Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hành lang an toàn đường sắt tại Hà Nội: Tai nạn giao thông luôn rình rập

Trình Vũ - Quý Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những vụ tai nạn giao thông (TNGT) đường sắt đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trong mấy ngày gần đây thực sự gióng tiếp hồi chuông báo động về vi phạm hành lang an toàn giao thông (ATGT) đường sắt.

 Một cầu dẫn tự chế được buộc vào đường ray xe lửa trên địa phận xã Văn Tự, huyện Thường Tín. Ảnh: Nguyễn Quý
Phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị đã thực hiện một cuộc khảo sát dọc tuyến QL1A, nơi có tuyến đường sắt Bắc – Nam đi qua để ghi nhận về thực trạng và công tác đảm bảo ATGT đường sắt trên địa bàn Hà Nội.
Tự ý phá barie đường sắt làm lối đi

Đi dọc tuyến đường sắt Bắc – Nam chạy song song với QL1A, qua địa bàn các huyện Thanh Trì, Thường Tín và Phú Xuyên, điều dễ nhận thấy là tình trạng đường ngang tự mở của các hộ dân sống dọc tuyến xuất hiện nhan nhản. Cùng với đó là hàng quán mọc lên, vật liệu xây dựng, phế thải đổ bừa bãi dọc theo hành lang ATGT đường sắt. Đây thực sự là những mối hiểm họa thường trực, không chỉ xâm phạm đến hành lang ATGT đường sắt mà còn tiềm ẩn nguy cơ TNGT, đe dọa tính mạng và tài sản của người dân cũng như ngành đường sắt.

Tại đường Ngọc Hồi (thuộc địa phận thị trấn Văn Điển, huyện Thanh Trì) gần như toàn bộ tuyến đường sắt đều có nhà dân mọc lên san sát dọc theo chiều dài tuyến, vừa là nơi cư trú, vừa trở thành cửa hàng kinh doanh, buôn bán. Để thuận tiện cho việc kinh doanh, những hộ dân này đã tự ý mở lối đi cắt ngang đường sắt, tháo rỡ barie bảo vệ đường tàu để làm lối đi lại. Dọc tuyến đường Ngọc Hồi có nhiều đoạn barie đường sắt dài đến hàng vài trăm mét đã bị tháo dỡ làm đường dân sinh, không có rào chắn cũng như biển báo, hệ thống cảnh báo tàu chạy.
Bên cạnh việc nâng cao ý thức của người dân, chấp hành nghiêm các quy định của luật, Bộ GTVT cũng cần đổi mới cách quản lý, vận hành của ngành đường sắt để vừa hiệu quả, vừa an toàn.

ĐB Quốc hội Lê Công Nhường - Ủy viên Ủy ban KHCN&MT
Hàng ngày, những hộ dân sinh sống dọc tuyến đường sắt ở khu vực này vẫn đi lại và vô tư hoạt động kinh doanh ngay trên những lối đi cắt ngang đường tàu. Anh Trần Văn Thái, một người dân sống tại đây cho biết, tình trạng trên đã tồn tại từ nhiều năm nay. “Theo kinh nghiệm của chúng tôi, mỗi khi đi qua khu dân cư, tàu đều kéo còi từ xa, tiếng máy tàu cũng rất lớn nên dễ dàng nhận ra để phòng tránh” - anh Thái nói.

Đến địa phận huyện Thường Tín, tình trạng đường ngang tự mở và xâm phạm hành lang ATGT đường sắt trở nên nghiêm trọng hơn. Tại khu vực phố Tía (xã Tô Hiệu, huyện Thường Tín) và xã Văn Tự, suốt một đoạn dài hàng trăm mét barie bảo vệ hành lang đường sắt cũng bị tháo dỡ nham nhở để làm lối đi cho những hộ dân sống dọc đường. Những đường ngang tự mở này cũng không hề có rào chắn, biển báo hay hệ thống báo hiệu tàu chạy. Để thuận tiện cho việc đi lại trên những con đường ngang tự phát cắt ngang đường tàu, người dân ở đây đã “thiết kế” những cầu dẫn tự chế bằng nhiều loại vật liệu khác nhau, thậm chí còn tự ý cào đá viên lấp đầy khoảng không giữa hai đường ray để làm lối đi qua.

Vượt rào chắn cắt ngang đường tàu

Không chỉ hệ thống barie bảo vệ hành lang đường sắt bị tháo dỡ làm lối đi cắt ngang đường sắt, ghi nhận dọc tuyến QL1A của phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị cho thấy, tình trạng đổ rác, phế thải và biển hiệu quảng cáo lấn chiếm hàng lang ATGT đường sắt cũng rất phổ biến. Tại phố Quán Gánh (xã Văn Bình, huyện Thường Tín), công trình xây dựng nhà của một hộ dân tại số 80 Quán Gánh đang thi công tầng 3 nhưng phía trước sừng sững một bãi vật liệu xây dựng lớn nằm sát ngay đường ray tàu chạy. Ngay sát đó là một cửa hàng cắt tóc và cửa hàng bán đồ gia dụng, chủ cửa hàng cũng để biển hiệu ra sát đường ray tàu chạy.

