|
Các em nhỏ chuẩn bị xuất phát từ Trung tâm Chữa bệnh, giáo dục, lao động xã hội số 2. |
Những trải nghiệm khó quên
5 giờ sáng, chúng tôi lên chiếc xe ô tô 45 chỗ màu đỏ từ trung tâm Thủ đô tới xã Yên Bài, huyện Ba Vì đón các em nhỏ. Mới 6 giờ sáng, nắng đã trải mật khiến quang cảnh vùng ven đô thêm phần rực rỡ. Song, lại làm dấy lên trong chúng tôi những lo ngại, bởi, các bé vốn không khỏe mạnh như người thường. Thế nhưng, trái ngược với nỗi trăn trở ấy, xe vừa qua cổng Trung tâm Chữa bệnh, giáo dục, lao động xã hội số 2, chúng tôi bắt gặp những cô bé, cậu bé mặc áo màu vàng chanh nổi bật. Điểm chung dễ nhận thấy ở các em là sự thấp bé, và tuyệt nhiên, không có em nào mập hay béo. Tất cả xếp thành 4 hàng ngay ngắn, nghiêm túc và trật tự. Đón chúng tôi, Giám đốc Trung tâm Phạm Đình Giang cho biết: “Từ tối hôm qua, các con đã rất háo hức chuẩn bị đồng phục, mũ nón. Sáng nay, tất cả đều dậy rất sớm, có bé dậy trước 5 giờ sáng vì mong sớm được đi chơi”. Các em lần lượt bước lên xe trong niềm hứng khởi, bắt đầu một hành trình với nhiều trải nghiệm lý thú.
|
Các bé nghe thuyết minh tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. |
Sau bữa cơm trưa, Bí thư Đoàn khối Các cơ quan TP Hà Nội Nguyễn Thị Lan Anh cùng đại diện Ban Tổ chức đã tặng ảnh lưu niệm cùng 82 phần quà gồm sữa, bánh kẹo và 6 phần quà là vở và đồ dùng học tập cho 6 học sinh đạt thành tích tốt nhất năm học 2016-2017 đang sinh sống tại Trung tâm Chữa bệnh, giáo dục, lao động số 2. |
Đúng 8 giờ 30 phút, cả đoàn có mặt tại rạp Kim Đồng để thưởng thức bộ phim bom tấn của điện ảnh Hollywood mang tựa đề “Biệt đội biển xanh”. Phim kể về hành trình giải cứu đồng loại bị mắc kẹt trong một núi lửa đang phun trào dưới lòng đại dương của Biệt đội biển xanh gồm 4 thành viên: Chú bạch tuộc thông minh, con cá lồng đèn lồng vụng về, cô tôm sâu tưng tửng và cô cá lịch biển. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, cả biệt đội phải đối mặt với những kẻ thù ghê gớm và hàng loạt tình huống “dở khóc dở cười”. Cuối cùng, bằng tình yêu thương đồng loại, sự gắn kết chặt chẽ, Biệt đội biển xanh đã mang lại những tháng ngày rực rỡ, huy hoàng về với đại dương và cả những chàng pháo tay tán thưởng giòn giã của cả khán phòng.
Rời phòng chiếu phim, các bé vẫn rôm rả bàn luận về cốt chuyện và những nhân vật mình yêu thích. Bé Trang (8 tuổi) chia sẻ: “Cháu thích Deep nhất vì chú bạch tuộc ấy rất thông minh, nhanh trí. Đây là lần đầu tiên cháu được đi xem phim ở rạp chiếu. Chưa bao giờ cháu thấy chiếc màn hình ti vi nào to đến thế, âm thanh như lùa vào tai như thể chiếc loa đang ở rất gần”. Còn bé Linh (13 tuổi) thì bảo: “Cháu thích bộ phim này vì nó rất ý nghĩa. Phim dạy chúng cháu phải luôn đoàn kết, gắn bó, yêu thương nhau”. Và cứ như thế, câu chuyện nối dài mãi đến tận khi chiếc xe 45 chỗ dừng lại để các bé vào tham quan Văn Miếu – Quốc Tử Giám.
|
Các bé chụp hình lưu niệm tại Trung tâm Văn hóa Kim Đồng. |
Một lần nữa, các bé khiến chúng tôi ngạc nhiên vì ý thức và sự tự giác. Vừa xuống xe, tất cả đã xếp thành hai hàng ngay ngắn và làm theo mọi hướng dẫn của cô thuyết minh viên. Không gian cổng Văn Miếu Quốc Tử Giám hiện lên trong đôi mắt thơ ngây của các bé thật đẹp, thật trang nghiêm. Trong suốt hành trình, các bé như muốn nuốt lấy từng lời của cô hướng dẫn viên và trầm trồ, thán phục trước những công ơn to lớn của các vị hiền tài.
Thêm niềm tin và hy vọng
Chương trình “Hành trình yêu thương 2” có sự đồng hành của các đơn vị: Công ty TNHH Dịch vụ Minh Việt, chuỗi nhà hàng Phủi Quán, Công ty Cổ phần thang máy và đầu tư HTC, Trung tâm Văn hóa Kim Đồng, Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám và Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. |
Sau hơn 1 giờ tham quan Văn Miếu – Quốc Tử Giám, cả đoàn đã thấm mệt và đói. Chúng tôi đi bộ sang nhà hàng Phủi Quán (số 8, ngõ Hàng Bột) để ăn trưa. Các món ăn độc và lạ được trang trí bắt mắt của nhà hàng khiến các bé vô cùng thích thú. Chúng thầm thì nhỏ to: món này tên là gì? Món này được làm từ gì mà ngon thế nhỉ?
Nhưng, đó chưa phải là điều tuyệt vời nhất, điều đặc biệt mà các bé được tìm hiểu ở quán ăn này chính là câu chuyện của anh Tổng quản lý tên Tuấn của chuỗi nhà hàng Phủi Quán.
Sau khi biết hoàn cảnh đặc biệt của các em nhỏ, anh Tuấn rơm rớm nước mắt và hồi tưởng lại tuổi ấu thơ của mình. Cách đây 31 năm, anh cũng mồ côi cả cha lẫn mẹ, may mắn được anh chị nuôi ăn học. Nhưng từ khi 12 tuổi, anh chị không còn khả năng nuôi dưỡng nên cậu bé Tuấn phải đi bốc vác, xách hồ để có cái ăn, cái mặc. Vậy mà, từ năm 12 tuổi đến khi 18 tuổi, Tuấn luôn được vinh danh là học xuất sắc nhất huyện Sóc Sơn.
|
Các bé chụp hình lưu niệm tại Khuê Văn Các. |
Năm 18 tuổi, Tuấn đỗ tốt nghiệp loại ưu rồi làm việc chăm chỉ suốt 3 tháng hè để có tiền làm hồ sơ thi đại học. Anh xuất sắc đỗ cả 3 trường: Đại học Kỹ thuật Quân sự, đại học Sư Phạm và Đại học Văn hóa. Lựa chọn Đại học Văn hóa để theo học, nhiều tuần liền, Tuấn phải ăn mì tôm úp vì không có xoong, nồi. Vậy mà, năm nào Tuấn cũng được đứng trên sân khấu đón nhận danh hiệu sinh viên nghèo vượt khó.
|
Các bé tham quan Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. |
Sau khi ra trường, Tuấn làm hướng dẫn viên du lịch 2 năm thì được thăng chức làm phó phòng, rồi trưởng phòng maketting của Công ty Lữ hành Hanoitourist. Sau đó, Tuấn chuyển hướng sang ngành nhà hàng, khách sạn. Đầu tiên, anh làm bưng bê, rồi lên tổ trưởng, giám sát, quản lý. Sau 6 năm, anh đã làm Tổng quản lý cho 4 đơn vị. Anh khuyên các bé: “Hãy sống như đóa sen, vươn lên từ bùn đen. Thành công sẽ đến nếu các em quyết tâm đi lên bằng đôi chân, làm việc bằng suy nghĩ và thể hiện năng lực bằng đôi tay. Đặc biệt, chuỗi nhà hàng Phủi Quán luôn mở rộng vòng tay đón tất cả các em nhỏ của Trung tâm Chữa bệnh, giáo dục, lao động xã hội số 2 đến làm việc, chỉ cần các em yêu nghề, có đam mê và nghị lực”.
|
Các bé ăn trưa tại nhà hàng Phủi Quán. |
Câu chuyện của anh Tuấn thật xúc động. Anh đã tiếp thêm niềm tin, hy vọng, anh là tấm gương, là thần tượng để các bé nỗ lực và phấn đấu vươn lên vì một tương lai tươi sáng.
