Trong ngày 1/5, tại Quảng Bình, 10 tàu cá đánh bắt xa bờ của ngư dân trở về đất liền với sản lượng 96 tấn hải sản các loại và đã được các doanh nghiệp, cơ sở thu mua hết.
Hoạt động thu mua cá đánh bắt xa bờ tại Cảng cá sông Gianh sáng 1/5. Ảnh Báo Quảng Bình |
Cụ thể, trong số 10 tàu cá có 3 tàu cập bến tại Cảng cá sông Gianh (xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình) với sản lượng 28 tấn và 7 tàu cập bến tại các tỉnh, thành phố khác với sản lượng 68 tấn. Ngay sau khi cập bến, toàn bộ sản lượng hải sản đánh bắt xa bờ đều được các cơ quan chức năng tiến hành xác nhận nguồn gốc và kiểm định, chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm theo quy định. Các loại hải sản được ngư dân đánh bắt chủ yếu gồm: Cá ngừ, cá phèn, cá nục, cá hố, mực ống...
Sản lượng hải sản của ngư dân cập bến tại Cảng cá sông Gianh được siêu thị Co.opmart Quảng Bình phối hợp với Công ty TNHH tổng hợp Phước Sang và Công ty TNHH vận tải và thương mại Thuận Lợi thu mua, riêng siêu thị Co.opmart Quảng Bình thu mua 20 tấn; số hải sản còn lại của các tàu cập bến tại các tỉnh, thành khác đã được các tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở và tiểu thương ngoại tỉnh thu mua để bán ra thị trường.
Phó Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên - Huế ăn cá sạch cùng người dân. Ảnh: Zing.vn |
Ngoài ra, trong ngày 1/5, đường dây nóng của tỉnh Quảng Bình cũng đã tiếp nhận một số thông tin liên qua đến việc mua bán, vận chuyển và tiêu thụ hải sản của ngư dân trong tỉnh. Đa phần ý kiến đều thể hiện sự vui mừng, phấn khởi vì hải sản đánh bắt xa bờ của ngư dân đều được thị trường tiêu thụ hết. Đường dây nóng được lập ra nhằm kịp thời xử lý những hiện tượng về ép giá, lợi dụng tình hình để nâng giá quá mức, hoặc dìm hàng hóa không mua cho ngư dân.
Trong khi đó, tại Thừa Thiên Huế, 7 giờ sáng nay (2/5), trước tiền sảnh Siêu thị Co.opMart Huế ở số 6 Trần Hưng Đạo, TP Huế, hàng trăm người dân có mặt tại gian hàng quầy bán cá sạch thu mua từ các tàu đánh bắt xa bờ của ngư dân trên địa bàn tỉnh và chọn mua các loại thủy hải sản “sạch” đã được các cơ quan chức năng cấp giấy chứng nhận an toàn. Với số lượng ban đầu trên 500kg được doanh nghiệp thu mua vào chiều tối 1/5 tại các cảng cá trên địa bàn tỉnh, quầy bán cá sạch bao gồm các loại: Cá nục, cá bạc má, cá ngừ, cá hố, cá xước… Không chỉ cung ứng cá sạch, doanh nghiệp còn tổ chức gian hàng chế biến tại chỗ các loại thủy hải sản sạch để người dân thưởng thức trước khi quyết định mua sản phẩm. Ông Phan Ngọc Thọ - Phó Chủ tịch tỉnh cùng nhiều người đã ăn cá và các món hải ngay tại gian hàng. Chỉ trong sáng 2/5, quầy bán cá biển sạch của Siêu thị Co.opMart Huế đã tiêu thụ 0,5 tấn thủy hải sản các loại, tăng gấp 30 lần so với thời điểm trước khi có thông tin về cá chết và tăng 300 lần so với những ngày cuối tháng 4/2016. Giám đốc Siêu thị Co.opMart Huế Lê Thanh Tú cho biết thêm, trong chiều nay, doanh nghiệp sẽ tổ chức về Cảng cá Thuận An để tiếp tục thu mua cá biển do các tàu đánh bắt xa bờ đánh bắt và tổ chức thêm nhiều điểm cung ứng cho người dân với mong muốn vừa giúp ngư dân vươn khơi bám biển, đồng thời giúp người dân yên tâm sử dụng cá sạch.
Hàm lượng kim loại nặng trong thực phẩm biển Hà Tĩnh ở mức cho phép Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) quốc gia vừa có kết quả trả lời về việc kiểm nghiệm mẫu thực phẩm, rau và nước biển tại Hà Tĩnh. Theo đó, các mẫu sau khi được kiểm nghiệm cho thấy, hàm lượng kim loại nặng, thuốc bảo vệ thực vật, cyanide đều nằm trong ngưỡng cho phép. Theo ông Lê Ngọc Châu - Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hà Tĩnh: Ngành Y tế Hà Tĩnh sẽ tiếp tục chủ động lấy các mẫu thủy, hải sản trên địa bàn hàng ngày, phối hợp với Viện Kiểm nghiệm ATVSTP quốc gia tiến hành kiểm nghiệm các chỉ tiêu ATVSTP và có khuyến cáo cụ thể với bà con nhân dân. Trước đó, ngày 28/4, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), Viện Kiểm nghiệm ATVSTP quốc gia phối hợp với Chi cục ATVSTP Hà Tĩnh lấy 12 mẫu để kiểm nghiệm phân tích gồm: Cá biển các loại, tôm, cua, mực tươi sống, nước biển và rau tại khu vực Cảng cá xã Kỳ Nam, TX Kỳ Anh. |
Người dân háo hức mua cá sạch. Ảnh: Zing.vn |
Để xác nhận quy trình cá sạch đánh bắt từ vùng biển an toàn, Chi cục Thủy sản Thừa Thiên - Huế yêu cầu các tàu cá phải kê khai những thông tin cụ thể trong giấy chứng nhận. Quy trình bao gồm từ việc xác minh rõ tàu cá đánh bắt ở vùng biển và thời gian cụ thể. Tiếp đến, chủ tàu phải mô tả sản phẩm đánh bắt như tên loài, ngày giờ đánh bắt, tổng khối lượng khai thác, tổng khối lượng mua từ tàu cá khác... Sau đó, thuyền trưởng tàu cá ký tên xác nhận. Theo ông Phan Ngọc Thọ - Phó Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên - Huế, trước mắt tỉnh sẽ chỉ đạo các siêu thị tổ chức điểm bán hải sản sạch, sau đó phân phối đến các tư thương tại các chợ lớn trên địa bàn. Do đó, nguồn thu nhập của người dân vẫn được đảm bảo.