Tình trạng trên phổ biến nhất ở đoạn qua phố Nghệ (xã Minh Cường, huyện Thường Tín). Quan sát dọc tuyến đường tàu chạy qua khu vực này dễ dàng nhận ra rất nhiều cơ sở bán vật liệu xây dựng mọc lên bên đường tàu. Những bãi gạch, đá, cát, sỏi lớn tập kết ngay sát khu vực đường ray tàu chạy, gây cản trở nghiêm trọng tầm quan sát cũng như hành lang an toàn của các chuyến tàu chạy qua.
 Tự ý phá barie làm lối đi cắt ngang đường sắt. Ảnh: Công Trình
Ngoài những đường ngang tự mở, dọc tuyến đường sắt chạy theo QL1A cũng có khá nhiều đường ngang được trang bị biển báo và hệ thống rào chắn tự động nhằm bảo vệ hành lang an toàn cho các chuyến tàu mỗi khi chạy qua. Tuy nhiên, tại những điểm lắp đặt hệ thống rào chắn tự động tình trạng người dân liều lĩnh vượt qua rào chắn để chạy qua đường tàu khi tàu chạy qua vẫn phổ biến. Cụ Toán (86 tuổi, bán hàng nước ở đầu làng văn hóa Hạ Giáp, xã Thắng Lợi, huyện Thường Tín) cho biết, tuyến đường ngang nối từ QL1A vào làng Hạ Giáp cắt ngang đường sắt tồn tại từ rất lâu và thường ngày có rất nhiều người dân qua lại. Khoảng một năm trước, tai điểm giao cắt này được trang bị hệ thống rào chắn tự động để đảm bảo an toàn cho người dân địa phương mỗi khi tàu chạy qua. Tuy nhiên, tình trạng người dân cố tình vượt rào chắn chạy ngang đường tàu vẫn thường xuyên xảy ra.

Ngành đường sắt phải là “chủ công”

Trao đổi với phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị, lãnh đạo một số địa phương nơi có tuyến đường sắt đi qua cho rằng, ngoài những bất cập của hạ tầng, ý thức của người dân thì phải kể đến trách nhiệm của ngành đường sắt, đơn vị đang trực tiếp quản lý, khai thác tuyến đường sắt. Ông Phạm Hữu Trí - Chủ tịch UBND xã Tô Hiệu, huyện Thường Tín cho biết, tất cả những việc cần làm để đảm bảo ATGT đường sắt như tăng cường tuyên truyền, giải tỏa vi phạm, yêu cầu các hộ dân ký cam kết không lấn chiếm hành lang ATGT đường sắt… các lực lượng chức năng đều đã và đang thực hiện, nhưng hiệu quả đem lại vẫn chưa được như mong đợi.

Dẫn chứng về việc này, ông Phạm Hữu Trí cho hay, tại một số khu vực, đặc biệt là đoạn qua phố Tía, tình trạng các hộ dân giáp với đường sắt mở lối đi sai quy định, bày hàng hóa trong phạm vi hành lang ATGT đường sắt vẫn diễn ra khá phổ biến. “Trước tình trạng trên, UBND xã đã nhiều lần làm việc với ngành đường sắt để tìm ra hướng giải quyết vấn đề này, nhưng họ chỉ ậm ừ, rồi để đấy” – ông Trí cho biết.

Ở một góc độ khác, Đại úy Đặng Hồng Giang – Đội trưởng Đội CSGT Đường sắt, Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội cho biết, nhằm đảm bảo ATGT đường sắt, trong thời gian qua, đơn vị đã tích cực phối hợp với chính quyền các địa phương và đơn vị quản lý đường sắt để giải tỏa, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong phạm vi hành lang đường sắt. Tuy nhiên, về lâu về dài, để đảm bảo trật tự ATGT đường sắt, điều quan trọng nhất là ngành đường sắt cần khẩn trương xây dựng hệ thống rào chắn, đường gom, cảnh giới tại các điểm giao cắt, lối đi dân sinh.

Đề cập đến trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc quản lý đường ngang dân sinh, bên hành lang Quốc hội ngày 24/5, trao đổi với báo giới, ĐB Quốc hội Lê Công Nhường - Ủy viên Ủy ban KHCN&MT cho rằng, chính quyền địa phương không thể thiếu trách nhiệm được. "Thậm chí, từng có ý kiến cho rằng, nơi nào để mở đường ngang dân sinh mà để xảy ra tai nạn thì người đứng đầu địa phương đó có thể mất chức. Điều này cho thấy, vai trò của chính quyền địa phương rất quan trọng trong việc giảm thiểu tối đa tai nạn giao thông đường sắt"- ông Nhường nói và nhấn mạnh, cần nghiêm túc và triệt để trong vấn đề quản lý đường ngang dân sinh.
Theo thống kê của Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội, trong vòng 6 tháng (16/11/2017 – 15/5/2018) trên địa bàn TP đã xảy ra 8 vụ TNGT đường sắt làm 8 người chết, 8 người bị thương (so với cùng kỳ giảm 2 vụ, giảm 2 người chết). Trong đó, Thường Tín 3 vụ, Thanh Trì 2 vụ, Hoàng Mai, Đống Đa, Mê Linh mỗi địa phương xảy ra 1 vụ. Trong 6 tháng đầu năm, Đội CSGT Đường sắt, Phòng CSGT đã tiến hành xử lý 166 trường hợp vi phạm vi phạm trật tự ATGT trên dọc tuyến đường sắt, phạt tiền gần 100 triệu đồng.
Để hạn chế các vụ TNGT đường sắt, đặc biệt tại các tuyến đường ngang, điều quan trọng nhất là ngành đường sắt phải thực sự vào cuộc. Cách đây vài năm, trên địa bàn xã cũng đã xảy ra một số vụ TNGT đường sắt. Tuy nhiên, khoảng hơn một năm trở lại đây, khi ngành đường sắt tổ chức rào chắn, bố trí người gác chắn tại các lối đi dân sinh, TNGT đã không còn xảy ra.

Ông Nguyễn Văn Quang – Chủ tịch UBND xã Văn Bình, huyện Thường Tín