốt liệt sĩ và thân nhân liệt sĩ đã có những kết quả nhất định tuy nhiên hệ thống các phần mềm chưa có sự liên thông, tích hợp và đồng bộ dữ liệu.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chia sẻ câu chuyện làm ông xúc động, ám ảnh về niềm hạnh phúc của Mẹ Việt Nam Anh hùng Hoàng Thị Lự, 110 tuổi ở Đô Lương - Nghệ An khi tìm được hài cốt của một người con sau 51 năm hy sinh; cũng như nỗi mỏi mòn ngóng chờ của mẹ trước lúc ra đi khi một người con nữa của mẹ vẫn chưa tìm được hài cốt.

“Có lẽ nỗi đau, mất mát lớn với nhiều gia đình trải qua chiến tranh là nhận được thông tin con qua “Giấy báo tử”. Nhiều gia đình vẫn ngày đêm mòn mỏi lấy những thông tin trên tờ giấy đã bạc màu, chữ đã mờ để đi nhờ tìm thông tin, giải mã với hy vọng tìm thấy người thân”, Thủ tướng xúc động.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, những ngày này, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta long trọng tổ chức kỷ niệm 75 năm Ngày thương binh, liệt sĩ với nhiều hoạt động ý nghĩa để tưởng nhớ và tri ân các đồng chí lão thành cách mạng, các Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động, các đồng chí thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, người có công với cách mạng đã cống hiến, hy sinh quên mình vì nền độc lập, tự do và sự thống nhất, phồn vinh của Tổ quốc.

Theo Thủ tướng, trải qua hơn nửa thế kỷ đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế, hàng triệu người con ưu tú của dân tộc, với tinh thần yêu nước, ý chí kiên cường, bất khuất đã không tiếc máu xương, hy sinh cho sự nghiệp cách mạng cao cả. Chiến tranh đã dần lùi xa nhưng nỗi đau vẫn hiện hữu nhất là đối với những gia đình thân nhân liệt sĩ; biết bao người mẹ, người cha, anh, em, họ hàng tâm nguyện tìm được người thân hy sinh trong chiến tranh; hàng trăm nghìn liệt sĩ chưa xác định được thông tin là hàng triệu nỗi đau, trăn trở của những người còn sống.

Thủ tướng khẳng định, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn quan tâm đến công tác thương binh, liệt sĩ để xoa dịu nỗi đau tinh thần đó bằng những việc làm thiết thực, trong đó có việc đẩy nhanh tiến độ và hiệu quả công tác tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin. Đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Đây là nhiệm vụ rất khó khăn, phức tạp, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, cơ quan và địa phương, sự hỗ trợ tích cực của các tổ chức, cá nhân vì có rất nhiều liệt sĩ hy sinh từ thời chống Pháp, hy sinh ở nhiều địa bàn khác nhau cả trong nước và ngoài nước.

Hàng trăm nghìn liệt sĩ đã về được với gia đình nhưng vẫn còn đó rất nhiều, rất nhiều gia đình đang ngày đêm mong ngóng tin tức liệt sĩ. Bằng tất cả trách nhiệm, tình cảm và quyết tâm chính trị, công tác tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ được lãnh đạo, chỉ đạo và tập trung triển khai tích cực, hiệu quả trong những năm qua. Bên cạnh phương pháp xác minh thực chứng, năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin, trong đó có phương pháp giám định gene.

Với cơ sở vật chất hiện đại, đội ngũ cán bộ, nhân viên có trình độ, có tâm và trách nhiệm cao với công việc, các đơn vị đã triển khai nhiệm vụ trong Đề án đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận. Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng và những kết quả đạt được của các bộ, ngành, cơ quan, địa phương trong việc thực hiện Đề án, nhất là các cán bộ, nhà khoa học, nhân viên trực tiếp triển khai nhiệm vụ. Thủ tướng cũng gửi lời cảm ơn, tri ân đến các tổ chức và cá nhân vì sự tận tâm và trách nhiệm với gia đình của những người đã hy sinh vẻ vang cho Tổ quốc. “Sự mất mát và hy sinh đó không có gì bù đắp được và chúng ta cần cố gắng hơn nữa để xoa dịu nỗi đau chiến tranh”, Thủ tướng chỉ rõ.

Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ rõ, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính liệt sĩ còn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Nhu cầu xác định danh tính liệt sĩ rất lớn trong khi khả năng đáp ứng còn hạn chế; thông tin, tài liệu và nhân chứng về các liệt sĩ tản mát, ngày càng ít; chất lượng mẫu hài cốt giảm dần theo thời gian; nhiều thân nhân liệt sĩ đã mất; cơ chế tài chính chưa phù hợp; nguồn nhân lực còn bất cập, việc ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối, cung cấp thông tin cho các gia đình còn hạn chế…

Thủ tướng cho biết, trước buổi làm việc này, ông đã chỉ đạo rà soát các cơ chế, chính sách về công tác đền ơn đáp nghĩa nói chung và công tác tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính liệt sĩ nói riêng.

