Hạnh phúc rất giản dị

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau 3 lần hẹn, cuối cùng tôi cũng gặp được nhạc sĩ Phú Quang - người nhạc sĩ tài hoa của Hà Nội - ở một quán café quen thuộc trên phố Phan Chu Trinh.

Mọi người bảo, Chery là quán ruột của Phú Quang nên nếu như một buổi sáng nào đó điện thoại cho anh không nhấc máy, có thể tìm gặp anh nơi này. Phú Quang giản dị như những ca từ trong các bài hát của anh…  

Sau 20 năm phát triển sự nghiệp tại Sài Gòn, dù đã có tất cả, nhưng anh vẫn quyết định trở lại Hà Nội. Phải chăng khi đã già người ta thường muốn quay về nơi chôn nhau cắt rốn?

- Đúng là Sài Gòn cho tôi nhiều thứ, nhưng Hà Nội là mảnh đất đã cất giữ và nuôi dưỡng rất nhiều kỷ niệm của tôi. Đó cũng là nơi giữ lại cả dấu vết số phận mất mát - khổ đau, hạnh phúc và che chở. Nó khiến tôi càng đi xa càng nhớ. 
Gia đình nhạc sĩ Phú Quang. 	Ảnh: Tùng Dương
Gia đình nhạc sĩ Phú Quang. Ảnh: Tùng Dương
 
Nghe những ca khúc của Phú Quang, người ta dễ có cảm giác anh đang đi tìm một điều gì đó, phải chăng là hạnh phúc?

- Đôi khi, người ta cứ hay gán cho tôi thế, chứ cuộc sống gia đình của tôi hiện tại rất viên mãn, chẳng có gì để phải kiếm tìm cả. 

Anh nói mình đang hạnh phúc viên mãn. Vậy theo quan điểm của anh, hạnh phúc là gì?

- Người ta cứ hay đi tìm những thứ xa vời và ảo tưởng rằng đó mới là hạnh phúc. Thế nhưng với tôi, hạnh phúc thực ra rất giản dị, nó đơn giản chỉ là một bữa cơm đầm ấm có đầy đủ các thành viên trong nhà, cũng có thể chỉ là niềm vui mỗi buổi sáng thức dậy nhìn thấy nụ cười của người đối diện rồi tự cảm nhận mà thôi …

Có đơn giản như cách anh đang "kinh doanh" âm nhạc không? Nhiều người nhận xét, Phú Quang là một nghệ sĩ kinh doanh âm nhạc giỏi và rất thực tế - điều này có vẻ đối lập với một Phú Quang của những giai điệu lãng mạn trong âm nhạc?

- Đó lại là một phạm trù khác. Những tác phẩm của tôi thường viết về Hà Nội trong niềm hoài niệm, nên luôn đẹp còn thực tế cuộc sống rất khác. Kiểu như khi nhớ bạn, tôi buồn nên viết mấy dòng: "Chiều cuối đông gió bấc về buốt lạnh/ Bạn biết không sông Hồng đã cạn khô/ Đâu còn con sóng xô bờ…". Đấy, nghệ thuật là thế và nó khác với đời thực rất nhiều. 

Sau 2 lần đổ vỡ hôn nhân, anh từng chia sẻ là không còn tin tưởng vào tình yêu. Vậy nhưng khi bước sang tuổi 60, hạnh phúc lại "gõ cửa" trái tim anh. Lúc này quan niệm về tình yêu và hôn nhân của anh đã khác hay bởi còn lý do gì khác?

- Mỗi cuộc gặp gỡ là một mối duyên. Nếu không có duyên thì có đi ngang nhau cũng chẳng bao giờ gặp. Giữa tôi và Anh Thư cũng không ngoại lệ. Tôi nhớ đó là năm 2005, sau 20 năm sống ở Sài Gòn, tôi chuyển ra Hà Nội. Lần ấy, tôi có một chương trình ở Nhà hát Lớn và vô tình gặp cô ấy ở đó. Thực lòng mà nói thì lúc ấy tôi không có ý định đi bước nữa. Nhưng vài lần tiếp xúc với Thư, tôi nhận ra mình muốn gắn bó với người phụ nữ ấy biết nhường nào. Và trong một cảm xúc dâng trào, tôi đã viết ca khúc "Mùa thu giấu em" với những ca từ mang đúng tâm trạng mình lúc bấy giờ: "có phải mùa thu giấu em lâu đến thế/ để cuối con đường anh kịp nhận ra em/ em ào tới xôn xao như lá đổ/ xóa nỗi cô đơn lạnh giá bên thềm…".

Nói vậy là tại vì "mùa thu giấu em"? Nhưng tôi nghe nói, anh là một người rất đa tình và đào hoa, phụ nữ yêu Phú Quang hẳn không ít?

- Đúng là có nhiều người từng thổ lộ yêu tôi, thế nhưng khi tìm hiểu thì mới biết, họ chỉ yêu "Thương lắm tóc dài ơi", "Khúc mưa" hay "Điều giản dị", "Nỗi nhớ mùa đông…" chứ có phải yêu cái người viết nên những bản nhạc ấy đâu. Thư thì khác, cô ấy chả dính dáng gì đến nhạc, nhưng lại có một trái tim đa cảm, một sự cảm thụ âm nhạc rất sâu sắc. Ngoài tình yêu âm nhạc của tôi, cô ấy yêu luôn cả ông nhạc sĩ nữa. Nếu không vì yêu tôi, Thư không thể nào chịu đựng nổi cái "tính gàn dở" luôn hiện hữu trong con người của tôi. 

Tính "gàn dở" của anh là thế nào?

- Kiểu như buổi sáng lang thang café cà pháo như lúc này đây, hoặc chiều đến, nhằm lúc vợ đi làm thì một mình ngồi nghe giao hưởng, rồi thì đọc sách, xem phim… một mình.

Hình như năm nào anh cũng làm một liveshow mà tất cả toàn là bài hát cũ và cũng toàn những bài hát về Hà Nội?

- Tôi vẫn viết bài mới chứ! Mỗi chương trình có một nét riêng. Ngoài các ca khúc, tôi còn viết nhạc phim, nhạc kịch, ballet… Tôi luôn cố gắng hết sức để vượt qua chính mình. Với đêm nhạc nào tôi cũng đầu tư tâm sức và chắc chắn hay nhất có thể trong khả năng của mình. 

Nhạc của anh rất hấp dẫn công chúng, cũng có nhiều người mê nó. Nhưng hình như anh chưa từng được nhận giải thưởng âm nhạc nào nhỉ? 

- Người nghệ sĩ hạnh phúc nhất là được công chúng đón nhận các tác phẩm của mình. Giải thưởng có thì tốt, mà không có cũng không ảnh hưởng quá nhiều bởi giải thưởng lớn nhất của tôi chính là sự yêu mến của khán giả.

Anh đánh giá thế nào về những giải thưởng âm nhạc hiện nay?

- Không riêng gì âm nhạc, mà trong tất cả các giải thưởng liên quan đến văn hóa nghệ thuật chúng ta đang làm hiện nay, nếu không cẩn thận, kỹ lưỡng và chỉn chu rất nguy hiểm vì dễ có tác động tiêu cực đến thế hệ trẻ. Bởi có thể tạo cho họ suy nghĩ, không cần cố gắng, không cần trung thực vẫn có thể được ghi nhận.