Trước đó, sáng 7/12, tại khu vực trụ sở văn phòng Grab (ngõ 78 phố Duy Tân, quận Cầu Giấy, Hà Nội) hàng trăm tài xế GrabBike đã tập trung đình công, tắt app để phản đối việc đơn vị thông báo tăng giá cước trên mỗi chuyến đi từ ngày 5/12. |
Việc tập trung quá đông tài xế GrabBike khiến giao thông tại tuyến phố khó khăn, Công an quận Cầu Giấy đã huy động lực lượng để giữ gìn an ninh trật tự tại khu vực này. |
Càng về trưa, lượng tài xế kéo về văn phòng Grab càng nhiều hơn gây ùn tắc giao thông, nhiều người nhằm phản đối còn bấm còi xe, mua loa, treo băng rôn. |
Tiếp đó, khoảng đầu giờ chiều, các tài xế hô hào nhau ''diễu hành'', dàn hàng kín đường qua các tuyến phố, thậm chí tập trung tại các địa điểm như Đài truyền hình Việt Nam, Đài tiếng nói Việt Nam... để mong muốn truyền thông phản ánh, ''đòi'' lại quyền lợi cho tài xế... |
Anh Hoàng Văn Trường, tài xế GrabBike cho biết: ''Tôi cũng chỉ là người chạy xe để kiếm sống chứ có đối tác hay người kinh doanh gì đâu. Họ cho tôi là người kinh doanh rồi thu 10% doanh thu là không phù hợp với thực tế những người làm nghề như tôi''.Đồng tình với anh Trường, phần lớn tài xế đều cho rằng mức thu này quá cao và lo thu nhập thực nhận giảm mạnh trong bối cảnh cuộc sống ngày càng khó khăn vì ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. |
Nếu như trước đây mức khoán 3% thuế giá trị gia tăng (VAT) và 1,5% thuế thu nhập cá nhân như hiện nay, thì theo nghị định 126/2020/NĐ-CP bắt đầu từ ngày 5/12 mức thuế VAT với xe công nghệ sẽ là 10% trên doanh thu. Grab cho biết, vẫn giữ nguyên mức hoa hồng, việc tăng khấu trừ là ở phần tăng thuế VAT theo Nghị định 126. Để bù lại, đơn vị chủ động tăng giá dịch vụ GrabBike thêm 6%. Theo tính toán, thu nhập của tài xế sẽ bị ảnh hưởng nhưng chỉ ở mức 1%/năm. Tuy nhiên, các tài xế tham gia diễu hành cho rằng mức khấu trừ hiện tại là quá cao. Họ mong muốn mức khấu trừ trở về 20% như trước. |