Hàng triệu xe máy điện nhập “chui”: Thất thoát tiền tỷ

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo báo cáo của Bộ Công an, có hàng triệu xe máy điện không có nguồn gốc hợp pháp đang lưu hành.

Vì thế, “siết” kiểm soát thuế loại xe này đang là giải pháp cần bàn đến để tránh tình trạng xe nhập lậu tuồn vào thị trường Việt Nam, gây thất thoát một số lượng tiền thuế lớn.
Cán bộ công an kiểm tra số xe máy điện của một người dân tới đăng kiểm ngày 7/12 vừa qua. Ảnh Phạm Hải
Cán bộ công an kiểm tra số xe máy điện của một người dân tới đăng kiểm ngày 7/12 vừa qua. Ảnh Phạm Hải
Thông tin từ Bộ Tài chính cho biết, trong giai đoạn từ 2010 - 2015, tổng số lượng xe máy điện sản xuất, lắp ráp trong nước đạt 16.722 chiếc, tổng lượng xe máy điện nhập khẩu: 2.091 chiếc, tổng số lượng xe máy điện kinh doanh (gồm kinh doanh thương mại và hộ kinh doanh) 20.381 chiếc. Trong khi số liệu từ Bộ Công an tại Công văn số 417/CSGT-P6 lại chỉ rõ, trong thời gian qua có hàng triệu xe máy điện không có nguồn gốc hợp pháp đang lưu hành. “Như vậy, có một số lượng lớn xe máy điện đang lưu hành không qua sự kiểm soát của cơ quan thuế và cơ quan hải quan” - đại diện Bộ Tài chính nhấn mạnh.

Trước thực trạng nêu trên, Bộ Tài chính đã đưa ra một số đề xuất nhằm tăng cường quản lý xe máy điện lưu hành trong thời gian tới. Cụ thể, Bộ này yêu cầu cơ quan hải quan tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc nhập khấu xe máy điện của tất cả các đối tượng như nhập khẩu thương mại, nhập khẩu phi thương mại... để thu thuế theo quy định. Với một số nơi không có cơ quan hải quan kiểm soát, Bộ Tài chính đề xuất Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ đội Biên phòng phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc nhập khẩu. Đối với các nơi khác như lối mòn, lối mở không có lực lượng chức năng quản lý, Bộ Tài chính đề xuất Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389) cùng các cơ quan chức năng tại địa phương kiểm tra, giám sát ngăn chặn tình trạng buôn lậu, vận chuyển, nhập lậu trái phép. Tại khâu lưu thông trên thị trường, Bộ Tài chính đề xuất UBND các tỉnh chỉ đạo thống kê để kiểm soát số lượng xe máy còn tồn kho và quản lý thuế. Trường hợp sau khi các cơ quan chức năng kiểm tra đã thống kê và kiểm soát số lượng, nếu phát sinh số lượng xe mới nhập thêm thì phải thống kê số lượng báo cáo với cơ quan thuế để cơ quan thuế theo dõi và quản lý theo quy định.

Trường hợp kiểm tra phát hiện không có hóa đơn, chứng từ, Bộ Tài chính yêu cầu các cơ quan thực hiện xử phạt theo các đúng quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực có liên quan. Ngoài ra, lãnh đạo Bộ Tài chính cũng đề xuất giao Bộ Công an chỉ đạo cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, xử phạt các trường hợp sử dụng xe máy điện vi phạm giao thông để tạo sức ép cho người dân đến đăng ký xe cũng như kiểm tra được tình hình đăng ký xe máy điện.

Trước đó, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về phương án xử lý đối với xe máy điện chưa thực hiện thủ tục đăng ký, Bộ Tài chính và Bộ Công an đã ban hành một số văn bản hướng dẫn miễn lệ phí trước bạ, cũng như giải quyết đăng ký, cấp biển số xe đối với xe mô tô điện, xe máy điện cho giai đoạn từ 6/12/2015 - 30/6/2016 theo hướng thông thoáng hơn về hồ sơ thủ tục. Cụ thể, hồ sơ thủ tục đăng ký xe máy điện, không cần phải có các hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của xe khi đăng ký như hóa đơn bán hàng, chứng tự lệ phí trước bạ, chứng từ nguồn gốc xe. Tuy nhiên, để đảm bảo không khuyến khích nhập khẩu, bán hàng hóa trốn thuế đối với xe máy điện trong giai đoạn này, Bộ Tài chính cho rằng cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần