Tới dự có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng; Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn; Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý.
Cũng như mọi năm, lễ khai hội chùa Hương năm nay bắt đầu bằng những màn múa tứ linh long, lân, quy, phượng tại cả 3 sân lớn chùa Thiên Trù. Du khách thập phương mãn nhãn bởi các màn múa linh vật đặc sắc với ý nghĩa tâm linh và các giá trị văn hóa truyền thống mang lại cho lễ hội chùa Hương một không gian văn hóa huyền ảo, độc đáo.
Phát biểu tại lễ khai hội, Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Nguyễn Văn Hoạt cho biết, năm 2018, huyện Mỹ Đức đón nhận Bằng di tích quốc gia đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ dành cho Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh quần thể Hương Sơn (chùa Hương), do đó, Lễ hội chùa Hương năm 2019 được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Mỹ Đức dành nhiều tâm sức chuẩn bị tổ chức nhằm có được một mùa lễ hội an toàn, văn minh, đồng thời gìn giữ và phát huy hiệu quả các giá trị của di sản.
“Tới đây, khi quy hoạch phân khu chức năng quần thể Hương Sơn (Chùa Hương) được cấp có thẩm quyền phê duyệt, sẽ là điều kiện thu hút các nhà DN đầu tư phát triển hạ tầng du lịch, phục vụ du khách và nhân dân ngày càng tốt hơn.
Lễ hội Chùa Hương năm 2019 là cơ hội để huyện Mỹ Đức đẩy mạnh giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, tài nguyên và sản phẩm du lịch đặc sắc của Hương Sơn tới bạn bè, du khách trong và ngoài nước. Qua đó, nâng cao vị thế, hình ảnh, đất nước, con người Việt Nam, Thủ đô Hà Nội nói chung và huyện Mỹ Đức nói riêng; đặc biệt là góp phần nâng cao đời sống của người dân, đổi thay diện mạo kinh tế - xã hội của địa phương”, Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức khẳng định.
Năm nay, lễ khai hội diễn ra đúng ngày cuối cùng của kỳ nghỉ Tết Nguyên đán giữa tiết trời mùa Xuân ấm áp, cho nên số lượng người hành hương về chùa Hương tăng cao hơn so với những năm trước. Dự kiến, khoảng 5 vạn du khách về trẩy hội vào ngày khai hội.
Lễ hội chùa Hương 2019 là lễ hội lớn nhất trong năm, kéo dài tới 3 tháng với chủ đề "Lễ hội kỷ cương - Văn minh du lịch". Ghi nhận thực tế của phóng viên báo Kinh tế & Đô thị cho thấy, từ sáng sớm, các tuyến đường dẫn vào khu di tích nườm nượp dòng xe cộ vào, ra. Song, nhờ các phương án phân luồng giao thông hợp lý, bố trí đầy đủ các lực lượng chức năng tham gia giữ gìn an ninh trật tự, an toàn giao thông tại những vị trí quan trọng, tình trạng ách tắc giao thông cơ bản không xảy ra.
Các đối tượng đeo bám, "cò mồi' khách sử dụng dịch vụ đã giảm đáng kể. Ban Tổ chức đã bố trí 4.000 đò hoạt động trên dòng suối Yến đều có giỏ đựng rác, trang bị phao cứu sinh. Các chủ đò được tập huấn, tuyên truyền về quy tắc ứng xử văn minh, lịch sự với du khách.
Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Hương Sơn (Chùa Hương), là một quần thể di tích, thắng cảnh gồm 21 ngôi chùa, động thờ Phật, ngôi đền thờ Thần theo tín ngưỡng nông nghiệp bản địa và gắn liền với Phật giáo Đạo tràng. Trải qua gần 6 thế kỷ, đến nay, Hương Sơn (Chùa Hương) vẫn giữ nguyên được giá trị về lịch sử và danh thắng.
Để chuẩn bị phục vụ du khách đến với hội Chùa Hương 2019, trong thời gian qua Ban Tổ chức lễ hội đã chỉ đạo việc đầu tư hạ tầng, sắp xếp lại các khu vực dịch vụ phục vụ khách với 318 gian hàng, hơn 4.000 chiếc thuyền, tăng cuờng công tác vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm ….
Phó Bí thứ Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng trồng cây lưu niệm tại chùa Hương. |
Cũng trong khuôn khổ chương trình Khai hội Chùa Hương năm nay, huyện Mỹ Đức đã chính thức phát động Tết trồng cây để hưởng ứng thực hiện lời dạy của Bác “Mùa xuân là Tết trồng cây/Làm cho đất nước càng ngày càng xuân”.
Dưới đây là một số hình ảnh trong ngày khai hội chùa Hương 2019:
Màn múa tứ linh long, lân, quy, phượng trong ngày khai hội. |
Sân chùa Thiên Trù ngày khai hội. |
Hàng vạn du khách đổ về chùa Hương ngày khai hội |
Dòng người đổ về chùa Hương ngày khai hội mỗi lúc một đông. |