Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hàng về nông thôn vẫn thưa thớt!

Chia sẻ Zalo

KTĐT - 8 tháng qua, các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội mới chỉ tổ chức được 35 chuyến bán hàng về nông thôn, khu công nghiệp, khu chế xuất, trong khi kế hoạch đặt ra là năm 2012 phải có 38 phiên chợ Việt, 400 chuyến bán hàng lưu động.

Đây là thông tin được Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Văn Đồng cho biết tại buổi họp thông tin về công tác kích cầu tiêu dùng và bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn TP năm 2012, do Sở TT&TT Hà Nội tổ chức chiều 23/8. Theo đó, số lượng các chuyến bán hàng về nông thôn - một trong những hoạt động nằm trong khuôn khổ Chương trình bình ổn giá năm 2012, quá thưa thớt, ngay cả khi năm 2012, TP đã chi 376 tỷ đồng vốn không tính lãi suất để ứng vốn cho các doanh nghiệp (DN) tham gia.
 
Hàng về nông thôn vẫn thưa thớt! - Ảnh 1
Ảnh mang tính chất minh họa (Internet)

Giải đáp về nguyên nhân của thực trạng trên, đại diện Sở Công Thương cho rằng, do đa số các DN hiện đang gặp khó khăn vì khủng hoảng kinh tế, chưa kể mấy tháng gần đây, mưa bão kéo dài làm ảnh hưởng tới công tác tổ chức các phiên chợ về nông thôn. Kế hoạch đặt ra cho năm 2012, các DN phải tổ chức được 38 phiên chợ Việt tại 16 huyện ngoại thành và 400 chuyến bán hàng lưu động tại các quận, huyện, thị xã và 24 chuyến bán hàng chính sách xã hội tại các huyện Thạch Thất, Quốc Oai, Mỹ Đức. Tuy nhiên, 8 tháng qua, các DN mới tổ chức được 35 chuyến bán hàng, trong đó có 17 chuyến bán hàng lưu động, 5 phiên chợ Việt, 13 chuyến bán hàng phục vụ công nhân lao động. Như vậy, từ nay tới cuối năm, các DN phải tổ chức được 350 chuyến bán hàng. Đây được coi là sức ép quá lớn đối với các DN.

Về chất lượng hàng hóa, theo lãnh đạo Sở Công Thương và Sở TT&TT, những chuyến hàng do TP tổ chức, các mẫu hàng hóa đều phải thông qua sự giám sát của cơ quan chức năng. Tuy nhiên, DN phải lựa chọn những mặt hàng có mức giá phù hợp với thu nhập của người dân nông thôn. Ngoài ra, các phiên chợ này đều do địa phương phối hợp với DN tổ chức nên không tránh khỏi sự lỏng lẻo trong kiểm tra, giám sát chất lượng.