Hành lang pháp lý chưa đủ sức răn đe

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dịp Tết, nhu cầu hàng hóa ngày càng tăng. Để đáp ứng nhu cầu này của thị trường, vài tháng trở lại đây tình trạng buôn lậu càng trở nên phức tạp.

 Thực tế cho thấy, lực lượng chức năng đã triển khai nhiều biện pháp đấu tranh ngăn chặn, song, tình trạng hàng lậu, hàng cấm vẫn xâm nhập mạnh, đặc biệt là tình trạng buôn lậu, vận chuyển hàng trái phép qua biên giới...
Hành lang pháp lý chưa đủ sức răn đe - Ảnh 1
Diễn biến phức tạp

Đại diện Phòng CSĐT tội phạm về trật tự quản lý (TTQL) kinh tế và chức vụ - Công an TP Hà Nội cho biết, hoạt động buôn lậu trốn thuế, buôn bán, vận chuyển hàng cấm và gian lận thương mại diễn biến phức tạp. Việc này ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động kinh doanh trong nước, đặc biệt các mặt hàng như:  Vàng, hàng tiêu dùng, hàng điện tử, thuốc lá và một số mặt hàng cao cấp có giá trị lớn. Một vấn đề nổi lên trong hoạt động buôn lậu là tình trạng lợi dụng chính sách Nhà nước về miễn thuế nhập khẩu, thuế xuất khẩu đối với hàng hóa tạm nhập tái xuất; ưu đãi của Nhà nước đối với Việt kiều hồi hương và chính sách cho phép các hộ kinh doanh, cá nhân sinh sống tại đường biên giới được mua hàng hóa từ nước ngoài và xuất hóa đơn tài chính,… để buôn lậu ô tô, xe điện, xe đạp điện, hàng điện tử cao cấp.
Trong năm 2013, CA Hà Nội đã khởi tố 284 vụ, 414 đối tượng phạm tội về kinh tế, chức vụ: Xử lý hành chính 1.562 vụ, 1597 đối tượng; chuyển cơ quan khác 28 vụ, 27 đối tượng; đang điều tra 109 vụ với 136 đối tượng. Thu cho ngân sách Nhà nước, cơ quan, người bị hại hơn 356 tỷ đồng. Ra thông báo thuế 203 tỷ đồng; tạm giữ hàng hóa trị giá 681 tỷ đồng...
Đáng chú ý, tháng 10/2013, lực lượng chức năng đã phát hiện  vụ vận chuyển vàng với số lượng "khủng". Cụ thể, đêm 8/10/2013, Tổ công tác Y8 -141/KH làm nhiệm vụ tại khu vực Trần Thái Tông, quận Cầu Giấy kiểm tra hành chính xe ô tô BKS 29A-702.04 có nhiều biểu hiện nghi vấn. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện trong xe có hơn 4,6 triệu đồng, 10 tập tiền mệnh giá 100 USD, 794 miếng kim loại màu vàng có chữ Sài Gòn Jewelry Company SJC (có vỏ bọc nhựa). Lái xe là Chen Zong Ge (SN 1988, quốc tịch Trung Quốc, hiện trú tại tòa nhà Đolokin, Mỹ Đình, Từ Liêm, Hà Nội). Qua đấu tranh, lực lượng công an đã làm rõ toàn bộ số vàng không có hóa đơn chứng từ, trong đó có 784 lượng vàng SJC và 10 lượng vàng giả SJC.

Ngay những ngày đầu năm,  tình hình buôn bán hàng lậu vẫn diễn biến phức tạp. Mới đây, lực lượng chức năng đã phát hiện Đinh Văn Trung (SN 1985, trú tại Kim Bảng, Hà Nam) kinh doanh rượu ngoại lậu. Theo đó, khoảng 16 giờ  chiều 20/1/2014, tổ công tác thuộc Đội CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ - Công an quận Hoàn Kiếm đã phát hiện đối tượng Tú (được Trung thuê) chở 5 thùng rượu Chivas 18, tổng số 30 chai, tập kết về số nhà 7, ngõ Nhà Chung, nên đã tiến hành kiểm tra. Bên trong ngôi nhà, cơ quan công an phát hiện 721 chai rượu do nước ngoài sản xuất, bên ngoài đề nhãn hiệu Chivas 18 và Balentine không rõ nguồn gốc xuất xứ. Đáng chú ý, ngoài số rượu trên, tổ công tác còn thu giữ trên 400 tem rượu nhập khẩu, độ cồn lớn hơn 30 độ. Đinh Văn Trung khai nhận, số tem này được mua lại của những người không quen biết để dán lên những chai rượu nhập lậu nhằm đối phó với cơ quan chức năng. Mỗi chai rượu, Trung nhập vào 500.000 đồng, sau đó bán ra ngoài với giá từ 900.000 - 1 triệu đồng. Toàn bộ số hàng này đều được Trung nhập với mục đích tiêu thụ phục vụ Tết Nguyên đán.

Chưa đủ sức răn đe

Theo Trung tướng Nguyễn Tiến Lực - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm (Bộ Công an): Từ 2010 đến hết 2013, cơ quan Cảnh sát điều tra của Bộ Công an đã khởi tố 3.007 vụ, 3.860 bị can liên quan đến buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại. Riêng năm 2013 khởi tố 997 vụ, 1.261 bị can, cao nhất trong các năm… Lực lượng công an rất quyết liệt, nhưng cái khó ở chỗ, các quy định của pháp luật chưa đủ sức răn đe. Bởi nghị định của Chính phủ quy định mức phạt hàng nhập lậu chỉ từ 300.000 - 10 triệu đồng. Như vậy, các đối tượng buôn lậu hàng chục tỷ đồng chỉ phạt tối đa 10 triệu là chưa đủ sức răn đe.

"Luật quy định xử tội phạm buôn lậu phải chứng minh được hàng hóa đó có qua biên giới, nhưng khi hàng vào đất liền bắt được thì các đối tượng đều khai là thu gom ở chợ biên giới chở về, trong khi pháp luật cho phép người dân ở biên giới được mỗi ngày qua biên giới mua 2 triệu đồng tiền hàng hóa mang về. Vì vậy, Luật có sự chồng chéo dẫn đến bắt rồi không xử được? Tháng cuối năm, Cục cảnh sát kinh tế bắt 13 vụ xe ô tô đang chở hàng trên đường, toàn trị giá dăm bảy trăm triệu đồng đến một tỷ đồng mà không xử lý hình sự được vì bọn tội phạm cứ khai rằng lên biên giới thu gom mang về" - Trung tướng Nguyễn Tiến Lực dẫn chứng.