Hàng trăm người hiến giác mạc nhưng BV Mắt Trung ương không nhận:Vì sao?

Thanh Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những ngày qua, dư luận xôn xao xung quanh sự việc hàng trăm người dân muốn hiến giác mạc nhưng Bệnh viện Mắt Trung ương không thể tiếp nhận. Lý do được cho là vướng mắc trong cơ chế mua sắm, đấu thầu trang thiết bị, vật tư y tế.

Không thể tiếp nhận nguồn giác mạc người dân hiến tặng

Việc hiến tặng mô, tạng là một món quà vô giá. Bởi đây không chỉ là một nghĩa cử cao đẹp mà còn giúp nối dài sự sống, mang lại ánh sáng cho nhiều người bệnh. Nhờ nguồn giác mạc được hiến tặng mà có nhiều người tìm lại được ánh sáng.

GS.TS Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, từ năm 2014 mới có 265 người đăng ký hiến tạng, tính tới ngày 20/6/2023 đã có 73.213 người  và đã có 7.498 ca ghép tạng thành công (tính tới ngày 31/3/2023).

Số ca ghép tạng tại Việt Nam cũng đã có sự gia tăng đáng kể từ 283 ca năm 2014 lên 1.004 ca vào năm 2022. Tuy nhiên, số lượng các ca ghép tạng từ người cho sống vẫn chiếm tới hơn 90%. Đó là những con số biết nói.

Số ca ghép tạng tại Việt Nam đã có sự gia tăng đáng kể từ 283 ca năm 2014 lên 1.004 ca vào năm 2022. Tuy nhiên, số lượng các ca ghép tạng từ người cho sống vẫn chiếm tới hơn 90%.
Số ca ghép tạng tại Việt Nam đã có sự gia tăng đáng kể từ 283 ca năm 2014 lên 1.004 ca vào năm 2022. Tuy nhiên, số lượng các ca ghép tạng từ người cho sống vẫn chiếm tới hơn 90%.

Riêng tỉnh Ninh Bình đã có 502 người hiến giác mạc đem lại ánh sáng cho cả nghìn người. Nhưng 6 tháng nay, rất nhiều gia đình có tâm nguyện hiến tặng giác mạc người thân sau khi qua đời mà không được tiếp nhận. Thực tế này đang làm giảm cơ hội tìm lại ánh sáng của những bệnh nhân đang cần được ghép giác mạc, đồng thời, làm ảnh hưởng đến phong trào hiến mô tạng.

Trong khi đó, theo đại diện Bệnh viện Mắt Trung ương, số người chờ đợi được ghép giác mạc khá lớn, ước tính cả nước hiện có từ 15.000 đến 20.000 người cần ghép giác mạc. Riêng tại Bệnh viện Mắt Trung ương, số người chờ được ghép giác mạc luôn dao động từ khoảng 800 - 1.000 người.

 

Nghị định 07 và Nghị quyết 30 đã tháo gỡ đươc rất nhiều khó khăn cho các bệnh viện. 

Theo đó, Nghị định số 07/2003/NĐ-CP đã giải quyết những vướng mắc liên quan đến giấy phép nhập khẩu, số đăng ký lưu hành trang thiết bị y tế.

Đẩy mạnh việc cấp số đăng ký lưu hành trang thiết bị y tế và tháo gỡ khó khăn trong thu hồi số lưu hành và xử lý trang thiết bị y tế bị thu hồi số lưu hành. Sửa đổi quy định về xuất nhập khẩu và tạm nhập, tái xuất trang thiết bị y tế; sửa đổi quy định để giải quyết vướng mắc bất cập từ thực tiễn về kê khai giá.

Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 04/3/2023 đã giải quyết các vấn đề liên quan tới thanh toán chi phí KCB bằng BHYT đối với các dịch vụ kỹ thuật thực hiện bằng máy do nhà thầu cung cấp sau khi trúng thầu vật tư, hóa chất theo kết quả lựa chọn nhà thầu được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của Luật Đấu thầu.

Hướng dẫn xác định giá gói thầu; việc sử dụng trang thiết bị y tế đã được cá nhân, tổ chức trong ngoài nước hiến, biếu, tặng cho, đóng góp, viện trợ, tài trợ nhưng chưa hoàn thành sở hữu toàn dân để KCB.

Tuy nhiên, trong khoảng thời gian gần đây, Bệnh viện Mắt Trung ương lại không thể tiếp nhận nguồn giác mạc do người dân hiến tặng. Theo Ngân hàng Mắt Trung ương, Bệnh viện Mắt Trung ương, nguyên nhân là do thiếu hóa chất, vật tư y tế trong tiếp nhận, bảo quản giác mạc.

Trước đó, đại diện lãnh đạo Bệnh viện Mắt Trung ương từng cho biết, sau khi có Nghị quyết 30 và Nghị định 07 của Chính phủ về tháo gỡ khó khăn trong đấu thầu, tình trạng thiếu vật tư, sinh phẩm y tế tại bệnh viện vẫn diễn ra trầm trọng, do chưa có hướng dẫn cụ thể của Bộ Y tế.

Tình trạng này không chỉ gây khó khăn cho hoạt động chuyên môn của bệnh viện mà còn ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân khi đi khám, chữa bệnh.

Rà soát nguyên nhân, giải quyết có lộ trình phù hợp

Tại Đại hội Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam, các chuyên gia khẳng định, ghép tạng được coi là đỉnh cao của y học nhân loại. Nhưng trong thực tế, vẫn còn hàng nghìn người bệnh đang mòn mỏi chờ đợi nguồn tạng hiến.

Có thể thấy, mặc dù công tác tuyên truyền, vận động đã được phổ biến đến cộng đồng nhưng nhiều người bệnh mất đi cơ hội sống ngay trước mắt chỉ vì rào cản đến từ nhận thức chưa đúng đắn của của bộ phận người dân.

Đề cập đến vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến - nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam chia sẻ, khi con người chết đi, chắc chắn phần thể chất trở về tro bụi. Tuy đã chết nhưng chúng ta vẫn còn làm những việc có ích. Đó là hiến tạng khi chết não cho người mắc bệnh hiểm nghèo, cứu sống được rất nhiều người. Đó là sự cho đi rất lớn lao và ý nghĩa.

Hiện nay, Bệnh viện Mắt Trung ương đang thiếu thiết bị y tế, vật tư, sinh phẩm y tế do vướng mắc đấu thầu nên đã tạm dừng hoạt động tiếp nhận giác mạc của người hiến tặng.
Hiện nay, Bệnh viện Mắt Trung ương đang thiếu thiết bị y tế, vật tư, sinh phẩm y tế do vướng mắc đấu thầu nên đã tạm dừng hoạt động tiếp nhận giác mạc của người hiến tặng.

Trước thông tin Bệnh viện Mắt Trung ương đang thiếu thiết bị y tế, vật tư, sinh phẩm y tế do vướng mắc đấu thầu nên đã tạm dừng hoạt động tiếp nhận giác mạc của người hiến tặng, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, Bộ và các cơ quan chức năng đang rà soát nguyên nhân của tình trạng này.

Những vấn đề ở Bệnh viện Mắt Trung ương, Bộ Y tế đang trong quá trình giải quyết, khi nào có kết quả cụ thể sẽ thông tin sau. Về việc này, Bộ Y tế sẽ giải quyết, nhưng không thể giải quyết trong ngày một, ngày hai mà phải có lộ trình phù hợp.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cũng thông tin thêm, hiện nay Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác có hiệu lực thi hành đã 16 năm. Nhiều quy định của Luật đã bộc lộ những bất cập, hạn chế, không còn phù hợp với điều kiện thực tiễn, từ đó, ảnh hưởng đến hoạt động hiến, ghép mô, bộ phận cơ thể người ở nước ta.

Để khắc phục bất cập, hạn chế của luật hiện hành, Bộ Y tế đang tiến hành sửa đổi Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác.

Trong đó, định hướng tập trung sửa đổi các vấn đề như độ tuổi người hiến, quyền lợi đối với người hiến; vấn đề về tuyên truyền, vận động hiến tặng mô, tạng; vấn đề xác định chết não; cơ chế tài chính trong hiến, ghép mô, tạng; các chế độ, chính sách cho đội ngũ nhân lực tham gia điều phối, tuyên truyền, vận động hiến mô, tạng…

Người tình nguyện hiến tặng một phần cơ thể để giành sự sống cho người khác rất xứng đáng được tôn vinh và chúng ta phải có trách nhiệm với họ.

Vì vậy, Luật Hiến lấy ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác nên được sửa đổi đồng bộ với Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) theo hướng BHYT, thanh toán toàn bộ chi phí xét nghiệm, đánh giá các chỉ số của người hiến tạng nhằm đảm bảo quyền lợi cho họ.

 

Thực tế, thời gian qua cho thấy, nhiều bệnh nhân sau khi được khám tại Bệnh viện Mắt Trung ương đã phải tìm đến các cơ sở y tế tư nhân để mổ mắt.

Trước đó, Bộ Y tế nhận được phản ánh của người bệnh, các cơ quan truyền thông về việc chuyển tuyến người bệnh tại một số bệnh viện không tuân thủ theo quy định. Chuyển người bệnh ra cơ sở y tế tư nhân vì mục đích vụ lợi, ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân tham gia BHYT.

Để chấn chỉnh hoạt động trên, Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện thực hiện chuyển tuyến người bệnh, theo Thông tư số 14/2014/TT-BYT quy định việc chuyển tuyến giữa các cơ sở khám chữa bệnh (KCB) và Thông tư số 40/2015/TT-BYT ngày 16/11/2015 quy định đăng ký KCB BHYT ban đầu và chuyển tuyến KCB BHYT.

Sở Y tế chỉ đạo các bệnh viện trực thuộc khi chuyển tuyến người bệnh đến KCB tại Bệnh viện Mắt Trung ương cần liên hệ, hội chẩn từ xa qua hệ thống công nghệ thông tin để Bệnh viện Mắt trung ương bố trí, sắp xếp điều trị cho người bệnh.

Trường hợp Bệnh viện Mắt Trung ương không có vật tư, thuốc điều trị, trang thiết bị, bệnh viện chuyển tuyến người bệnh đến các bệnh viện khác có năng lực thực hiện được các kỹ thuật.