Hành trình 49 lần hiến máu của cô gái 28 tuổi

Lệ Giang - Quàng Hằng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Gần 10 năm từ lần đầu tiên trao đi giọt máu đào cứu sống những người bệnh, đến nay, khi mới 28 tuổi nhưng chị Quỳnh Nga đã có tới 49 lần tham gia hiến máu và tiểu cầu. Chị cũng là một trong 100 tấm gương tiêu biểu trong phong trào hiến máu tình nguyện năm 2022.

8 giờ sáng một ngày đầu Đông, trong cái rét ngọt của thời tiết cuối năm, chị Quỳnh Nga (phường Ngọc Hà, quận Ba Đình, TP Hà Nội) cùng đồng nghiệp đang thực hiện công việc thường nhật của mình, đó là hỗ trợ lấy máu cho những người tham gia hiến máu.

Trường Đại học Văn hóa Hà Nội - nơi tập trung rất đông các bạn sinh viên chính là địa điểm làm việc ngày hôm nay của chị. Khoác trên người chiếc áo màu đỏ “máu” quen thuộc, chị Nga vừa làm việc, vừa tranh thủ “miệng nói tay làm”, chia sẻ câu chuyện xoay quanh quá trình dài tham gia hiến máu của mình.

Chị Quỳnh Nga với công việc quen thuộc của mình
Chị Quỳnh Nga với công việc quen thuộc của mình

“Tôi bị nghiện... hiến máu”

Những năm tháng là sinh viên trường Cao đẳng Y Hà Nội, chị Nga thường xuyên có dịp tiếp xúc với những bệnh viện trong quãng thời gian thực tập. Khi đó, chứng kiến các trường hợp cấp cứu, đặc biệt là những bệnh nhi bị mất máu nhiều cần phải truyền máu gấp nhưng lượng máu trong bệnh viện không có sẵn dẫn đến nhiều câu chuyện đau lòng. Từ thực tế đó, dần dần đã thôi thúc chị Nga thực hiện và duy trì hiến máu đều đặn, việc làm tuy nhỏ nhưng ý nghĩa vô cùng to lớn đối với người bệnh.

Nhớ lại lần đầu tiên tham gia hiến máu, chị Nga kể, khi còn là sinh viên, ở trường thường xuyên tổ chức những chương trình hiến máu cho cán bộ và sinh viên nhà trường, như một số bạn bè khác, chị cũng tham gia theo lời kêu gọi của các thầy cô. “Lúc đó tôi chẳng nghĩ gì, thấy người khác hiến thì mình cũng hiến. Hơn nữa lại hiến máu ngay trong trường, không phải đi đâu nên tôi quyết định tham gia hiến máu cùng mọi người” - chị Nga chia sẻ.

Hiến máu thời sinh viên, hẳn nhiều người cũng từng hiến ít nhất một lần, nhưng để duy trì đều đặn được việc làm ý nghĩa này là chuyện không đơn giản. Đối với riêng chị Nga, sau gần 10 năm kể từ lần đầu tham gia, đến nay, chị đã có tổng cộng 49 lần tham gia hiến máu và hiến tiểu cầu. Sau những lần làm công việc ý nghĩa cho đời, bản thân chị luôn cảm thấy vui vẻ, yêu đời hơn, bởi chị ý thức được rằng, lượng máu mình hiến tặng đã và sẽ giúp ích cho những người bệnh cần được truyền máu tiếp tục duy trì sự sống.

“Bản thân tôi phải nói là bị “nghiện” hiến máu, nếu lâu không hiến sẽ không chịu được. Trước kia, khi chưa lập gia đình, chưa có em bé, tần suất hiến màu thường xuyên hơn, 3 tháng được hiến máu một lần, hai tuần được tái hiến tiểu cầu, trong thời gian mang bầu em bé thì tôi không hiến máu nữa và đến nay, khi đủ điều kiện rồi thì tôi lại tiếp tục hiến máu đều đặn” - chị Nga tâm sự.

Trong những năm làm nghề, chị chứng kiến nhiều trường hợp tuy không đủ điều kiện hiến máu, nhưng bằng tấm lòng nhân ái không ít bạn đã kiên trì quay trở lại bệnh viện nhiều lần, với ước muốn duy nhất là có thể hiến máu. “Tôi nhớ nhất là có một bạn nữ dáng người nhỏ nhắn, nặng chừng khoảng 40kg, lên viện khám sức khỏe rất nhiều lần để hiến máu. Tuy nhiên, do bị huyết áp thấp, không đủ cân nặng, thêm vào đó, lượng máu chỉ đủ nuôi cơ thể nên không đủ điều kiện hiến máu. Sau nhiều lần kiên trì, cuối cùng bạn ấy cũng đủ điều kiện hiến 250ml, nhưng bản thân lại mong muốn được hiến lượng máu 350ml” - chị Nga chia sẻ.

