Giấc mơ đi tìm “vàng trắng”
Thôn Lòng Hồ, xã Kim Sơn nằm ngay sát khu vực hồ Đồng Mô, vốn nổi tiếng với những dịch vụ du lịch hút khách của thị xã Sơn Tây. Thế nhưng, tìm đến nơi đây, hỏi thăm về người cựu quân nhân được mệnh danh là “cha đẻ” của nghề nuôi trai lấy ngọc của địa phương, không ai là không biết ông Nguyễn Kiêm Khánh. Tấm gương vượt khó, đứng dậy sau những lần vấp ngã trong nghề để trở thành một ông chủ trang trại của ông Khánh đã và đang tiếp lửa cho biết bao người dân nơi đây.
Lần đầu bước chân vào trang trại nhà ông Khánh, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng. Không phải vì sự hào nhoáng, sang trọng của khu trang trại này, mà bởi nhìn vào cơ ngơi hồ nước, vườn cây rộng cả vài chục ngàn mét vuông kia mới biết công sức mà người đàn ông này phải bỏ ra trong thời gian qua lớn đến mức nào. Dẫn chúng tôi đi tham quan trang trại, ông nói với giọng tự hào: “Tổng diện tích của cả khu vườn đồi này khoảng 17.000m2, trong đó, diện tích mặt nước khoảng hơn 1.000m2. Tất cả đều dành để nuôi trai lấy ngọc”.
Đảo mắt nhìn qua khu hồ nước nuôi trai của ông Khánh, từ hệ thống lồng nuôi trai đến bờ kè quanh hồ, hàng cây bao quanh… đâu đâu cũng có dấu tích bàn tay con người. Phải cẩn thận, tỉ mẩn và kiên nhẫn lắm, ông Khánh mới có thể biến vùng đất gò đồi đầy sỏi đá này thành trang trại nuôi trai quy mô và tươm tất đến vậy.
Ông bảo, thời gian đi bộ đội, sống trong quân ngũ trước kia đã rèn luyện cho ông sự gọn gàng, ngăn nắp trong sinh hoạt và sự kiên nhẫn, bền bỉ, ý chí vươn lên trên con đường làm kinh tế hộ gia đình. Nếu không có những điều đó, có lẽ ông Khánh khó lòng vượt qua được những lần thất bại trên hành trình đi tìm “vàng trắng” với nghề nuôi trai lấy ngọc.
“Tôi từng tự tay đổ bỏ đi 8 tấn trai giống. Đó là thất bại lớn nhất của tôi từ lúc bắt đầu vào nghề” – ông Khánh nói với giọng trầm ngâm, hướng ánh mắt xa xăm nhìn về phía hồ nuôi trai trước mặt như để hồi tưởng về bài học đau đớn ngày nào. Ông bắt đầu bén duyên với nghề nuôi trai lấy ngọc từ thời còn trong quân ngũ. Hồi đó, vào những lúc rảnh rỗi, ông thường lui tới khu vực lòng hồ Đồng Mô để hóng mát. Nhìn hồ nước mênh mông, chợt nhớ về những lần được xem, được nghe đến nghề nuôi trai lấy ngọc trên báo, đài, trong đầu người quân nhân ấy chợt nảy ra một ý tưởng táo bạo, đó là mở trang trại, xây hồ nước để nuôi trai lấy ngọc.
Nghĩ là làm, ông dùng số tiền dành dụm được mua một thửa đất khoảng 7.000m2 ở thôn Lòng Hồ, cách không xa hồ Đồng Mô với mục đích sẽ cải tạo thành trang trại nuôi trai. Năm 2018, khi xuất ngũ về hưu, ông mới chính thức có điều kiện để hiện thực hóa giấc mơ của mình. Việc đầu tiên ông làm là thực hiện chuyến đi tới đảo Phú Quốc để tìm hiểu mô hình nuôi trai lấy ngọc. Trở về từ Phú Quốc, ông bắt đầu vào việc. “Việc đầu tiên tôi làm là mang nước ở đây đi xét nghiệm xem có phù hợp để nuôi trai lấy ngọc không. Kết quả là rất phù hợp. Điều này khiến tôi càng háo hức muốn bắt tay vào nghề luôn” – ông Khánh kể.
Không gục ngã
Những mẻ trai giống đầu tiên được ông Khánh mua về thả với tâm trạng hồi hộp đến kỳ lạ. Tuy nhiên, mọi chuyện không như là mơ. Thời gian đầu, trai giống thả xuống bị chết rất nhiều. Thậm chí, có lần, toàn bộ 8 tấn trai giống của ông thả xuống hồ đều chết sạch. Tự tay vớt từng xác trai đem đi vứt, ông như muốn trào nước mắt. Người đàn ông từng trải qua thời gian dài được trui rèn trong quân ngũ ấy, tưởng chừng như chẳng điều gì có thể hạ gục được ý chí của mình, nay đã bị chính ước mơ “vàng trắng” quật ngã. “Tôi nhập trai giống về rồi đổ cả bao tải xuống hồ với suy nghĩ đơn giản là trai cũng giống như cua, như ốc, sẽ tự sinh sôi nảy nở và lớn lên. Ý nghĩ sai lầm đó đã khiến tôi phải trả giá” – ông Khánh nhớ lại.
