KTĐT - Đánh giá của Bộ Công Thương cho thấy, trong 6 tháng triển khai chương trình hành động, đã giúp người tiêu dùng trên cả nước được tiếp cận trực tiếp với thương hiệu, doanh nghiệp Việt, có đủ thông tin để so sánh, đánh giá, tránh hàng giả, hàng nhái và tạo điều kiện cho hàng Việt phát triển.
Theo ông Trương Quang Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước Bộ Công Thương, chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” là một cơ hội vàng để nâng cao uy tín thương hiệu đối với người tiêu dùng, đem lại cơ hội sản xuất kinh doanh tại thị trường nội địa.
Cụ thể, trong 68 đợt bán hàng về nông thôn do Sở Công Thương các tỉnh tổ chức từ đầu năm 2010 đã mang lại cho các doanh nghiệp một doanh số bán hàng ấn tượng, với trên 1.467 tỷ đồng doanh thu và thu hút hơn 4.785.000 lượt khách tham quan và mua sắm.
Tại buổi sơ kết 6 tháng chương trình hành động của Bộ Công Thương thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, do Bộ Công Thương tổ chức, sáng nay 22/7, nhiều ý kiến của các chuyên gia cũng cho rằng cuộc vận động không chỉ giúp các doanh nghiệp nhận thức được vai trò của thị trường nội địa mà quan trọng hơn là niềm tin của người tiêu dùng đã được nâng lên rõ rệt.
Đánh giá của Bộ Công Thương cho thấy, trong 6 tháng triển khai chương trình hành động, đã giúp người tiêu dùng trên cả nước được tiếp cận trực tiếp với thương hiệu, doanh nghiệp Việt, có đủ thông tin để so sánh, đánh giá, tránh hàng giả, hàng nhái và tạo điều kiện cho hàng Việt phát triển.
Nếu theo kết quả điều tra tiến hành tại 16 nước châu Á của Tập đoàn Grey Group (Mỹ), trước đây có đến 77% người tiêu dùng Việt Nam ưa chuộng các thương hiệu nước ngoài, tức là chỉ có 23% người tiêu dùng Việt Nam ưa chuộng các thương hiệu trong nước, thì theo điều tra mới nhất, sau gần 1 năm phát động chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã có 58% người tiêu dùng quan tâm đến hàng Việt.
Đây cũng chính là kết quả từ việc không ngừng nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã của chính các doanh nghiệp trong nước nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu tiêu dùng nội địa, qua đó thay đổi hành vi mua sắm của người tiêu dùng khi lựa chọn hàng Việt.
Đặc biệt, thông qua các chuyến bán hàng về nông thôn đã tạo ra sự gắn kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp trong việc phát triển thị trường nội địa và hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm của nhau, qua đó khắc phục những hạn chế về vốn và công nghệ mà các doanh nghiệp gặp phải.
Bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ Doanh nghiệp (BSA) cho rằng, chương trình không chỉ đem lại doanh số bán hàng mà mạng lưới phân phối cũng được hình thành từ chính các doanh nghiệp địa phương, qua đó đẩy lùi hàng giả, hàng kém chất lượng và làm chuyển biến mối quan tâm của người tiêu dùng nông thôn về hàng Việt.
Tuy nhiên, tại nhiều nơi, cuộc vận động vẫn còn mang tính hình thức, chưa tạo sự tham gia sâu rộng của các doanh nghiệp, thậm chí một số doanh nghiệp còn lợi dụng khuyến mại để thực hiện hành vi gian lận thương mại, tiêu thụ các mặt hàng tồn kho, hàng quá đát…làm ảnh hưởng đến lợi ích của người tiêu dùng, từ đó làm giảm đi ý nghĩa thiết thực của cuộc vận động.
Bên cạnh đó, năng lực của một số doanh nghiệp nội địa còn nhiều bất cậ́p, chưa đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng trong nước cả về số lượng, chất lượng và giá cả chưa cạnh tranh được với hàng ngoại nhập, đặc biệt là vật tư, thiết bị chuyên ngành phục vụ sản xuất.
Do vậy, nhằm tạo ra một sự lan tỏa mạnh mẽ trong việc hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, theo Thứ trưởng Bộ Công thương, Hồ Thị Kim Thoa, cần có một cơ chế chính sách rõ ràng và làm sao để người cuộc vận động đi đến người tiêu dùng, từng người dân, chứ không chung chung, hình thức bên trên.
Trước hết là tập trung sản xuất ra hàng hóa đảm bảo đúng yêu cầu với giá thành cạnh tranh. Xây dựng bản đồ hệ thống phân phối ở Việt Nam phù hợp với điều kiện mở cửa hệ thống bán lẻ theo cam kết gia nhập WTO từ 1/1/2009 giúp hàng hóa Việt Nam có thể bám rễ vững chắc tại thị trường nội địa.
Đặc biệt, với hơn 4,5 triệu kiều bào nước ngoài, bản thân họ cũng là những người tiêu dùng nhưng đồng thời cũng là cánh tay nối dài để hàng Việt vươn xa. “Do vậy, cần có những tuyên truyền sâu rộng để 4,5 triệu kiều bào trở thành 4,5 triệu đại sứ hàng Việt trong tương lai,” Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa nhấn mạnh./.