Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hành trình hồi hương của ấn “Hoàng đế chi bảo”

Yến Bách
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiếc ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” nằm trong số 14 “kim ngọc, bảo tỷ” (ấn vàng, ấn ngọc) mà Hoàng đế Minh Mạng đã cho chế tác vào thời ông trị vì (1820 -1841).

Chiếc ấn đã có vài chục năm lưu lạc ở nước ngoài. Vào năm 2023, bảo vật đã được nhà đấu giá Millon ở Pháp rao bán với mức giá khởi điểm từ 2 - 3 triệu euro (khoảng 49 - 73 tỷ đồng).

Quá trình hồi hương của ấn vàng khá gian truân. Phải đến cuối năm 2023, sau quá trình đàm phán, trao đổi và tìm nhà đầu tư, Hoàng đế chi bảo đã chính thức nhập quan về Việt Nam và được trưng bày tại Bảo tàng tư nhân Nam Hồng (tỉnh Bắc Ninh).

“Hoàng đế chi bảo” là chiếc ấn nặng nhất của triều Nguyễn. Theo sách Đại Nam Thực lục do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn thì “Ngày Giáp Thìn, đúc ấn “Hoàng đế chi bảo” (muốn làm rồng cuốn hai tầng, vuông 3 tấc 2 phân, dày 5 phân, bằng vàng mười tuổi, nặng 180 lạng 9 đồng 2 phân). Phàm chiếu như sắc dụ đều đóng ấn ấy”. Tức là năm Minh Mệnh thứ tư (1823), Hoàng đế Minh Mạng ra lệnh đúc ấn này.

Cận cảnh ấn vàng "Hoàng đế chi bảo". Ảnh VOV
Cận cảnh ấn vàng "Hoàng đế chi bảo". Ảnh VOV

Chiếc ấn không chỉ nặng, kích thước lớn mà còn thuộc loại đẹp nhất trong số ấn của triều Nguyễn, nói lên khả năng thẩm mỹ và bàn tay khéo léo của người thợ đúc.

Ấn miêu tả một con rồng đang nằm, thân uốn cong. Đầu rồng ngẩng cao, hướng về phía trước, có mắt to hình cầu nhìn thẳng, mũi sư tử, sừng hươu, râu dài tới cổ, đuôi dựng đứng có hình xoáy, vây lưng hình tam giác dựng đứng, có 4 chân mỗi chân có 5 móng. Trên đầu rồng có khắc chữ "Vương". Nét đẹp hoàn hảo của chiếc ấn này không chỉ ở ánh vàng tinh khiết, long lanh mà còn ở nghệ thuật tạo hình: rồng có thế nằm cuộn khuôn lại, mềm mại trong một vòng tròn đặt trong một cái đế vàng hình vuông... Rồng được tả chi tiết toát nên vẻ uy nghi, mắt nhìn thẳng, chân rồng có 5 móng biểu tượng cho mệnh Thiên tử.

Trên cả cái đẹp về mặt nghệ thuật tạo hình, ấn “Hoàng đế chi bảo” đã mang một ý nghĩa biểu tượng của một triều đại và của vị Hoàng đế Minh Mạng có công mở rộng bờ cõi, khẳng định vị trí của nước Đại Nam trên bản đồ thế giới. Đồng thời chiếc ấn cũng là vật chứng gắn liền với một sự kiện lịch sử quan trọng, sang trang một thời đại mới.

Đầu năm 2023, Nhà đấu giá Millon ở Pháp thời điểm đó rao bán với mức giá khởi điểm từ 2 - 3 triệu euro (khoảng 49 - 73 tỷ đồng). Với mức giá này, ông Nguyễn Thế Hồng - chủ nhân Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng nhận định nếu đấu giá công khai thì không thể mua được ấn vàng vì mức giá chốt phiên sẽ rất cao. Chuyên gia này tìm cách liên hệ với cơ quan quản lý văn hóa. Bộ VHTT&DL sau đó đã liên hệ với Bộ Ngoại giao và các cơ quan liên quan để tìm cách hồi hương cổ vật…

Trong khi đó, các cơ quan chức năng rất mong muốn huy động mọi nguồn lực đưa ấn vàng hồi hương. Phương án khác được đưa ra là các cơ quan, tổ chức trong nước có thể quyên góp, tham gia đấu giá ấn, đưa về và hiến tặng cho bảo tàng. Hãng Millon cũng nhiều lần dời lịch đấu giá, tạo điều kiện cho phía Việt Nam có thêm thời gian thương lượng để mua lại.

Ông Nguyễn Thế Hồng đã chi 6,1 triệu euro (hơn 153 tỷ đồng), mua ấn, dưới sự bảo trợ của Chính phủ và các bộ, ngành, cơ quan Việt Nam. Chiếc ấn “Hoàng đế chi bảo” đã được ra mắt trong cuộc trưng bày đầu tiên ở Bảo tàng Nam Hồng vào cuối năm 2023.