Sau 10 năm triển khai, đến nay nhiều sản phẩm hàng hóa chinh phục được người tiêu dùng, trong đó nhiều sản phẩm trở thành niềm tự hào của người Việt Nam. Hiện, hàng Việt vẫn chiếm tỷ lệ 80 - 90% tại các kênh phân phối hiện đại, 60% tại các kênh bán lẻ truyền thống.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết: Cuộc vận động đã tạo được niềm tin và sự quan tâm mua sắm, tiêu dùng trong phần lớn người tiêu dùng Việt Nam đối với hàng hóa thương hiệu Việt cũng như khơi dậy được tiềm năng dồi dào về nguồn lực và năng lực kinh doanh, phân phối của mọi thành phần kinh tế.
Đặc biệt từ chỗ vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, đến nay đã có nhiều sản phẩm hàng hóa chinh phục được người tiêu dùng. Đáng chú ý, một số ngành sản xuất hàng Việt Nam có thế mạnh đã tăng tỷ lệ nội địa hóa và hàm lượng khoa học công nghệ trong sản phẩm. Đơn cử, tỷ lệ nguyên phụ liệu nội địa của ngành Dệt May chiếm khoảng 50%, tỷ lệ nội địa hóa ngành da giầy chiếm khoảng 40-50%... Những chuyển biến trên đã góp phần hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu kinh tế theo hướng kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, giảm nhập siêu, tiến tới xuất siêu trong những năm gần đây.
Nhằm đẩy mạnh triển khai sâu rộng Cuộc vận động trong thời gian tới, Bộ sẽ trình Chính phủ ban hành chiến lược phát triển thị trường trong nước giai đoạn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035, trong đó tập trung vào các giải pháp xúc tiến thương mại trong nước; ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn hàng hóa phù hợp với cam kết quốc tế.
Phát triển mạng lưới phân phối theo hướng khuyến khích đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực phân phối có khả năng kết nối với DN trong nước. Khuyến khích thành lập, phát triển các hiệp hội bán buôn, bán lẻ tại các vùng miền và DN thương mại, bán lẻ kinh doanh hàng hoá chuyên ngành, tổng hợp, dịch vụ logistics, quản lý và kinh doanh chợ, các DN liên kết sản xuất chế biến và tiêu thụ hàng nông sản - thực phẩm… Từ đó tạo thành các chuỗi giá trị hàng hóa thương hiệu Việt của ngành công thương.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nêu rõ sau 10 năm thực hiện Cuộc vận động đã góp phần hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội, đặc biệt là trong kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, giảm tỷ lệ nhập siêu, tiến tới xuất siêu trong nhiều năm gần đây là tín hiệu đáng mừng cho tiến trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế.
Về nhiệm vụ thời gian tới, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Công Thương và các đơn vị, tiếp tục cố gắng, sáng tạo tìm ra nhiều hình thức, cách làm phù hợp với thực tiễn trong việc triển khai, thực hiện Cuộc vận động, nhằm khơi dậy mạnh mẽ bản lĩnh, ý chí, sức sáng tạo của người Việt Nam, nâng cao chất lượng, uy tín của hàng Việt Nam, chiếm lĩnh thị trường trong nước và ngày càng thâm nhập sâu rộng vào thị trường quốc tế.
“Bộ cần rà soát, bổ sung chương trình hành động tổ chức thực hiện Cuộc vận động, phát huy hơn nữa vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng trong việc hưởng ứng thực hiện Cuộc vận động, xác định đây là nhiệm vụ thường xuyên trong chương trình công tác, cũng như đẩy mạnh triển khai và giám sát thực hiện Đề án về phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động giai đoạn 2014-2020.