Giám đốc Trung tâm Chữa bệnh, giáo dục, lao động xã hội số 2 Phạm Đình Giang cho biết: Hiện Trung tâm đang nuôi dưỡng 82 đối tượng. Trong đó có 73 trẻ mồ côi bị bỏ rơi nhiễm HIV, 2 người nhiễm HIV không có khả năng lao động và 7 trẻ tự nguyện ngoài TP Hà Nội. Hàng ngày, 77 trẻ nhiễm HIV được cấp phát và uống thuốc đều đặn 2 lần/ngày. Vì định kiến xã hội ở vùng nông thôn với căn bệnh HIV còn nặng nề, nên, các em không được đi học ở trường như các em cùng trang lứa mà do các bố, mẹ, các thầy cô giáo là cán bộ, nhân viên của Trung tâm dạy bảo, chăm sóc. |
Sau bữa trưa, chúng tôi đưa các em nhỏ tham quan Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. Thật vui vì khi nhìn thấy các hiện vật, hình ảnh được trưng bày tại đây, các em tỏ ra rất am hiểu về văn hóa, lịch sử, đất nước con người Việt Nam. Nhìn các em ngon lành thưởng thức món kem, rồi sảng khoái cười đùa khi hòa mình vào các trò chơi dân gian, chúng tôi tự hứa, nhất định sẽ tổ chức một chương trình tương tự cho 42 em còn lại không được tham gia lần này.
Phó trưởng phòng Chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ - Trung tâm Trung tâm Chữa bệnh, giáo dục, lao động xã hội số 2 Đỗ Thị Nhung chia sẻ: “”Hành trình yêu thương 2” là chương trình vô cùng ý nghĩa và thiết thực, giúp các em nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt được xem phim và tham quan, tìm hiểu về các danh lam, thắng cảnh nổi tiếng của Thủ đô Hà Nội. Đồng thời, nhân rộng và lan tỏa sự sẻ chia, tinh thần tương thân tương ái, đem lại niềm vui, tiếng cười cho các con. Tôi tin rằng, đây là chuyến đi không thể nào quên, thậm chí có thể làm thay đổi cuộc đời các con, vì các con hiếm khi có cơ hội được ra ngoài vui chơi”.
Dưới đây là một số hình ảnh trong chương trình “Hành trình yêu thương 2”:
|
Các bé xếp hàng chuẩn bị xuất phát từ Trung tâm Chữa bệnh, giáo dục, lao động xã hội số 2. |
|
Bí thư Đoàn khối Các cơ quan TP Hà Nội Nguyễn Thị Lan Anh cùng đại diện Ban Tổ chức tặng quà cho các em nhỏ. |
|
Đại diện Ban tổ chức tặng 82 phần quà cho các em nhỏ thuộc Trung tâm Chữa bệnh, giáo dục, lao động xã hội số 2. |
|
Bí thư Đoàn khối Các cơ quan TP Hà Nội Nguyễn Thị Lan Anh cùng đại diện Ban Tổ chức tặng Trung tâm Chữa bệnh, giáo dục, lao động xã hội số 2 bức ảnh cả đoàn chụp lưu niệm tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. |
|
Các bé chụp hình lưu niệm tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. |
|
Các bé nghe thuyết minh trước Khuê Văn Các trong Văn Miếu - Quốc Tử Giám. |
|
Các bé chơi trò đi cầu thăng bằng tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. |
|
Các em ăn kem, nghỉ giải lao. |
|
Anh Tuấn - Tổng quản lý chuỗi nhà hàng Phủi Quán chia sẻ câu chuyện của bản thân. |
|
Các em nhỏ hào hứng trước khi xem bộ phim Biệt đội biển xanh. |
|
Các em nhỏ chụp hình lưu niệm tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam trước khi trở về Trung tâm Chữa bệnh, giáo dục, lao động xã hội số 2. |
Video clip