Để tiếp tục làm tốt công tác này trong thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu quán triệt sâu sắc quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác người có công với cách mạng, trong đó có nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin, nhất là Chỉ thị 24-CT/TW của Bộ Chính trị, Quyết định 1515/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Tập trung thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể trong Kế hoạch ban hành kèm theo Quyết định 1515/QĐ-TTg.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho ý kiến chỉ đạo đối với một số vấn đề cụ thể trong công tác giám định ADN, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin. Theo đó, về việc cho phép và hỗ trợ kinh phí xây dựng hệ thống Cơ sở dữ liệu thân nhân của các gia đình liệt sĩ chưa tìm được phần mộ, Thủ tướng giao Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp Bộ Quốc phòng, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông sớm thực hiện việc tích hợp, liên thông, đối chiếu, đồng bộ dữ liệu hiện có để hình thành Cơ sở dữ liệu quốc gia về liệt sĩ, phục vụ hoạt động giám định ADN hài cốt liệt sĩ.

Về bổ sung kinh phí để tăng cường, đầu tư mới, hiện đại hóa các trang thiết bị phục vụ giám định ADN, Thủ tướng yêu cầu Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam xây dựng Đề án, trong đó xác định rõ các trang thiết bị cần nâng cấp, đầu tư mới và dự kiến kinh phí gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, cơ quan liên quan xem xét, xử lý; trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Đối với ưu đãi tuyển dụng nhân lực, hỗ trợ kinh phí đào tạo, Thủ tướng cho biết, Chính phủ, Thủ tướng đã ban hành một số cơ chế, chính sách về tuyển dụng, đào tạo cán bộ, nhất là cán bộ có trình độ cao; đề nghị Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam chủ động phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ và các bộ, ngành có liên quan thực hiện nghiêm các quy định, bảo đảm hiệu quả, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặc biệt này của đơn vị, trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Về việc điều chuyển số lượng biên chế dự kiến tinh giản của Viện Công nghệ sinh học trong giai đoạn 2021-2026 vào nguồn nhân lực cơ hữu bổ sung cho hoạt động của Trung tâm giám định ADN, Thủ tướng giao Chủ tịch Viện Hàn lâm chủ động điều chuyển, sắp xếp biên chế, trong đó phải bảo đảm đủ nhân lực cho công tác giám định ADN hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin.

Trước kiến nghị về xây dựng đơn giá đặt hàng cho giám định ADN hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin, việc thanh toán cho những mẫu làm nhiều lần mà không thu được kết quả giám định ADN, Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan khẩn trương hướng dẫn quy định nêu trên, trong đó bao gồm việc thanh toán cho những mẫu làm nhiều lần mà không thu được kết quả giám định ADN và kinh phí trả công cho cán bộ hợp đồng thực hiện công tác giám định ADN để phục vụ hiệu quả hoạt động giám định ADN hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin.

Với đề nghị miễn thuế thu nhập doanh nghiệp và VAT cho hoạt động dịch vụ đặc thù của công tác giám định ADN hài cốt liệt sĩ, Thủ tướng giao Bộ Tài chính hướng dẫn áp dụng quy định miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và miễn thuế giá trị gia tăng theo quy định của pháp luật.

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Tài chính hướng dẫn việc sử dụng kinh phí hỗ trợ của tổ chức, cá nhân cho công tác giám định ADN hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin theo đúng quy định của pháp luật về cơ chế tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập; Bộ Quốc phòng khẩn trương ban hành Quy trình xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin trong thời gian sớm nhất; đồng ý việc tăng cường hợp tác quốc tế, tranh thủ trang thiết bị, kỹ thuật tiên tiến và kinh nghiệm của các nước phục vụ cho công tác giám định ADN.

Thủ tướng cũng đồng ý với đề xuất nghiên cứu, nhanh chóng lưu trữ mẫu ADN của thân nhân liệt sĩ chưa xác định được hài cốt để phục vụ cho đối chiếu sau này.

Tại buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ chứng kiến lễ công bố kết quả giám định ADN các liệt sĩ; cùng đại diện các bộ, ngành trao kết quả giám định ADN cho 12 gia đình liệt sĩ; trao sổ tiết kiệm trị giá 10 triệu đồng/sổ và quà tặng các gia đình liệt sĩ./.