Để nhập 8 tấn trai giống, ông Khánh phải bỏ ra khoảng 128 triệu đồng. Đó là số tiền không nhỏ với ông và gia đình vào thời điểm đó. Sau thất bại này, một số người thân cũng khuyên ông bỏ nghề và thật sự trong đầu ông cũng từng có thời điểm văng vẳng hai chữ “bỏ nghề” đó. Thế nhưng, đúng vào thời điểm khó khăn nhất, bản lĩnh người lính cụ Hồ trong ông đã trỗi dậy, cộng thêm với sự động viên của gia đình, hàng xóm, ông Khánh quyết tâm làm lại. Ông lại đi học nghề để bổ sung thêm kiến thức.
Từ những kiến thức có được, ông xây dựng một quy trình từ chọn giống, nuôi cấy và chế tác phù hợp. Thành quả cũng dần dần tìm đến với ông. “Nghề nuôi trai, một trong những khâu quan trọng nhất là chọn giống. Khi lựa giống phải đúng chủng loại, đúng độ tuổi. Nếu chọn trai già thì chậm phát triển, trai có kích thước nhỏ hơn thì non. Chọn con khỏe, không dị dạng, dầy thịt, vỏ bóng, dày khỏe” – ông Khánh chia sẻ.
Đứng lên từ thất bại, đến nay, ông đã gây dựng được “đàn” trai lấy ngọc lên tới khoảng 10.000 - 12.000 con, tương đương 7 - 8 tấn trai. Cũng nhờ kinh nghiệm và sự tận tình chăm sóc của ông Khánh, những con trai ông nuôi cũng cho ra những viên ngọc ngày một to, sáng và chất lượng hơn. Ông cho biết, từ khi bắt đầu nuôi cấy đến khi thu hoạch, những viên ngọc trai nhỏ khoảng 3mm cần thời gian 2 - 3 năm/vụ, viên to khoảng 5mm mất từ 3 - 5 năm/vụ. Với giá thị trường hiện nay (hàng loại 1 giá khoảng 22.000 USD/kg. Mỗi đơn hàng khoảng 20kg, tương ứng 24.000 viên ngọc), trừ các chi phí phát sinh, duy trì chăm sóc, nhân công… mỗi tháng gia đình ông thu nhập khoảng 50 – 80 triệu đồng.
Đặc biệt, ông cho biết đã từng nhận được những đơn hàng cả chục tỷ đồng đến từ nhiều quốc gia như Nhật Bản, Trung Quốc. Tuy nhiên, do giá trị đơn hàng cao, cần trữ lượng ngọc trai quá lớn ngoài khả năng đáp ứng hiện nay của trang trại nên ông Khánh đã từ chối. Dù vậy, những vị khách đó vẫn bỏ ngỏ khả năng quay lại bất cứ khi nào ông có thể đáp ứng được trữ lượng mà họ yêu cầu.
Chăm chú quan sát những viên ngọc trai trên tay chủ trang trại Nguyễn Kiêm Khánh - Trưởng ban Tuyên giáo Thị ủy Sơn Tây Hà Việt Phong không khỏi trầm trồ. Ông Phong cho biết, thành công từ mô hình nuôi trai lấy ngọc của hộ ông Nguyễn Kiêm Khánh sẽ mở đường cho nhiều hộ gia đình khác ở xã Kim Sơn nói riêng và thị xã Sơn Tây nói chung có thể học hỏi và nhân rộng.
“Phát triển mô hình nuôi trai lấy ngọc ở thôn Lòng Hồ đã được địa phương hỗ trợ xây dựng thương hiệu Ngọc Khánh Pearl và mô hình trở thành điểm tham quan thú vị khi đến thôn Lòng Hồ. Ngoài tập trung nuôi, chế tác, trưng bày ngọc trai, cảnh quan môi trường cũng rất hấp dẫn, phù hợp với khách tham quan kết hợp trải nghiệm thực tế” – ông Phong nhận định.
Việc nuôi trai ngọc vừa phát triển kinh tế, vừa không xâm hại môi trường nước, bởi thức ăn của trai chủ yếu là các loài phù du, tảo… sẵn trong tự nhiên. Nuôi trai lấy ngọc còn làm cho môi trường nước trong lành, giảm ô nhiễm nguồn nước, có thể kết hợp nuôi cá. Ngoài sản phẩm chính là ngọc trai, thịt con trai cũng được dùng làm thực phẩm hoặc thức ăn trong chăn nuôi; vỏ trai dùng làm nguồn phân bón… tạo mô hình nông nghiệp tuần hoàn khép kín gắn với du lịch để phát triển bền vững.
Bí thư Đảng ủy xã Kim Sơn Vũ Huy Nam