Để hạn chế tình trạng này đòi hỏi các cấp, các ngành sớm có biện pháp chấm dứt việc chứng thực tràn lan.
Cầm bản chính đến rồi, vẫn đòi phải nộp thêm cả bản chứng thực dẫn đến lãng phí nhiều tiền bạc, công sức của công dân, trong khi cán bộ cũng "hoa mắt" vì công việc quá tải. Quy định đã có, nhưng tình trạng này vẫn kéo dài nhiều năm qua mà chưa có chuyển biến.
Khai tử cũng phải chứng thực
Chuyện tưởng như đùa ấy lại diễn ra khá phổ biến ở nhiều nơi. Bố mất đột ngột, không kịp để lại di chúc, khi ra phường làm giấy khai tử, anh Nguyễn Văn T. (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai) được cán bộ của phường hướng dẫn "nên sao thêm khoảng chục bản vì sau này còn rất nhiều thủ tục cần phải có, quay lại đây làm sẽ mất thời gian". Quả thật, sau này đi làm các thủ tục liên quan đến thừa kế, bảo hiểm xã hội, thay đổi hộ khẩu, chuyển tên điện thoại..., ở đâu cũng đề nghị phải kèm theo bản sao giấy khai tử. Anh T. bảo: May mà cô cán bộ biết việc chứ không sẽ phải đi lại mấy lần để sao y bản chính. Chỉ có điều, người chết rồi mà giấy tờ vẫn lằng nhằng thế, làm gì cũng phải chứng thực.
Còn với anh Vũ Hữu Ngọc (phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai), khi chuẩn bị ra phường làm giấy khai sinh cho con nhận được khá nhiều lời khuyên: Nên sao ra thêm hai chục bản nhé, vì sau này có việc gì liên quan đến bọn trẻ đều phải nộp bản sao có chứng thực đấy. Nào là bảo hiểm y tế, hộ khẩu để sau này đi học nữa. Nghe cũng hợp lý.
Trên đây là hai ví dụ điển hình của thực trạng khá phổ biến về tình trạng chứng thực tràn lan, gây lãng phí lớn về tiền bạc, công sức người dân và thời gian của cán bộ, công chức. Chị Nguyễn Thị Lan Anh ở Xuân La (quận Tây Hồ) nói: "Khổ nỗi đâu đâu cũng đòi chứng thực. Đã cầm bản chính đến rồi mà người ta vẫn yêu cầu cả bản sao có dấu đỏ mới yên tâm. Tôi làm trong ngành thiết kế xây dựng, nên mỗi lần nộp hồ sơ thầu phải lên đến hàng trăm bản, rất lãng phí".
Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị về tình trạng này, rất nhiều lãnh đạo các phường đều bày tỏ sự ngao ngán vì chứng thực quá nhiều. Nhân lực ít, khối lượng công việc lớn, nhưng mỗi nơi cũng phải bố trí ít nhất một cán bộ tiếp nhận hồ sơ và một lãnh đạo để ký, mất nhiều thời gian. Chủ tịch UBND phường Khương Thượng Nguyễn Đình Tiên (quận Đống Đa) không giấu nổi bức xúc khi đề cập đến tình trạng này: “Bao nhiêu vấn đề phải giải quyết ở cơ sở, mà suốt ngày phải đút chân vào gầm bàn để ngồi ký. Không ký không được, bởi đã hẹn người dân đúng giờ phải trả, mà làm thì không xuể. Trong khi đó, hầu hết các lệ phí phải nộp hết về kho bạc, ngân sách địa phương đã hạn hẹp, lại phải "co kéo" cho nhân lực phục vụ việc này. Đề nghị sớm nghiên cứu hạn chế tình trạng này; đồng thời tăng trách nhiệm cho các cơ quan, đơn vị khi nhận hồ sơ phải trực tiếp đối chiếu bản chính với bản phô tô, không nên đẩy hết việc cho xã, phường".
