Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hàng Việt bắt nhịp tiêu dùng xanh

Thu Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày nay, tiêu dùng trong xã hội hiện đại không chỉ đặt ra những yêu cầu về chất lượng, công dụng, giá thành mà còn đòi hỏi tính thân thiện với môi trường.

Thực phẩm bọc lá chuối tại siêu thị Big C Thăng Long. Ảnh: Chiến Công
Thực phẩm bọc lá chuối tại siêu thị Big C Thăng Long. Ảnh: Chiến Công

Xu thế tiêu thụ sản phẩm xanh

Việt Nam là một trong những thị trường bán lẻ hấp dẫn ở khu vực và trên thế giới với dân số gần 100 triệu người, trên 50% là dân số trẻ, tổng mức tiêu dùng cuối cùng chiếm khoảng 70% tổng ngân sách quốc nội (GDP). Dự báo đến năm 2025 sẽ đạt 4.900 USD/người và đến năm 2045 khả năng đạt 18.000 USD/năm.

Cũng như nhiều nước trên thế giới, tại Việt Nam, tiêu dùng xanh đang dần trở thành một xu thế mới và nhận thức của người tiêu dùng về vấn đề này đã được nâng cao. Số liệu thống kê của Bộ TN&MT cho thấy có tới 80% người tiêu dùng Việt sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các sản phẩm có cam kết xanh, sạch, sản xuất từ những nguyên liệu thân thiện với môi trường.

Dưới góc độ người tiêu dùng, anh Lê Văn Thắng (ngõ 85 Nguyễn Lương Bằng, Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ: “Trước đây, các quán cà phê dùng ống hút nhựa nhưng hiện nhiều nơi dùng ống hút bằng giấy được làm bằng vật liệu hữu cơ. Tôi rất ủng hộ việc thay đổi này bởi nó sẽ góp phần bảo vệ môi trường và an toàn cho sức khỏe hơn là ly nhựa dùng một lần kém chất lượng”.

Tại các hệ thống siêu thị như BRG/HaproMart, Co.opmart, Winmart, Go! & Big C, Lotte Mart, MM Mega Market... đều ưu ái dành những vị trí nổi bật, dễ lựa chọn cho sản phẩm Việt Nam chất lượng cao, OCOP, thực phẩm hữu cơ đạt tiêu chuẩn Mỹ và châu Âu.

Chị Nguyễn Quỳnh Hương (trú tại ngõ 34 phố Hoàng Cầu, Đống Đa) chia sẻ, các sản phẩm organic dù giá cao hơn hàng hóa thông thường cùng chủng loại được bày bán tại các chợ dân sinh từ 10 - 20% nhưng người tiêu dùng vẫn sẵn sàng chi trả để bảo vệ sức khỏe của gia đình.

Chi phí là rào cản lớn nhất

Giám đốc Công ty TNHH Thế giới dinh dưỡng - Nutriworld Nguyễn Tân Phú chia sẻ, để hàng Việt ngày càng trở nên thân thiện với người tiêu dùng và giảm thiểu tác động đến môi trường. Khoảng 5 năm trở lại đây, ngoài các phương pháp sơ chế tự nhiên, công ty còn đóng gói bao bì giấy để dần thay thế cho các loại bao bì nilon khó phân hủy. Tuy nhiên, chi phí sử dụng bao bì giấy gần gấp đôi so với bao bì nilon nên công ty chủ yếu sản xuất theo nhu cầu.

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn An Phát Holdings Nguyễn Lê Trung cho biết, dù sản phẩm thân thiện môi trường của DN đã phủ xanh thị trường của 20 quốc gia trên thế giới trong đó có những thị trường khó tính nhất như Nhật, Mỹ, Canada… nhưng hiện tại sản phẩm túi sinh học phân hủy vẫn khó nhân rộng tại các siêu thị Việt Nam.

“Nguyên nhân là do chi phí sản xuất cao và phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu nên túi sinh học có giá cao hơn nhiều so với túi nhựa thông thường. Hiện tại, túi sinh học phân hủy đạt tiêu chuẩn quốc tế trên thị trường có mức giá dao động từ 140.000 - 160.000 đồng/kg trong khi túi nilon chỉ khoảng từ 20.000 - 40.000 đồng/kg. Đây là một trong những rào cản khiến bao bì xanh chưa đến tay người tiêu dùng nội địa” - ông Trung phân tích.

Nhiều DN trong lĩnh vực dệt may cũng chia sẻ khách hàng trong nước chưa chú trọng nhiều đến nguyên liệu xanh nên việc tiêu thụ không dễ dàng. Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Vũ Đức Giang cho biết, khó khăn lớn nhất là giá thành vải làm từ các loại sợi xanh còn quá cao so với các nguyên liệu khác khiến DN sản xuất phải trả thêm từ 30 - 40% chi phí so với sợi thông thường. Điều này khiến sản phẩm khó tiêu thụ.

Theo các chuyên gia kinh tế, muốn phát triển sản phẩm thân thiện với môi trường nhất là mặt hàng dệt may đòi hỏi phải có thị trường tiêu thụ, khi có đầu ra sẽ tạo đà để DN nghiên cứu, sản xuất nguyên liệu và sản phẩm thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó, rất cần những cơ chế, chính sách, chương trình hỗ trợ phù hợp của các cơ quan chức năng, địa phương trong việc khuyến khích các mô hình sản xuất, tiêu dùng xanh, bền vững.