Kết quả cuộc khảo sát do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội thực hiện cho thấy, hiện nay có tới 47% người tiêu dùng (NTD) tin tưởng vào hàng Việt (năm 2011 là 28,8%), 47,6% cho biết sẵn sàng lựa chọn sử dụng hàng sản xuất tại Việt Nam (năm 2011 là 16,5%). Rõ ràng đang có sự chuyển biến hết sức tích cực trong tâm lý, thói quen của NTD với hàng Việt.
Chiếm lĩnh lại “sân nhà”
Tâm lý sính hàng ngoại trong một thời gian dài đã trở nên rất phổ biến trong đại bộ phận NTD. Hàng Việt vì thế khó chen chân, khó "sống" ngay trên chính "sân nhà". Vậy nhưng, kể từ khi có Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (năm 2009), cùng với những nỗ lực nâng cao chất lượng và mẫu mã sản phẩm của các doanh nghiệp (DN), hàng Việt dần được NTD đón nhận và đánh giá cao.
Tại nhiều địa phương, mặt hàng dệt may, da giày được 80% NTD ưa chuộng; ở một số siêu thị, hàng hóa trong nước chiếm từ 80 - 100%. Theo khảo sát của Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, trên địa bàn TP, tại hệ thống siêu thị Big C, hàng sản xuất trong nước chiếm đến 90%; hệ thống siêu thị Saigon Co.op Mart có khoảng 95% là hàng Việt, hệ thống siêu thị Vinatex Mart có 100% sản phẩm là hàng sản xuất tại Việt Nam... Riêng ở các hệ thống cửa hàng bình ổn thị trường, gần 90% là hàng sản xuất trong nước. Tại khu vực nông thôn, vốn trước đây là địa bàn của hàng Trung Quốc, hàng nhập lậu thì nay có tới 80% hàng hóa được bay bán là hàng Việt Nam, trong đó, 90% sản phẩm phục vụ nhu cầu học tập của học sinh là do các DN trong nước sản xuất. Trên nhiều đường phố Hà Nội và các TP lớn, các cửa hàng mang biển hiệu "Made in Việt Nam" xuất hiện ngày càng nhiều đã cho thấy hàng Việt đang thực sự chiếm lĩnh lại "sân nhà".
Đánh giá về ý nghĩa của Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đối với các DN sản xuất trong nước, ông Hoàng Vệ Dũng - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) khẳng định: "Cuộc vận động đã thực sự làm thay đổi cách nghĩ của nhiều DN, nhà phân phối cũng như NTD, khơi dậy được ý thức tự cường, tự hào dân tộc, thúc đẩy DN sản xuất hàng hóa có chất lượng tốt, có sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu của NTD trong nước".
Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) Nguyễn Tiến Vượng cũng đồng tình cho rằng, Cuộc vận động đã thúc đẩy các DN kinh doanh bán lẻ như Hapro tăng cường tỷ trọng hàng hóa có nguồn gốc nội địa. Tại hệ thống bán lẻ Hapro, hàng Việt chiếm khoảng 80% tổng cơ cấu hàng hóa. Tổng công ty có định hướng ưu tiên những sản phẩm nội địa có chất lượng cao, có thương hiệu thay thế hàng nhập ngoại, doanh thu các mã hàng Việt Nam trong tổng doanh thu toàn hệ thống bán lẻ Hapro cũng đã tăng từ 30 - 50% so với những năm trước.
Để hàng Việt tiếp tục vươn xa
Ông Trần Long Hồ - Giám đốc Công ty TNHH Cơ khí Thương mại Việt Long chia sẻ: "Sản xuất phụ tùng xe đạp và lắp ráp xe đạp là thế mạnh của Công ty. Chúng tôi đưa ra thị trường 2 thương hiệu xe đạp Việt Long và một thương hiệu tên nước ngoài. Tuy nhiên, NTD lại ưa chuộng dòng xe đạp Việt Long hơn cả. Tôi cho rằng, đã có sự chuyển biến lớn trong tâm lý NTD khi chọn mua một chiếc xe đạp thực sự "thuần Việt".
Theo bà Nguyễn Thị Bích Phượng - đại diện Công ty TNHH Sản xuất hàng tiêu dùng Bình Tiên (Biti's) miền Bắc, DN rất mong chờ sự ủng hộ về mặt bằng sản xuất. Hiện nay, Biti's mới có nhà máy sản xuất ở các tỉnh phía Nam, thời gian tới, Công ty muốn xây dựng cơ sở sản xuất tại thị trường phía Bắc để giúp giảm chi phí và đưa hàng Biti's đến đông đảo NTD miền Bắc. "Ngay từ khi mới thành lập, Biti's đã xác định thị trường nội địa là trọng tâm, chúng tôi mong muốn được sản xuất những sản phẩm tốt nhất phục vụ cho người Việt" - bà Phượng tâm sự.
Những mong muốn chính đáng của DN đã được UBND TP Hà Nội ghi nhận và đang từng bước giải quyết để giúp hàng Việt đến tay NTD với chất lượng và giá thành tốt nhất. Hiện nay, thị trường nông thôn vẫn chưa được khai thác tốt, nhằm tạo điều kiện cho các DN đưa hàng về nông thôn và các khu công nghiệp, khu chế xuất, TP đã tổ chức nhiều chuyến bán hàng về nông thôn. Năm 2009 đã tổ chức được 20 chuyến hàng đạt doanh thu trên 1 tỷ đồng. Qua từng năm, số lượng các DN tham gia ngày càng tăng, năm 2013 tổ chức được 38 chuyến bán hàng Phiên chợ Việt, 526 chuyến bán hàng lưu động, tổng doanh thu 23 tỷ đồng. Năm 2014, Hà Nội dự kiến tổ chức 34 chuyến bán hàng Phiên chợ Việt, 500 chuyến bán hàng lưu động, thực hiện bán hàng tại 13 xã miền núi vào dịp Tết Nguyên đán. Bên cạnh đó, TP còn ban hành nhiều quy định hỗ trợ lãi suất sau đầu tư, liên kết DN với ngân hàng để giải quyết khó khăn về vốn, lãi suất vốn vay ngân hàng. Đồng thời, mở rộng có hiệu quả chương trình bình ổn thị trường với sự tham gia chủ yếu của các sản phẩm do DN trong nước sản xuất.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn khẳng định, TP sẽ luôn hỗ trợ để DN sản xuất và quảng bá sản phẩm tới tay NTD, nhưng về phía các DN cũng phải không ngừng cải tiến mẫu mã, chất lượng sản phẩm để đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Người tiêu dùng mua hàng tại Siêu thị Hapro Gia Lâm, TP Hà Nội. Ảnh: Trần Việt
|
Tại Lễ tổng kết 5 năm Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tổ chức sáng 17/7, UBND TP Hà Nội đã tặng Bằng khen cho 58 tập thể, 22 cá nhân có thành tích xuất sắc trong Cuộc vận động giai đoạn 2009 - 2014. Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội cũng tặng Bằng khen cho 48 tập thể và 41 cá nhân có thành tích trong Cuộc vận động. |