Nhớ lại cách đây 6 năm khi phải trải qua vụ tai nạn đáng nhớ, một chiếc xe tải đã kéo lê chị Nga trên đường đi làm về khiến chị bị thương nặng và mất khoảng 2 lít máu. Khi nằm viện, chị cảm thấy may mắn bởi bản thân không cần dùng đến những tờ giấy chứng nhận tham gia hiến máu để bệnh viện truyền lại máu cho mình. “Tính đến thời điểm đó tôi đã hiến máu thường xuyên được 20 lần. Chính bởi điều đó mà tôi đã quen với việc bị “mất máu” nên khi không may tai nạn xảy đến, cơ thể tôi có thể tự kích thích và sản sinh ra nguồn máu mới nhanh chóng phục hồi lại sức khỏe bình thường mà không cần truyền máu ngoài” - chị Nga tâm sự.

Hết mình với “màu áo đỏ”

Được biết, vợ chồng chị Nga đều công tác tại Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương và cả hai đều có một điểm chung là tích cực tham gia hiến máu. Bởi cùng công tác trong ngành y nên cả 2 đều hiểu rõ về vai trò của máu và các chế phẩm máu. Hiện nay, chưa có bất kỳ loại thuốc nào có thể thay thế được nguồn máu hiến tặng từ người khỏe mạnh.

Chính vì hiểu rõ ý nghĩa to lớn của việc hiến máu tình nguyện nên cả hai vợ chồng chị đều thường xuyên tham gia. Việc làm ý nghĩa này của vợ chồng chị Nga đã truyền cảm hứng hiến máu cho nhiều đồng nghiệp và cả những người thân trong gia đình. “Vợ chồng tôi luôn tâm niệm rằng, bên cạnh công việc chuyên môn hằng ngày, chúng tôi cần phải có trách nhiệm hơn với những người bệnh bằng cách luôn sẵn sàng cho đi những giọt máu của mình mỗi khi đủ điều kiện” - chị Nga tâm sự.

Trong quá trình làm nghề, chị Nga thấy rằng, có khá nhiều bạn trẻ vẫn còn suy nghĩ hiến máu sẽ gặp một số vấn đề về sức khỏe hoặc muốn hiến nhưng lại mang tâm lý sợ máu và kim tiêm. Theo chị Nga, bản thân mỗi người nếu đủ hiểu sâu sắc về tầm quan trọng của việc hiến máu, cũng như cách giữ gìn sức khỏe trước và sau khi hiến máu thì việc làm này sẽ không còn là nỗi sợ hãi nữa, thậm chí sẽ giúp người tham gia hiến máu có sức khỏe và sức đề kháng tốt hơn.

Hành trình 49 lần hiến máu của cô gái 28 tuổi - Ảnh 1

Thời gian qua, cả nước phải gồng mình chiến đấu với đại dịch Covid-19, ngành y tế là đơn vị tuyến đầu, vô cùng vất vả. Đơn cử, số lượng nhân viên y tế ở bệnh viện nơi chị công tác giảm nhiều do phải đến các địa phương hỗ trợ phòng chống dịch. Bởi vậy, chị và các đồng nghiệp khi đó phải làm khối lượng công việc lớn gấp nhiều lần so với khi chưa có dịch.

Do đặc thù môi trường làm việc của nhân viên y tế rất khác biệt nên hầu như chị Nga không có ngày nghỉ, và phải làm việc với cường độ cao kéo dài. Ngoài làm công tác hiến máu trong viện ra, chị thường di chuyển qua các địa điểm khác nhau để lấy xét nghiệm hiến máu, xét nghiệm Covid cho tình nguyện viên và những người đến hiến máu.

Có đợt phải chạy các điểm hiến máu xa, chị Nga phải dậy từ 4 giờ sáng chuẩn bị, để 7 giờ kịp bắt đầu tiến hành làm công tác xét nghiệm hiến máu. Sau mỗi một ngày hiến máu xong sẽ phải mang máu về bàn giao cho Khoa Điều chế thành phầm máu. “Cả ngày làm việc như vậy, có hôm đến gần 10 giờ đêm tôi mới có mặt ở nhà. Nhiều hôm về muộn, em bé nhà tôi toàn hỏi mẹ ơi, bao giờ mẹ mới được nghỉ ở nhà chơi với con?” - chị ngậm ngùi.

Vừa qua, khi vinh dự có tên trong danh sách 100 người hiến máu tiêu biểu năm 2022, chị Nga vô cùng xúc động. Được sự quan tâm, ghi nhận của các cấp, chị Nga cảm thấy bản thân rất may mắn vì không phải ai cũng có được vinh dự đó. “Mặc dù việc hiến máu và hiến tiểu cầu của tôi xuất phát từ tấm lòng và không hề mong muốn sẽ nhận lại được gì nhưng với sự vinh danh này, đây chắc chắn sẽ là động lực để tôi tiếp tục duy trì việc hiến máu nhân đạo của mình” - chị Nga bộc bạch.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần