95 năm ngày thành lập đảng

Hàng trăm nghìn thuê bao nghi ngờ gọi rác đã bị chặn

Quỳnh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đã có nhiều giải pháp ngăn chặn vấn nạn sim rác, cuộc gọi rác. Tuy nhiên, việc này chưa được xử lý triệt để. Một trong những nguyên nhân là doanh nghiệp chưa thực hiện nghiêm cũng như chú trọng đến chất lượng dịch vụ.

Đại lý rao bán sim trên mạng. Ảnh minh họa.
Đại lý rao bán sim trên mạng. Ảnh minh họa.

Tại Hội nghị tổng kết năm 2024 mới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đánh giá "vấn nạn sim rác, cuộc gọi rác chưa được xử lý triệt để". Một trong những nguyên nhân là doanh nghiệp chưa thực hiện nghiêm cũng như chưa chú trọng đến chất lượng dịch vụ.

Theo thống kê, mỗi sim rác hiện phát tán trung bình 203 cuộc gọi. Con số này giảm 46% so với mức 387 cuộc gọi vào tháng 1. Bộ TT&TT cho biết, đã thực hiện nhiều biện pháp ngăn chặn vấn nạn như thanh kiểm tra doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trong việc chấp hành quy định, kiểm tra sim chính chủ với người sử dụng hơn 10 sim. Đặc biệt, trong giai đoạn tháng 6 - tháng 8, Bộ TT&TT đình chỉ phát triển mới với 3 nhà mạng do vi phạm về sim rác.

Theo báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội tháng 11, trong điều kiện dịch vụ viễn thông phát triển với giá rẻ, nhiều người lợi dụng thực hiện hành vi vi phạm pháp luật như quảng cáo rác, cuộc gọi lừa đảo. Trong 7 tháng đầu năm, hơn 394.000 thuê bao nghi ngờ gọi rác, lừa đảo bị chặn. Trung bình mỗi tháng, doanh nghiệp viễn thông và cơ quan chức năng chặn 40.000 - 65.000 thuê bao, trong khi con số trung bình tháng vào năm 2023 là 50.000.

Trong 10 tháng đầu năm nay, tổng đài phản ánh tin nhắn, cuộc gọi rác và lừa đảo (156/5656) của Bộ TT&TT ghi nhận gần 850.000 lượt phản ánh của người sử dụng. Trong đó, có khoảng 185.000 lượt liên quan đến tin nhắn rác, chiếm 22%; 441.000 lượt về cuộc gọi rác, chiếm 52% và 222.000 lượt về cuộc gọi lừa đảo, chiếm 26%.

Trong số này, 25% là cuộc gọi nháy máy làm phiền, 20% liên quan đến đòi nợ, tín dụng, 20% quảng cáo dịch vụ du lịch, bất động sản, và khoảng 15% liên quan đến các vụ lừa đảo bằng nhiều hình thức như hỗ trợ làm việc online, điểm danh nhận quà, đầu tư chứng khoán, mạo danh cơ quan nhà nước.

Trong năm qua, Cục An toàn thông tin cũng làm việc với 40 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ brandname bị phản ánh tin nhắn rác, cuộc gọi rác, thực hiện thu hồi 11 tên định danh và phối hợp xử phạt 2 doanh nghiệp.

Riêng tại Hà Nội, số lượng sim rác bán công khai đã giảm đáng kể trong thời gian gần đây. Kết quả 1 cuộc khảo sát tại một số đại lý trên địa bàn Thành phố cho thấy tỷ lệ đại lý bán sim rác giảm hẳn. Cụ thể, nhiều đại lý đã từ chối bán sim kích hoạt sẵn, chỉ bán sim trắng chưa kích hoạt, cho thấy hiệu quả của việc xử lý nghiêm túc từ lực lượng chức năng.

Tuy nhiên, sim rác vẫn tồn tại và có thể mua được, đặc biệt là sim của các nhà mạng nhỏ hơn hoặc mạng ảo. Thậm chí, sim rác của một số mạng ảo mới xuất hiện trên thị trường, được rao bán với giá cao và kèm gói cước hấp dẫn…

Mặc dù số lượng đại lý bán sim rác giảm, nhưng người dùng vẫn có thể dễ dàng tìm mua sim kích hoạt sẵn trên thị trường, cả từ các cửa hàng bán lẻ lẫn trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook và các sàn thương mại điện tử. Việc mua bán sim rác diễn ra công khai và tinh vi hơn, thậm chí có cả các hội nhóm trên mạng xã hội chuyên trao đổi, mua bán số lượng lớn sim rác với giá cả đa dạng.

Năm 2025, Bộ TT&TT sẽ tiếp tục thanh kiểm tra sim rác theo kế hoạch được phê duyệt. Tiếp tục tăng cường kiểm tra, xử lý các sim rác còn tồn trên kênh phân phối của các doanh nghiệp viễn thông và chuẩn hóa thông tin đối với sim có dấu hiệu không chính xác…

Đây được coi là một trong những giải pháp quan trọng nhằm bảo vệ người dùng, nâng cao chất lượng dịch vụ và giảm thiểu những tác động tiêu cực của vấn nạn sim rác và cuộc gọi rác.