Những con số giật mình
Để tìm hiểu kỹ hơn về thực trạng lạm dụng chứng thực, chúng tôi đã làm việc với phòng Hành chính tư pháp (Sở Tư pháp Hà Nội) và được cung cấp những con số giật mình. Năm 2013, toàn TP có số lượng bản sao đã chứng thực là 13.973.789 bản, tức là trung bình mỗi người dân Hà Nội từ cụ già đến... em bé sơ sinh mỗi năm phải chứng thực 2 bản. Chỉ tính riêng tiền lệ phí hàng năm đã là trên 35, 6 tỷ đồng, chưa kể đến tiền xăng xe đi lại, thời gian chờ đợi của công dân và thời gian làm việc của cán bộ, công chức. Tình trạng này diễn ra phổ biến từ các quận như Ba Đình (447.000 bản), Hà Đông (577.000), Hoàn Kiếm (351.000) đến những huyện đời sống còn khó khăn như Ba Vì (141.000 bản với 437 triệu đồng tiền lệ phí), Ứng Hòa (103.000 bản - 384 triệu đồng)...
Khối lượng công việc quá lớn, trong khi hầu hết "đổ lên đầu" cấp xã, phường, thị trấn nên nhiều nơi kêu trời vì quá tải. Nhất là xã, phường nào có trụ sở "mặt tiền đẹp", gần đường giao thông và trường học thì cán bộ ngày nào cũng "hoa mắt" vì đối chiếu giấy tờ, còn lãnh đạo mỏi tay vì ký. Như tại phường Láng Hạ (quận Đống Đa), năm 2013 chứng thực bản sao trên 13.000 bản, phường Kim Liên (quận Đống Đa), trên 11.000 bản, hay Tây Đằng (Ba Vì) cũng gần 10.500 bản... Tính ra mỗi ngày (tính cả thứ Bảy, Chủ nhật), thị trấn Tây Đằng phải giải quyết 30 bản, mất nhiều thời gian của người dân và cán bộ, công chức.
Trưởng phòng Hành chính Tư pháp (Sở Tư pháp Hà Nội) Nguyễn Thị Hằng cho biết, dù trong Điều 6, Nghị định 79 ngày 18/5/2007 của Chính phủ và từ năm 2012 Sở Tư pháp Hà Nội cũng đã có Văn bản 1064, trong đó nêu rõ "cá nhân, tổ chức có quyền lựa chọn việc nộp bản sao từ sổ gốc, bản sao có chứng thực hoặc nộp bản sao không có chứng thực xuất trình kèm bản chính để đối chiếu", tuy nhiên thực tế lại không được các cơ quan, đơn vị thực hiện tốt.
Tình trạng này diễn ra phổ biến ở các lĩnh vực như tuyển sinh, tuyển dụng, tuyển lao động, giải quyết chính sách, hợp đồng giao dịch... Nguyên nhân có thể do một số cán bộ, công chức chưa được hướng dẫn, hoặc không hiểu rõ quy định này nên sợ sai, né tránh trách nhiệm, đẩy phần khó, phần phiền toái cho dân. Nhưng có một thực tế là không ít cán bộ, công chức cố tình yêu sách để "vòi vĩnh", "hành dân". Hệ lụy của tình trạng sử dụng bản sao có chứng thực đã vượt quá sự cần thiết, gây phiền hà, tốn kém cho người dân, lãng phí cho xã hội; gây áp lực quá tải cho hệ thống chính quyền cơ sở, nhất là vào mùa thi cử, tuyển sinh các cấp học. Những chuyện tưởng chừng có vẻ như "vụn vặt" đó hiện đang làm xấu hình ảnh đội ngũ cán bộ công chức và nguy hại hơn là uy tín của chính quyền bị giảm sút. Trước thực trạng này, mới đây, (ngày 20/6), Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị yêu cầu chấn chỉnh tình trạng lạm dụng yêu cầu nộp bản sao có chứng thực đối với giấy tờ, văn bản khi thực hiện thủ tục hành chính và giao cho các bộ, ngành, địa phương phải hoàn thành trước ngày 31/3/2015.
(Còn nữa)
Người dân làm thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa UBND phường Khương Thượng, quận Đống Đa. Ảnh: Phạm Hùng
|