Hàng vạn du khách trẩy hội Đền thờ Hai Bà Trưng và Cổ Loa

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 2/2 (tức mùng 6 Tết Đinh Dậu 2017), huyện Mê Linh đã long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 1.977 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng và khai hội Đền thờ Hai Bà Trưng.

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, cùng đại diện nhiều Bộ, ngành T.Ư và sở, ngành TP Hà Nội đã về dự, dâng hương, làm lễ tại Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt này.

 Phó Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Đặng Thị Ngọc Thịnh dâng hương, làm lễ tại Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền thờ Hai Bà Trưng (huyện Mê Linh) ngày 2/2 (tức mùng 6 Tết nguyên đán)
Theo ghi nhận của phóng viên, ngay từ 7 giờ sáng, dòng người từ khắp nơi đổ về Khu di tích Đền Hai Bà Trưng. Năm nay, công tác tổ chức, quản lý lễ hội được địa phương chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, bảo đảm an toàn, văn minh. Bên cạnh phần lễ, nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật, trò chơi dân gian cũng được tổ chức quy củ phục vụ nhu cầu thưởng ngoạn của du khách thập phương.
Thống kê của Ban tổ chức cho thấy, chỉ trong ngày đầu khai hội (2/2) đã có gần 1 vạn du khách đến vui Xuân tại lễ hội. Lễ hội Đền thờ Hai Bà Trưng sẽ kéo dài tới hết ngày 4/2 (tức mùng 8 Tết Nguyên đán).
* Lễ hội Đền Cổ Loa (huyện Đông Anh) kéo dài trong 2 ngày 1 - 2/2 (tức mùng 5 và mùng 6 Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017). Những năm qua luôn lễ hội Cổ Loa là điểm đến văn hóa tâm linh quan trọng, nhiều ý nghĩa của du khách thập phương trong hành trình vui Xuân đầu năm. 
Theo Phó trưởng phòng Văn hóa - thông tin huyện Đông Anh Nguyễn Thị Hạnh, không chỉ trong 2 ngày chính hội, ngay từ ngày mùng 2 Tết, đền Cổ Loa đã đón hàng ngàn lượt du khách về trẩy hội mỗi ngày. Cũng giống như hầu hết các lễ hội lớn khác của Hà Nội, lễ hội Đền Cổ Loa vẫn duy trì được nhiều trò chơi truyền thống như: Cờ người, đấu vật, đánh đu, bắn nỏ… đặc biệt là hội thi thổi cơm niêu. Bên cạnh đó, không gian lễ hội còn có khu vui chơi gồm nhiều trò chơi hiện đại dành cho trẻ em... 
Hội thi thổi cơm niêu tại lễ hội Đền Cổ Loa năm 2017. 
Năm 2017, tại Đền Hai Bà Trưng và Cổ Loa, lực lượng công an, dân phòng, thanh niên tình nguyện được bố trí, túc trực thường xuyên với mục tiêu xử lý kịp thời, triệt để những vấn đề phát sinh ngay trong quá trình diễn ra lễ hội. Dù vẫn còn đó một số hình ảnh chưa đẹp liên quan tới tổ chức kinh doanh, buôn bán, tuy nhiên, du khách thập phương có thể cảm thấy tương đối hài lòng về không gian lễ hội tại hai khu di tích. Hơn cả việc du Xuân, đến với lễ hội Đền thờ Hai Bà Trưng và Cổ Loa là cách để người dân Thủ đô, du khách thập phương bày tỏ lòng thành kính, biết ơn đối với công ơn to lớn của các thế hệ cha ông đã ra sức chiến đấu, dựng xây đất nước.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần